Gần một nửa thí sinh điểm dưới trung bình, ai 'xót thương' môn Lịch sử?
Dù được 'tạo điều kiện', song điểm thi của môn Lịch sử năm nay vẫn lại trở thành tiếng thở dài của nhiều giáo viên, người yêu mến môn học ý nghĩa này.
Bộ GD&ĐT vừa công bố phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử của cả nước năm 2020 cho thấy: Có 553.987 thí sinh tham gia thi môn Lịch sử, trong đó điểm trung bình 5,19, điểm trung vị 5; Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4,5. Số thí sinh có điểm <= 1 là 111 (chiếm tỷ lệ 0,02%); Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình 260.074 (chiếm tỷ lệ 46,95%); có 371 thí sinh đạt điểm 10.
Theo nhận định của một số giáo viên dạy Sử, trong các môn thi năm 2020, môn Sử mặc dù đã "vượt lên chính mình" so với năm 2019, nhưng cùng với Tiếng Anh, môn Lịch sử thấp nhất kỳ thi năm nay và quá lép vế so với các môn còn lại. Hình phổ điểm môn Lịch sử năm 2020 vẫn phân bố không đối xứng, tuy nhiên độ lệch đã giảm so với năm 2019 thể hiện ở đỉnh phổ đang tiến dần đến 5 điểm.
Điểm trung bình đã tăng gần 1 điểm, tỉ lệ học sinh dưới trung bình cũng giảm 23%, số thí sinh có điểm dưới từ 1 trở xuống giảm gần 4 lần, trong khi số điểm 10 tăng lên hơn 4,6 lần. So với phổ điểm năm 2019, hình phổ điểm của cả ba môn trong tổ hợp KHXH đều có xu hướng lệch dần sang phải, nhưng điểm trung bình của Lịch sử vẫn là thấp nhất. Có đến hơn 100 thí sinh điểm "liệt" và hàng ngàn, thậm chí cả vạn thí sinh "lẹt đẹt" ở mức điểm 2 - 3.
Sở dĩ có sự khác biệt này là do đề thi năm 2020 có độ khó giảm hẳn so với đề thi 2019, mục tiêu của đề là xét tốt nghiệp, ngoài ra do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên Bộ GD&ĐT đã tinh giản chương trình tạo thuận lợi cho học sinh trong quá trình ôn thi. Dù được "tạo điều kiện", song điểm thi môn Sử khiến nhiều người lo lắng, bởi môn thi này từ nhiều năm nay luôn là nỗi thất vọng.
Môn Sử đang dần trở thành môn điều kiện có để đỗ tốt nghiệp, chỉ mang ý nghĩa với những thí sinh khối C vào đại học. Trong khi, nhiều ngành "hot" đại học đã giảm dần chỉ tiêu khối C, tăng thêm chỉ tiêu của khối xét tuyển khác.
Điều gì đã xảy ra với môn thi chính thức suốt 4 năm qua, dù là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp? Còn nhớ, sau khi kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì một hội thảo, quy tụ nhiều giáo viên, chuyên gia hàng đầu về Lịch sử để tìm giải pháp. Nhiều chuyên gia, giáo viên dạy Lịch sử bậc THPT cho rằng rất buồn và bất ngờ vì đề thi có chất lượng tốt, không có vấn đề gây tranh cãi, rất tường minh, nhưng cuối cùng phổ điểm trung bình của môn Lịch sử vẫn thấp nhất… Nhiều giải pháp cũng đã được bàn thảo để "cứu" môn Sử.
Năm nay, kết quả thi tốt hơn nhưng thực chất là Bộ GD&ĐT cũng đã "nới" độ khó của đề thi. Song kết quả trung mình môn đang ở mức điểm trung bình, một kết quả vẫn đầy thất vọng bởi đề thi dễ hơn, nội dung học được tinh giảm nhiều. Môn Sử là môn thi theo hình thức trắc nghiệm, không quá nhiều câu khó, đòi hỏi ghi nhớ sự kiện như trước đây. Với rất nhiều thí sinh điểm "liệt" cho đến mức chỉ vỏn vẹn 2 - 3 điểm, với môn thi trắc nghiệm, phải chăng thí sinh đánh dấu bừa?
Chia sẻ thêm lý do môn Lịch sử xuống dốc, một số giáo viên chỉ ra rằng, môn Lịch sử cũng ít được học sinh yêu thích, nhiều trường đại học giảm dần xét tuyển có môn này. Ngoài ra, có sự chênh lệch, không đồng đều giữa chất lượng giáo viên các vùng miền. Sự quan tâm dành cho môn Lịch sử trong mỗi nhà trường cũng chưa thỏa đáng đúng như sứ mệnh, trách nhiệm của môn học.
Mặc dù vậy, nhiều giáo viên cũng đưa ra lời khuyên cho các thí sinh năm tới không nên chủ quan, bởi đề thi năm 2020 vẫn có 20% số câu hỏi vận dụng và vận dụng cao để phục vụ mục tiêu tuyển sinh đại học. Vì vậy, học sinh sinh năm 2003 không nên chủ quan và cần có lộ trình ôn tập hợp lí.
Ngoài việc nắm vững kiến thức SGK, các em cần tìm hiểu thêm những kiến thức thực tế nhằm giải quyết các câu hỏi liên hệ. Môn Lịch sử không yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc thời gian sự kiện nhưng buộc học sinh phải hiểu được mối liên hệ và bản chất của các sự kiện.