Gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến theo chuỗi giá trị
Với mục tiêu đưa nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp đã định hướng cho các địa phương tổ chức lại sản xuất, phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp trong việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa gắn với thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...
Nhà máy chế biến lúa gạo của Công ty CP Thương mại Sao Khuê tại xã Đông Hoàng (Đông Sơn). Ảnh: Châu Giang
Hàng năm, tổng sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh đạt hơn 1,6 triệu tấn, khoảng 225.000 tấn cây ăn quả, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 240.000 tấn, sản lượng trứng đạt 150 triệu quả, hơn 181.000 tấn thủy, hải sản được khai thác, nuôi trồng và sản lượng khai thác gỗ đạt hơn 715.000m3. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phục vụ, phát triển ngành chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 235 doanh nghiệp, HTX chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản; 29 doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; 80 doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản; hơn 600 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản.
Với mục tiêu đưa nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp đã định hướng cho các địa phương tổ chức lại sản xuất, phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp trong việc đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa gắn với thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, phát huy vai trò của HTX trong việc liên kết, hợp tác cung cấp các dịch vụ cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của HTX trong việc sử dụng hiệu quả đất đai, phát triển sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tập trung phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và kinh tế hộ để hình thành và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, từ đó hướng đến một nền nông nghiệp gắn sản xuất với chế biến theo chuỗi giá trị. Để khuyến khích phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm sản có quy mô, công suất lớn, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án chế biến nông, lâm sản có quy mô vốn đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên và phải sử dụng tối thiểu 30% lao động địa phương.
Hơn 5 năm thực hiện lộ trình phát triển nông nghiệp gắn sản xuất với chế biến theo chuỗi giá trị, đến thời điểm này, các cơ sở chế biến nông, lâm sản đã và đang được các doanh nghiệp lớn triển khai trên địa bàn tỉnh, như: Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hạ Tầng Xanh liên kết với Công ty TNHH MTV Tư vấn và Đào tạo quốc tế ITC thực hiện chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm trứng gà tươi; Công ty CP VIFOSA liên kết với hộ chăn nuôi tại xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc thực hiện chuỗi sản xuất, chế biến và cung ứng khép kín sản phẩm thịt lợn, xúc xích lợn, giò nạc; chuỗi trang trại chăn nuôi và chế biến thực phẩm của Công ty NEWHOPE SINGAPORE, tại huyện Thạch Thành. Đáng chú ý, sau 15 tháng thi công, tháng 10-2019 vừa qua, Nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm xuất khẩu Viet AVIS do liên doanh Tập đoàn Master Good (Hungary) và Công ty CP Nông sản Phú Gia hợp tác xây dựng đã được khánh thành trên diện tích 11.000m2, tại xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa), với công suất giết mổ giai đoạn 1 đạt 4.500 con/giờ và giai đoạn 2 sẽ được nâng lên 8.000 đến 9.000 con/giờ. Tiếp đó, tháng 11-2019, Nhà máy chế biến lúa gạo của Công ty CP Thương mại Sao Khuê, tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn có tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, với quy mô công suất 30.000 tấn gạo thành phẩm/năm đã được khánh thành và đưa vào hoạt động đáp ứng nhu cầu thu mua, sấy khô và xay xát, chế biến lúa gạo của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có dự án Trung tâm chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao Lam Sơn, tại xã Thiệu Phú (Thiệu Hóa) do Công ty CP Mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Những nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm quy mô lớn được khánh thành, cùng các dự án về chế biến nông sản đang được triển khai thực hiện sẽ giúp cho nền nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng gắn sản xuất với chế biến.