Gần một nửa các vụ cháy nổ xảy ra do sự cố hệ thống, thiết bị điện
Theo hồ sơ tổng kết thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy được Bộ Công an gửi tới Bộ Tư pháp, từ năm 2001 đến năm 2002, toàn quốc đã xảy ra 59.878 vụ cháy, nổ; trong đó có 49.724 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện và nhà dân. Ngoài ra còn có 344 vụ nổ và 9.810 vụ cháy rừng.
Hỏa hoạn đã khiến 1.910 người tử vong, 4.434 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính trị giá 26.152 tỷ đồng cùng 61.138ha rừng có giá trị kinh tế.
45,5% vụ cháy, nổ xảy ra do sự cố hệ thống, thiết bị điện
Qua thống kê số liệu vụ cháy, nổ cho thấy trước tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp dẫn đến tần suất xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn ngày càng tăng.
Cụ thể so sánh giai đoạn 2012-2022 với giai đoạn trước 2001-2011, số vụ cháy, nổ tăng 13,5% (31.828 vụ giai đoạn 2013-2022/28.050 vụ giai đoạn 2001-2011), thiệt hại về người tăng 39,4% (1.112 người giai đoạn 2013-2022/798 người giai đoạn 2001-2011), thiệt hại về tài sản tăng 382,4% (21.661,3 tỷ đồng giai đoạn 2013-2022/4.490,6 tỷ đồng giai đoạn 2001-2011).
Chỉ tính riêng trong vòng 10 năm từ 2012-2022, toàn quốc xảy ra 29.596 vụ cháy (gồm 26.699 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 2.897 vụ cháy rừng). Thiệt hại do cháy gây ra làm chết 860 người, bị thương 1.662 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 13.349 tỷ đồng và 13.439ha rừng. Xảy ra 297 vụ nổ, làm 168 người chết, bị thương 435 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 6.891 tỷ đồng.
Về nguyên nhân vụ cháy, theo thống kê, nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tỷ lệ cao nhất, lên tới 45,5% với 13.465 vụ. Xếp lần lượt tiếp theo là lỗi do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 7.717 vụ (chiếm 26,1%); do vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy 513 vụ (chiếm 1,7%); do sự cố kỹ thuật 784 vụ (chiếm 2,6%); do tác động các hiện tượng thiên nhiên 95 vụ (chiếm 0,3%); do tự cháy 50 vụ (chiếm 0,2%); do tai nạn giao thông 981 vụ (chiếm 3,3%) và do nguyên nhân khác 3.190 vụ (chiếm 10,8%).
Về địa bàn xảy ra cháy, các vụ hỏa hoạn thường xuất hiện nhiều tại khu vực thành thị với 53,4% tương đương 15.798 vụ.
Về loại hình xảy ra cháy: 10.151 vụ cháy nhà dân (chiếm 34,3%); 8.580 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh (chiếm 29,0%); 2.897 vụ cháy rừng (chiếm 9,8%); 2.397 vụ cháy phương tiện giao thông (chiếm 8,0%); 1.127 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm 3,8%); 136 vụ cháy chung cư (chiếm 0,5%); 195 vụ cháy chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (chiếm 0,7%); 210 vụ cháy trụ sở làm việc (chiếm 0,7%); 67 vụ cháy quán bar, karaoke (chiếm 0,2%); 73 vụ cháy cơ sở giáo dục (chiếm 0,2%); 104 vụ cháy nhà máy điện, trạm biến áp (chiếm 0,4%); 40 vụ cháy cơ sở y tế (chiếm 0,1%); 5 vụ cháy cảng, nhà ga, bến xe (chiếm 0,02%); và 3.632 vụ cháy các loại hình cơ sở khác (chiếm 12,3%).
Cũng trong giai đoạn từ 2012-2022, cả nước đã xảy ra 352 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản (chiếm 1,2%), ước tính khoảng 8.399,2 tỷ đồng (chiếm 87,8% tổng thiệt hại do các vụ cháy gây ra). Các vụ việc tập trung chủ yếu tại các địa phương tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ, trung tâm thương mại.
Một số vụ cháy điển hình như: vụ cháy Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài ở Bình Định ngày 12/8/2019; vụ cháy Công ty TNHH XNK Phú Lâm, Hải Phòng ngày 15/5/2019; vụ cháy Công ty CP Xây dựng tổng hợp Tuyên Quang ngày 28/12/2017; vụ cháy Công ty TNHH Nông Trại Xanh ở Bình Định ngày 23/10/2018; vụ cháy Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Long, Quảng Ninh ngày 4/4/2018 và vụ cháy Chợ Sóc Sơn, Hà Nội ngày 21/6/2018; vụ cháy Công ty TNHH Rồng Hoa Thái ngày 6/1/2018, vụ cháy Công ty TNHH thực nghiệp dệt Kangna ngày 29/4/2018 ở Tiền Giang...
