Gắn kết văn hóa và du lịch qua các lễ hội
Đến hẹn lại lên, vào trung tuần tháng giêng hàng năm, nhiều làng quê ở huyện. Quảng Trạch lại nô nức tổ chức lễ hội làng. Đây là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính với các bậc tiền nhân, đồng thời bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương, nguồn 'tài nguyên' vô giá đối với sự phát triển du lịch.
Những lễ hội làng đặc sắc
Những ngày sau Tết Nguyên đán, người dân thôn Tân An, xã Quảng Thanh lại tranh thủ làm những chiếc đèn hoa đăng đủ sắc màu, chuẩn bị lễ hội làng và phong tục thả hoa đăng trên sông Gianh vào ngày 17 tháng giêng. Tổ chức hội làng tháng giêng năm Ất Tỵ 2025, người dân thôn Tân An đã cùng nhau làm hơn 3.000 chiếc đèn hoa đăng. Sau các nghi lễ cúng, rước Thành hoàng làng, đêm 17 tháng giêng, người dân trong thôn Tân An tập trung bên bến sông quê hương để thắp những ngọn đèn hoa đăng, thả xuống dòng sông và cùng nhau nguyện cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với tất cả mọi người.
Trưởng thôn Tân An Ngô Văn Hòa cho biết: Phong tục thả đèn hoa đăng có từ lâu đời. Trước đây các thế hệ cha ông đều làm, nay con cháu kế thừa. Những năm gần đây, đời sống kinh tế ngày càng khá hơn nên thôn Tân An tổ chức lễ hội tháng giêng chu đáo hơn, làm nhiều hoa đăng hơn. Lễ thả đèn hoa đăng vừa tạo phong cảnh đẹp, vừa mang ý nghĩa tâm linh cầu mong cho làng xóm sức khỏe, bình yên, mưa thuận gió hòa, con cháu học hành tiến tới, đỗ đạt, nên ai cũng háo hức mong chờ.

Người dân thôn Tân An kết hoa đăng cho lễ hội tháng giêng.
Thời điểm này, người dân thôn Đông Dương, xã Quảng Phương cũng nô nức tổ chức lễ hội rằm tháng giêng (còn gọi là lễ hội cầu yên). Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, được người dân mong đợi nhất.
Theo trưởng thôn Đông Dương Phạm Thanh Hải, lễ hội cầu yên được tổ chức để cầu cho làng xã an yên, một năm mới tốt lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân làm ăn phát đạt, cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới. Đây cũng là dịp để người dân trong làng cùng tưởng nhớ những người có công với quê hương, đất nước; tri ân các vị khai canh, Thành hoàng làng với mong muốn bảo trợ cho làng, các dòng họ và cho mỗi thành viên trong cộng đồng làng, xóm.
Một trong những hoạt động nhân văn, đầy ý nghĩa là trước khi bước vào lễ hội là vào ngày 14 tháng giêng, người dân trong thôn cùng nhau đi “xủi mả” cho hơn 400 ngôi mộ vô danh dưới rừng trâm bầu.
Lễ hội tháng giêng ở thôn Đông Dương còn rất độc đáo với các nghi lễ truyền thống, như: Lễ rước tổ, lễ thỉnh tổ, lễ chúc thực và phần hội với các trò chơi dân gian. Đặc biệt, đến Đông Dương trong ngày hội rằm tháng giêng, người dân và du khách thập phương còn được xem trình diễn ca trù dưới mái đình làng cổ kính…
Cơ hội để phát triển du lịch
Lễ hội và du lịch luôn gắn bó chặt chẽ với nhau vì lễ hội truyền thống là một dạng hoạt động văn hóa đặc thù có sức thu hút du khách rất lớn. Với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, đặc sắc, những lễ hội tháng giêng ở huyện Quảng Trạch đang trở thành nguồn “tài nguyên” vô giá và cơ hội để địa phương phát triển du lịch.
Theo Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phan Văn Thanh, phát triển kinh tế du lịch và dịch vụ là một trong những chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025. Thời gian qua, cùng với việc kêu gọi các nhà đầu tư tâm huyết, quan tâm đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, huyện Quảng Trạch tập trung phát triển du lịch văn hóa, lịch sử gắn với các lễ hội văn hóa truyền thống.
Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, huyện Quảng Trạch có nhiều lễ hội tháng giêng được người dân bảo tồn và phát triển qua bao đời nay. Trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc, như: Lễ hội rằm tháng giêng (còn gọi là lễ hội cầu yên) ở làng Đông Dương và Pháp Kệ, xã Quảng Phương; thả hoa đăng ở làng Tân An, xã Quảng Thanh; cầu ngư ở xã Cảnh Dương; rước Thành Hoàng làng ở Di Lộc xã Quảng Tùng…
Từ năm 2024, huyện Quảng Trạch đã quyết định “nâng tầm” lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ cấp xã lên cấp huyện và đổi tên thành lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu”. Đặc biệt, từ tháng 4/2025, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh là điểm du lịch, đã mở ra cơ hội “vàng” để huyện đẩy mạnh bảo tồn các giá trị văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch.
Đối với các lễ hội tháng giêng, đây là những lễ hội có quy mô nhỏ, chưa được đầu tư đúng mức nên vẫn chưa có hỗ trợ đắc lực cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, với những nét văn hóa đặc sắc, nhân văn, các lễ hội này cũng đang dần trở thành một sự kiện được yêu thích và đón nhận của người dân và du khách gần xa, như lề hội cầu yên ở Đông Dương và lễ hội cầu ngư ở Cảnh Dương.
“Thời gian tới, huyện Quảng Trạch sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch đồng bộ từ khâu tổ chức đến cách thức quảng bá, trong đó lựa chọn những lễ hội tháng giêng để xây dựng thêm các sản phẩm du lịch phù hợp. Cùng với đó, huyện khôi phục các trò chơi dân gian đặc sắc, các món ăn đặc trưng, nhằm làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội, tạo những điểm nhấn, giá trị văn hóa tốt đẹp, đủ sức thu hút du khách”, ông Thanh nhấn mạnh.