Gắn kết với doanh nghiệp, kiến tạo nhân lực chất lượng cao
Năm 2023, khoảng hơn 3.100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần coi đây là cơ hội phát triển của mình cũng như kiến tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Thu hẹp khoảng cách kỹ năng và năng lực
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 31.3.2022, trong hơn 51,2 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, tỷ lệ có chuyên môn kỹ thuật chỉ đạt 26,1% và tỷ lệ có trình độ đại học là 11,1%. Trong khi đó, riêng năm 2023, khoảng hơn 3.100 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Do đó, tại Diễn đàn Thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo giữa doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục đại học sáng 22.5, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong nghiên cứu và đào tạo để đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước; đặc biệt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhìn nhận về những hạn chế trong công tác đào tạo của các cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Công Thủy, Giám đốc Công ty Tư vấn nhân sự quốc tế Jobtest cho rằng, các công ty FDI mang đến Việt Nam không chỉ việc làm mà còn cả công nghệ tiên tiến và chuyên môn trong ngành. Mặc dù đã dành nhiều thời gian và công sức cho việc phát triển đội ngũ nhân tài trẻ thông qua các chương trình tuyển dụng và đào tạo nhanh quản lý tiềm năng, thực tập sinh, đào tạo sinh viên mới tốt nghiệp hoặc lãnh đạo tương lai, song các công ty FDI vẫn có nhu cầu cao và thiếu hụt lực lượng lao động chất lượng cao.
Trong khi Việt Nam chưa áp dụng đồng bộ chuẩn quốc gia các khung năng lực theo ngành và lĩnh vực như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Australia, Mỹ... thì các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam hiện vẫn chỉ tập trung vào kiến thức lý thuyết thay vì chuyên sâu đào tạo kỹ năng chuẩn ngành theo nhu cầu thực tại của doanh nghiệp, khiến sinh viên không sẵn sàng cho những yêu cầu thực tế về kỹ năng tại nơi làm việc.
Trưởng Nhóm Công tác nguồn nhân lực, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF) Colin Blackwel nhìn nhận,trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, công nghệ đã loại bỏ nhiều công việc truyền thống mà trước đây là khởi đầu nghề nghiệp cho sinh viên khi tốt nghiệp. Mặc dù tổng thể cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp ít hơn nhưng cũng có nghịch lý là sự thiếu hụt kỹ năng toàn cầu. Thực trạng này không mới nhưng sự thay đổi công nghệ nhanh chóng đã khiến nó trở nên nghiêm trọng.
Ông Colin Blackwel phân tích, lao động Việt Nam đang ở trong “nền kinh tế hai tốc độ” - một người Việt làm việc cho công ty nước ngoài ở Việt Nam có năng suất cao hơn 3,7 lần so với một người Việt làm việc cho công ty Việt Nam trong nước. “Rõ ràng, nếu giáo dục có những tiêu chuẩn phù hợp với kỹ năng tuyển dụng mà doanh nghiệp yêu cầu thì sẽ tốt hơn cho mọi người. Cụ thể, khi các công ty Việt Nam, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuê khoảng 80% lực lượng lao động quốc gia, chỉ khi năng suất của họ tăng 3,7 lần, bắt kịp khu vực đầu tư nước ngoài, thì Việt Nam mới trở thành quốc gia thu nhập cao”.
Đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp - nhà trường
Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp FDI nên hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhà trường. Các cơ sở giáo dục cũng cần chú trọng đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, chuyên gia giỏi để xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Thương, Phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, cho biết, thời gian qua, nhà trường luôn phát huy sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo. Từ kinh nghiệm của nhà trường cho thấy, việc thiết lập các dự án nghiên cứu chung giữa trường đại học và công ty FDI thúc đẩy sự đổi mới và chuyển giao kiến thức. Bằng cách tận dụng chuyên môn của các nhà nghiên cứu và nguồn lực của các công ty FDI, các sáng kiến nghiên cứu hợp tác có thể giải quyết những thách thức đặc thù của ngành và thúc đẩy tiến bộ công nghệ.
Theo ông Nguyễn Công Thủy, các doanh nghiệp FDI còn có thể đồng hành và hợp tác chuyên sâu với các cơ sở giáo dục để phát triển chương trình giảng dạy dựa trên kỹ năng và năng lực cụ thể của ngành, phản ánh nhu cầu thực tế của ngành. Sau đó, các cơ sở giáo dục đại học phải điều chỉnh chương trình giảng dạy của họ cho phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của các công ty FDI. Cùng với đó, các chuyên gia từ doanh nghiệp FDI có thể được mời đến các trường đại học để thuyết trình và tổ chức hội thảo. "Điều này giúp sinh viên tiếp cận với các xu hướng và thực tiễn mới nhất trong ngành, mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh".
Khuyến khích thành lập các hội đồng cố vấn bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài cho các trường đại học địa phương cũng là giải pháp các chuyên gia đề xuất. Ông Colin Blackwel lấy ví dụ như liên kết các công ty công nghệ nước ngoài với các khóa học công nghệ của trường đại học địa phương, doanh nghiệp có thể giúp tư vấn chi tiết về nội dung khóa học, chia sẻ các yêu cầu công việc...