Gần nửa năm, hơn 900.000 người dân TP.HCM chưa nhận tiền hỗ trợ đợt 3
87,8% người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại TP.HCM đã nhận gói hỗ trợ đợt 3, tương đương hơn 6,5 triệu người. Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi là 3 nơi chưa hoàn thành hỗ trợ.
Toàn bộ hơn 1.500 người dân ở tổ 44, 45, 51, khu phố 3, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, đều chưa nhận được một triệu đồng từ gói hỗ trợ đợt 3 cho người gặp khó khăn trong dịch Covid-19. Về lý thuyết, khoản tiền này lẽ ra phải đến tay người dân trong tháng 10/2021.
Thế nhưng, gần 6 tháng trôi qua, TP.HCM đã từng bước trở lại "bình thường cũ", nhưng người dân vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ này.
3 địa phương chưa hoàn thành chi hỗ trợ
"Thiếu tiền" là nguyên nhân được ông Huỳnh Thanh Bình, Phó chủ tịch phường Bình Trị Đông A, lý giải cho việc gói hỗ trợ chậm đến tay người dân.
“Không phải riêng khu phố đó không, phường còn tới 47.000 người chưa được chi trả gói hỗ trợ”, ông nói.
Ông Bình kể phường liên tục nhận được phản ánh của người dân về việc chưa nhận gói hỗ trợ, nhưng vì phường cũng chưa nhận được tiền để chi nên “không dám hứa với dân”.
Trong tình cảnh tương tự, bà Nguyễn Ngọc Thắm, Phó chủ tịch phường Bình Hưng Hòa, cho biết giai đoạn tháng 9/2021, người dân đều nghe nội dung “ai cũng được hỗ trợ” trên tivi nên yêu cầu được nhận. Tới nay, vẫn còn người dân có ý kiến chưa nhận được tiền.
Phường này đề xuất 90.522 trường hợp được nhận gói hỗ trợ đợt 3 và đã gửi hồ sơ, được duyệt. Nhưng đến giờ, còn 21.632 trường hợp chưa có kinh phí để chi trả. “Đến giờ dân vẫn liên hệ để yêu cầu nhận một triệu đồng này. Rất khó khăn cho địa phương”, bà Thắm thông tin.
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH gửi đến HĐND TP.HCM, tính đến 16/3, TP.HCM đã hỗ trợ cho hơn 6,5 triệu người khó khăn với số tiền hơn 6.523 tỷ đồng. Trên toàn địa bàn TP.HCM, hiện còn 909.715 người chưa nhận hỗ trợ trong số hơn 7,4 triệu người đã được phê duyệt hỗ trợ, tương đương 12,2%.
TP.HCM chỉ còn 3 quận, huyện chưa hoàn thành chi là quận Bình Tân (60,7%); huyện Củ Chi (76,1%); huyện Bình Chánh (41,3%). Các địa phương còn lại đều đạt tỷ lệ chi 100%.
Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Bích, Phó trưởng Phòng Lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội, Sở Lao động, Thương binh, và Xã hội TP.HCM (LĐTBXH), nguyên nhân đều là thiếu kinh phí để chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn.
Sở LĐTBXH đã 2 lần có văn bản gửi đến Sở Tài chính để đề nghị bổ sung kinh phí. Lần 1 vào tháng 1/2022 với số tiền 1.800 tỷ, và lần 2 vào tháng 3/2022 với số tiền 1.300 tỷ đồng.
Sở Tài chính băn khoăn đối tượng, HĐND yêu cầu đã duyệt là chi
Trả lời vấn đề chậm chi tiền hỗ trợ cho quận Bình Tân tại buổi giám sát của HĐND sáng 25/3, đại diện Sở Tài chính cho biết căn cứ theo báo cáo của Sở LĐTBXH vào 27/11/2021, Sở Tài chính đã cân đối ngân sách để bổ sung kinh phí cho các quận, huyện. Trong đó, quận Bình Tân đã được bổ sung kinh phí 394 tỷ đồng. Sau đó, ngân sách tiếp tục phát sinh nên Sở Tài chính đã đề xuất Sở LĐTBXH xem xét lại các đối tượng chi.
