Gần một nửa phụ nữ trên thế giới không được quyền tự chủ thân thể của chính mình

Theo Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2021 'Cơ thể tôi là của tôi: Mưu cầu quyền tự chủ và tự quyết', gần một nửa phụ nữ trên thế giới không được quyền tự chủ thân thể của chính mình.

Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2021 của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), do UNFPA cùng với Bộ Nội vụ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa công bố cho thấy, gần một nửa phụ nữ tại 57 quốc gia đang phát triển không được quyền tự chủ thân thể của chính mình.

Đây là lần đầu tiên Báo cáo của Liên hợp quốc tập trung vào chủ đề tự chủ thân thể: quyền đưa ra quyết định về thân thể của chính mình mà không phải lo sợ bị bạo lực hay phải để người khác quyết định thay cho mình.

Không chỉ dừng lại ở những tổn hại sâu sắc tới từng cá nhân phụ nữ và trẻ em gái, việc không có quyền tự chủ thân thể còn gây ra những tác động to lớn như: nguy cơ làm giảm năng suất kinh tế, suy giảm kỹ năng, gia tăng chi phí cho hệ thống y tế và tư pháp.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu trong buổi lễ công bố. (Nguồn: UNFPA)

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu trong buổi lễ công bố. (Nguồn: UNFPA)

Các phát hiện chính: Thân thể của tôi, nhưng không phải lựa chọn của tôi.

Thông qua quá trình thực hiện báo cáo đột phá này, UNFPA đo lường khả năng của phụ nữ trong việc đưa ra quyết định về thân thể của bản thân, cũng như phạm vi hỗ trợ hoặc can thiệp của hệ thống luật pháp quốc gia tới quyền đưa ra các quyết định đối với phụ nữ. Số liệu cho thấy có một mối liên hệ chặt chẽ giữa khả năng đưa ra quyết định và trình độ học vấn.

Tại các quốc gia có số liệu đầy đủ, báo cáo cho thấy: Chỉ 55% phụ nữ hoàn toàn có quyền lựa chọn về dịch vụ y tế, sử dụng biện pháp tránh thai, và quan hệ tình dục; Chỉ 71% quốc gia đảm bảo người dân được tiếp cận gói dịch vụ chăm sóc thai sản tổng thể; Chỉ 75% quốc gia đảm bảo người dân được tiếp cận các biện pháp tránh thai một cách hợp pháp, đầy đủ và bình đẳng;

Chỉ 80% quốc gia có luật hỗ trợ sức khỏe tình dục và hạnh phúc cho người dân; Chỉ 56% quốc gia có các văn bản pháp luật và chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình giáo dục giới tính toàn diện.

Báo cáo cũng nêu lên những cách thức khác nhau liên quan tới quyền tự chủ thân thể của phụ nữ, nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai. Cụ thể, 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có luật “cưới kẻ cưỡng hiếp”, trong đó nam giới phạm tội cưỡng hiếp có thể không bị truy tố hình sự nếu kết hôn với phụ nữ và trẻ em gái bị anh ta cưỡng hiếp.

43 quốc gia không có quy định pháp luật giải quyết vấn nạn hiếp dâm trong hôn nhân (bị vợ hoặc chồng cưỡng hiếp). Hơn 30 quốc gia hạn chế quyền đi lại của phụ nữ bên ngoài nhà ở của họ. Trẻ em trai và trẻ em gái khuyết tật có khả năng bị bạo lực tình dục cao gần gấp 3 lần, trong đó trẻ em gái dễ gặp nguy cơ hơn.

Giải pháp: Quyền đồng ý, quyền từ chối

Báo cáo đưa ra các cách thức để giải quyết hành vi xâm hại có thể dẫn tới các hành vi vi phạm khác về quyền tự chủ thân thể. Ví dụ, để khởi tố một vụ hiếp dâm, hệ thống tư pháp hình sự của một số quốc gia yêu cầu nạn nhân phải trải qua một cuộc kiểm tra trinh tiết.

