'Gắn mác' cho sản phẩm thương mại đặc trưng của Đà Nẵng
Các sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng của Đà Nẵng – Danang Value được hỗ trợ truyền thông, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xem xét hỗ trợ đầu tư để mở rộng quy mô…
Sáng 19/11, trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2020 (EWEC Đà Nẵng 2020), UBND TP Đà Nẵng đã trao quyết định và chứng nhận Sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng của TP Đà Nẵng năm 2019 cho 4 doanh nghiệp.
Cụ thể, 4 doanh nghiệp được công nhận sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng gồm: Nước mắm Nam Ô – Hương Làng Cổ của Công ty TNHH Mắm Hồng Hương; Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ của Cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ; Mắm nhĩ Bình Minh của Hợp tác xã mắm Bình Minh và sản phẩm cà phê sạch MaYaCa (mã M3, M4, M5, GI) của Công ty TNHH MTV Cà phê MaYaCa l.
Chứng nhận “Danang Value” nhằm tôn vinh những sản phẩm thương mại mang nét đặc trưng của Đà Nẵng, khuyến khích các sản phẩm này phát triển, mở rộng thương mại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mua sắm của người dân, khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến nay, Đà Nẵng công nhận 10 sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng của 7 đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn.
Các sản phẩm “Danang Value 2019” sẽ nhận được chứng nhận có giá trị trong 5 năm. Trong thời gian này, các doanh nghiệp sẽ được sử dụng logo sản phẩm thương mại đặc trưng để quảng bá hình ảnh, được hỗ trợ quảng bá thông tin hình ảnh miễn phí trên Cổng Thông tin điện tử TP Đà Nẵng, Sở Công thương, Sở Du lịch…
Ngoài ra, các doanh nghiệp có sản phẩm “Danang Value” cũng được ưu tiên vay vốn ưu đãi, đặc biệt là được hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương trong nước và quốc tế.
Theo ông Bùi Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Hồng Hương, chứng nhận “Danang Value” là một kênh để quảng bá được cho khách du lịch về sản phẩm đặc trưng của thành phố, giúp nhận diện sản phẩm dễ dàng hơn; được các Sở hỗ trợ quảng bá trên các kênh truyền thông của địa phương.
“Trong bối cảnh hiện nay, Công ty cũng mạnh dạn thay đổi để tiếp cận với khách hàng, mở rộng thị trường qua mạng. Mong muốn của những người còn làm nghề là nước mắm Nam Ô được như các làng nghề khác, được quy hoạch làng nghề. Nếu vậy, doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng đầu tư, tạo những sản phẩm du lịch có điểm nhấn để du khách đến làng nước mắm có thể tìm hiểu được lịch sử mấy trăm năm làng nghề, trải nghiệm quy trình làm mắm…; mở rộng quy mô sản xuất chứ không manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay”, ông Phú nói.