Quan điểm của Sở Tài chính là chính sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong giãn cách xã hội, trong khi đó, hiện nay thành phố đã cơ bản ổn định. Sở cho rằng cần nghiên cứu lại và có báo cáo hiệu quả của việc chi hỗ trợ này.
Vị này nói thêm rằng với ngân sách hiện nay, TP.HCM phải cân đối để chi cho các đối tượng đặc thù cũ, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ chi hàng năm. Năm 2021, TP.HCM đã chi hơn 10.600 tỷ liên quan kinh phí phòng, chống dịch, chiếm hơn 45% tổng chi thường xuyên.
Khó khăn là các nguồn chi quy định hạn mức cụ thể cho một số nội dung chi. Ví dụ như nguồn dự trữ tài chính chỉ có thể chi tối đa 70%. Sở Tài chính luôn phải cân đối ngân sách. Do đó, các địa phương khi bổ sung dự toán, ví dụ như đối tượng được hỗ trợ, cần rà soát chặt chẽ để ngân sách có thể cân đối được.
Không đồng tình với lý giải của Sở Tài chính, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, chia sẻ khi ban hành Nghị quyết 97, đại biểu HĐND TP.HCM rất đắn đo vì lo ngân sách không đủ.
Nhưng khi UBND TP.HCM khẳng định đảm bảo nguồn thì HĐND thành phố mới yên tâm ban hành. Khi giám sát, HĐND kiểm tra thì thấy số tiền chi hỗ trợ vẫn chưa vượt khung ngân sách mà HĐND duyệt. “Tại sao nguồn đủ mà không phân cho địa phương?”, ông bức xúc đặt câu hỏi.
Đại biểu HĐND cho rằng trách nhiệm của Sở Tài chính là chi hỗ trợ theo kế hoạch, đối tượng đã phê duyệt. Còn rà soát việc chi đúng đối tượng hay không là trách nhiệm của đơn vị khác. Ví dụ, sau khi rà soát, quận Bình Tân đã phát hiện 8.000 trường hợp chi sai đối tượng và đang vận động thu hồi.
"Mà nói theo lý là chỉ vận động thôi vì danh sách đã duyệt. Nguyên tắc đã duyệt là chi", ông Cao Thanh Bình nêu quan điểm.
Còn đại biểu HĐND Nguyễn Minh Nhựt thì cho rằng đến giờ, vẫn còn rất nhiều ý kiến từ người dân phản ánh việc chưa hoàn thành chi trả hỗ trợ, đặc biệt tại quận Bình Tân, huyện Bình Chánh. Ông cho rằng cần “giải oan” cho Bình Tân vì đây là vấn đề kinh phí, chứ không phải quận không làm.
Ngoài ra, ông Nhựt nói thêm C03 Bộ Công an đã vào UBND TP.HCM để lấy hồ sơ và cũng tiếp cận một số quận/huyện. Do đó, đây là dịp để các địa phương tự kiểm tra lại quy trình, thủ tục, công tác thanh, quyết toán và nhanh chóng hoàn thiện.
Ông đề xuất trong lúc chờ kinh phí từ Sở Tài chính, các địa phương như quận Bình Tân cần sắp xếp danh sách theo thứ tự ưu tiên, để khi ngân sách về thì ai khó khăn nhất được chi trước.
Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19, HĐND TP.HCM đã lần lượt ban hành 3 nghị quyết để triển khai 3 gói hỗ trợ trong năm 2021: Nghị quyết 09 ngày 25/6/2021 (gói 1) của HĐND; Công văn 2627 ngày 6/8/2021 và Công văn 2799 ngày 21/8/2021 của UBND (gói 2); Nghị quyết 97 ngày 22/9/2021 của Thường trực HĐND (gói 3).
Trong đợt 3, TP.HCM dự kiến chi hỗ trợ cho hơn 7,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với tổng kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
5 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ gồm: thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn; người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn do bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.