Căn cứ theo phát hiện của báo cáo, giải pháp thực sự phải cân nhắc đến nhu cầu và những gì nạn nhân đã trải qua. Ví dụ, ở Mông Cổ, người khuyết tật được đóng góp ý kiến trực tiếp cho Chính phủ về nhu cầu sức khỏe tình dục và sinh sản của họ. Tại Angola, thanh thiếu niên được giáo dục về cơ thể, sức khỏe và quyền của mình, nên họ có thể tìm kiếm các dịch vụ y tế, áp dụng kế hoạch hóa gia đình, từ chối quan hệ tình dục và gửi đơn kiến nghị cho hệ thống tư pháp khi bị bạo lực tình dục.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu trong buổi lễ công bố báo cáo cấp quốc gia tại Hà Nội: “Sự phủ nhận quyền tự chủ thân thể là hành vi vi phạm quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái, làm gia tăng bất bình đẳng và tiếp tay cho tình trạng bạo lực do phân biệt giới tính. Việc này không khác gì sự hủy diệt con người về mặt tinh thần, và phải được ngăn chặn”.

Bà Kitahara cũng chia sẻ thêm: “Ngược lại, khi được kiểm soát thân thể của chính mình, người phụ nữ có thể làm chủ các khía cạnh khác trong cuộc sống. Phụ nữ không chỉ có thêm quyền tự chủ, mà còn được tiếp cận những tiến bộ trong y tế và giáo dục, gia tăng thu nhập và đảm bảo an toàn. Phụ nữ sẽ có cơ hội để phát triển, và gia đình, cộng đồng và quốc gia cũng được hưởng lợi từ sự phát triển này”.

Đại diện nữ thanh niên tham gia sự kiện công bố tại Hà Nội. (Nguồn UNFPA)

Đại diện nữ thanh niên tham gia sự kiện công bố tại Hà Nội. (Nguồn UNFPA)

Tại buổi lễ công bố tại Hà Nội, ông Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng cho biết: “Chủ đề "Cơ thể tôi là của tôi" với mong muốn công tác giáo dục giới tính toàn diện với trọng tâm là bình đẳng giới sẽ giúp nam, nữ thanh niên có được các kỹ năng giao tiếp tốt hơn và có sự tôn trọng đối với nhau, sẽ giúp các em tạo lập được sự tự trọng cần thiết đồng thời giúp các em hiểu vấn đề cần tôn trọng sự khác biệt, vì vậy chúng ta cần quan tâm để đảm bảo thanh thanh thiếu niên được phát triển toàn diện và có kiến thức kĩ năng để tự chăm sóc, bảo vệ bản thân".

Quyền tự chủ cơ thể được đo lường thông qua 2 chỉ số của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) là chỉ số 5.6.1 và 5.6.2. Trong số 75 quốc gia có số liệu trong báo cáo, để đo lường chỉ số SDG 5.6.2 về sự sẵn có của hệ thống luật pháp, các văn bản quy định hoặc chính sách đảm bảo quyền tiếp cận đầy đủ và bình đẳng cho phụ nữ và nam giới từ 15 tuổi trở lên trong việc tiếp cận thông tin và giáo dục về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, Việt Nam có chỉ số đạt 54% trên 100%, cao hơn Nepal (48%) nhưng thấp hơn Campuchia (98%) và Myanmar (75%). Việt Nam chưa có bộ số liệu đầy đủ cho chỉ số SDG 5.6.1 (tức là tỷ lệ phụ nữ từ 15-49 tuổi tự đưa ra quyết định về quan hệ tình dục, sử dụng biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản), nhưng có kế hoạch thực hiện trong những năm tới. Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới là ấn phẩm thường niên quan trọng của UNFPA. Được công bố hàng năm kể từ năm 1978, báo cáo đã làm sáng tỏ các vấn đề mới trong lĩnh vực quyền và sức khỏe sinh sản, tình dục, đồng thời đưa các vấn đề này trở thành mối quan tâm chính, tìm hiểu những thách thức và cơ hội mà chúng đặt ra cho sự phát triển quốc tế.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gan-mot-nua-phu-nu-tren-the-gioi-khong-duoc-quyen-tu-chu-than-the-cua-chinh-minh-143357.html