Gần nửa triệu công ty Trung Quốc đóng cửa
Hơn 460.000 công ty Trung Quốc phải đóng cửa vĩnh viễn trong quý đầu tiên của năm 2020 khi đại dịch COVID-19 làm suy yếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong số này, hơn một nửa đã hoạt động dưới ba năm, dữ liệu đăng ký doanh nghiệp cho thấy.
Các doanh nghiệp phải đóng cửa bao gồm doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động, doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động, trong đó có 26.000 đơn vị trong lĩnh vực xuất khẩu, SCMP dẫn theo Tianyancha, mạng cơ sở dữ liệu thương mại công khai.
Bên cạnh đó, tốc độ thành lập mới công ty chậm lại đáng kể. Từ tháng 1 đến tháng 3/2020, khoảng 3,2 triệu doanh nghiệp đã được thành lập, giảm 29% so với một năm trước đó.
Hầu hết các công ty mới đều ở các trung tâm kinh tế truyền thống, chẳng hạn như tỉnh Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc, và gần một nửa trong số này là phân phối hoặc bán lẻ.
Số lượng các doanh nghiệp phải đóng cửa cho thấy những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt khi nước này cố gắng phục hồi nền kinh tế, vốn có nguy cơ bị thu hẹp quy mô trong quý đầu tiên kể từ năm 1976.
“Trung Quốc hầu như đã kiềm chế được COVID-19 và sự gián đoạn nguồn cung trong nước hầu như đã biến mất”, Diêu Vĩ và Michelle Lam, hai nhà kinh tế từ ngân hàng Societe Generale (Pháp) nói với SCMP.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu suy giảm lâu dài nhu cầu trong nước, và trên hết là cú sốc từ thị trường quốc ngoại do các hoạt động phong tỏa trên diện rộng ở các nền kinh tế lớn khác do tác động của đại dịch.
Tại Đông Quản, trung tâm công nghiệp thịnh vượng một thời ở châu thổ sông Châu, hàng loạt cửa hàng trống rỗng và các nhà máy đóng cửa đang trở thành hình ảnh phổ biến, các công ty vật lộn trước thực trạng nhu cầu quốc tế giảm.
Vào tháng 3, một nhà sản xuất túi và đồ chơi xuất khẩu trong thành phố, Công ty đồ chơi Đông Quản, đã phá sản khi các đơn đặt hàng ở nước ngoài cạn kiệt, công nhân không được trả lương, cơ quan lao động địa phương cho biết hồi tháng trước. Chính phủ đã ra lệnh cho chủ nhà máy trả số lương còn nợ.
Các chủ doanh nghiệp Trung Quốc, những người không còn đủ khả năng duy trì hoạt động phải đối mặt với nhiều rào cản trước khi họ có thể xóa sổ một công ty.
Nếu một công ty mất khả năng thanh toán muốn hủy đăng ký kinh doanh, chủ công ty cần phải làm thủ tục phá sản hoặc xuất trình báo cáo thanh lý xác nhận rằng họ không có khoản nợ chưa thanh toán hoặc các nghĩa vụ khác.
Một khi các cổ đông hoặc chủ doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản, có thể mất nhiều tháng để các tòa án chấp nhận vụ kiện, sau đó là một quá trình xác minh dài, các cuộc họp của các chủ nợ và bán tài sản, Lý Hải Phong thuộc công ty luật Baker McKenzie FenXun nói. “Chúng tôi biết nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản”, ông Lý nói.