Bên cạnh đó, toàn quốc cũng xảy ra 439 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người (chiếm 1,5%), làm chết 860 người, bị thương 1.662 người. Tập trung chủ yếu xảy ra trong khu dân cư, nhất là loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh, cơ sở tập trung đông người (quán karaoke, quán bar, vũ trường…).
Một số vụ cháy điển hình, như: vụ cháy quán Karaoke ISIS ngày 1/8/2022, tại phố Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội làm 3 Cảnh sát hy sinh khi làm nhiệm vụ; vụ cháy quán karaoke An Phú ngày 6/9/2022, tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương làm chết 32 người; vụ cháy nhà ngày 21/4/2022 tại phường Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) khiến 5 người tử vong; Vụ cháy Chung cư Carina Plaza ở Thành phố Hồ Chí Minh làm 13 người chết, 51 người bị thương; vụ cháy ngày 21/12/2018 tại Nhà hàng Ruby ở tỉnh Đồng Nai làm 7 người chết; vụ cháy ngày 7/12/2019 tại nhà hàng Ba Lẩu ở tỉnh Vĩnh Phúc làm 4 người chết; …
Hàng nghìn công trình có nguy cơ cháy nổ chưa được thẩm duyệt
Cũng theo báo cáo kể trên, tính đến hết năm 2022, cả nước vẫn còn 4.298 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.
Về yêu cầu phòng cháy đối với nhà ở và khu dân cư chưa chặt chẽ, trong thời gian qua số vụ cháy gây thiệt hại về người tại nhà ở hộ gia đình luôn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là các nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; nguyên nhân là do các điều kiện về an toàn điện, ngăn cháy, thoát nạn chưa bảo đảm.
Về tình hình xử lý các công trình vi phạm, định kỳ hằng năm, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy vừa cứu nạn, cứu hộ tăng cường tổ chức kiểm tra theo các chuyên đề trọng điểm ở các chợ, trung tâm thương mại, chung cư, nhà cao tầng, cơ sở hóa chất, xăng, dầu, rừng...
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra các điều kiện an toàn Phòng cháy, chữa cháy vừa cứu nạn, cứu hộ đối với gần 20.000 lượt địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ, tai nạn cao.
Một số địa phương có sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; qua đó đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vấn đề tồn tại, thiếu sót, xử lý nhiều khó khăn, bất cập trong công tác Phòng cháy, chữa cháy vừa cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.
Để xử lý các công trình, cơ sở không bảo đảm các điều kiện an toàn về Phòng cháy, chữa cháy vừa cứu nạn, cứu hộ được đưa vào sử dụng trước Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 có hiệu lực (gọi tắt là cơ sở quy định tại Điều 63a), Bộ Công an đã phối hợp Bộ Xây dựng nghiên cứu các phương án, giải pháp hướng dẫn địa phương thực hiện.
Kết quả, có 35/63 địa phương ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 6 địa phương đề nghị không xây dựng nghị quyết; 22 địa phương không có cơ sở thuộc Điều 63a nên không xây dựng nghị quyết.
Đến nay, theo Bộ Công an, đã xử lý được gần 1.500 cơ sở trên tổng số gần 7.200 cơ sở thuộc 35 địa phương theo quy định tại Điều 63a Luật Phòng cháy, chữa cháy. Các công trình vi phạm còn lại đang được xử lý theo kế hoạch, lộ trình.
Bộ Công an cũng đã theo dõi, hướng dẫn công an các địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền xử lý các công trình chưa được nghiệm thu về Phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng.
Báo cáo tổng hợp công an các địa phương cho thấy, đã có gần 3.000 công trình khắc phục xong trên tổng số hơn 11.000 công trình chưa được nghiệm thu về Phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng tại 50 địa phương.
50 công an địa phương đã đăng tải thông tin của các công trình chưa được nghiệm thu về Phòng cháy chữa cháy trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh, thành phố hoặc Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các cấp.
Cụ thể gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Hải Phòng, Hải Dương, Bình Định, Hà Nam, Bình Phước, Quảng Trị, Trà Vinh, Hòa Bình, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Giang, Nam Định, Tây Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Gia Lai, Lào Cai, Tuyên Quang, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Nghệ An, Yên Bái, Thái Bình, Sơn La, Ninh Thuận, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long An, Cà Mau, Điện Biên, Bắc Kạn.
2,8 triệu hộ gia đình chủ động tạo lối thoát nạn thứ hai
Trong giai đoạn 2020-2022, Bộ Công an đã ban hành hai kế hoạch chỉ đạo lực lượng mở đợt cao điểm tuyên truyền, tổng kiểm tra an toàn Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Qua đó đã kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn về Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trên 23 triệu lượt đối với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Vận động 2,8 triệu hộ gia đình chủ động tạo lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ, phương tiện tại hộ gia đình phục vụ việc thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố, tai nạn xảy ra.