Gắn sao OCOP cho các sản phẩm du lịch Phú Thọ
Phát triển các sản phẩm OCOP du lịch đang là hướng đi được tỉnh Phú Thọ khuyến khích phát triển và bước đầu mang lại kết quả khả quan. Hoạt động này đã tạo niềm tin về tiêu chuẩn, chất lượng trong lòng du khách trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.
Làng cổ Hùng Lô đạt sao OCOP
Những ngày đầu năm mới, nhiều du khách đã chọn làng cổ Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì) để du Xuân, vãn cảnh, khám phá bản sắc văn hóa, trải nghiệm ẩm thực và cuộc sống của người dân nơi đây.
Chị Nguyễn Thị Linh (31 tuổi, du khách đến từ tỉnh Hưng Yên) chia sẻ, đến làng cổ Hùng Lô, chị được đắm chìm trong không gian văn hóa cổ kính, lắng nghe những điệu Xoan cổ mang bản sắc riêng của người dân Đất Tổ và được trải nghiệm cách làm sản phẩm mỳ gạo Hùng Lô trứ danh... Đây là những hoạt động hấp dẫn, thú vị không chỉ cho người lớn mà còn bổ ích và có ý nghĩa đối với trẻ nhỏ. Chị rất hài lòng, thoải mái khi trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại đây. Làng cổ Hùng Lô thực sự là điểm đến lý tưởng cho các gia đình, bạn bè trong chuyến du Xuân.
Chị Lã Thị Hồng Thùy (cán bộ văn hóa xã, hướng dẫn viên tại điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô) cho biết, vào dịp này mỗi ngày, điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô đón từ hai đến ba đoàn khách cả trong nước và quốc tế. Từ nay đến hết tháng 3 âm lịch, nơi đây sẽ luôn tất bật đón khách tham quan. Các du khách đến đây không chỉ dâng hương, tham quan quần thể đình cổ Hùng Lô, lắng nghe những điển tích lịch sử nơi vùng đất cổ mà còn được thưởng thức, tham gia biểu diễn cùng các nghệ nhân hát Xoan trong chương trình “Hát Xoan làng cổ”; trải nghiệm gói và thưởng thức bánh chưng tại nhà cổ; tham quan và trải nghiệm quy trình làm sản mỳ gạo tại Hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô; trải nghiệm mua sắm tại phiên chợ quê ngày Tết…
Theo lịch sử ghi lại, làng Hùng Lô xưa có tên gọi là Trang Khả Lãm, sau đổi thành làng An Lão; là vùng đất có niên đại hơn 300 năm nép mình bên dải sông Lô, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 5 km. Trải qua bao biến thiên lịch sử, đến nay, các thế hệ người dân Hùng Lô vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn kiến trúc ngôi đình cổ, nhà cổ có giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng lâu bền và sức lan tỏa mạnh mẽ. Điển hình như: Khu Di tích lịch sử văn hóa Đình Xốm - Đình Hùng Lô, lễ hội Đình Hùng Lô - Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia… Bên cạnh đó, địa bàn xã hiện còn gìn giữ được khoảng 50 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại khoảng từ 100 năm tuổi trở lên. Các ngôi nhà có lối kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, cùng với cảnh quan ven sông, đời sống sinh hoạt chợ quê, hoạt động làng nghề… tạo điều kiện thuận lợi để phát triển không gian văn hóa, trải nghiệm du lịch thú vị.
Theo lãnh đạo xã Hùng Lô, với nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cuối năm 2022, điểm du lịch cộng đồng Hùng Lô được công nhận là sản phẩm OCOP với chủ thể là Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng Hùng Lô. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu du Xuân, vãn cảnh dịp Tết Quý Mão, địa phương đã họp bàn, phân công nghiệm vụ cho từng tổ, ban phụ trách tiếp đón các đoàn khách; chỉnh trang cảnh quan, khuôn viên, tu bổ, tôn tạo nhà tiền tế tại Đình Hùng Lô; xây dựng và triển khai nhiều phương án đảm bảo cảnh quan, môi trường để điểm du lịch luôn xanh, sạch, đẹp và giữ được sự trang nghiêm, thành kính.
Tạo sức hấp dẫn cho du khách
Với mong muốn khai thác tiềm năng, thế mạnh của Vườn Quốc gia Xuân Sơn và xây dựng nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế, các thành viên của Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng Xuân Sơn đã đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị thu hút du khách.
Chị Lê Thị Thu Nga, Chủ homestay Quỳnh Nga (bản Dù, xã Xuân Sơn) cho biết, để tạo sự gần gũi với thiên nhiên, chị đã thiết kế homestay theo kiểu nhà sàn của dân tộc Mường ở Tân Sơn với các chất liệu như: gỗ, tranh, tre, nứa tạo sự thoáng mát cùng khuôn viên rộng rãi và vườn hoa đẹp mắt. Chị đã bổ sung vào thực đơn các món ăn đặc sản của đồng bào Mường, Dao; xây dựng lịch trình để du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động như: giao lưu văn nghệ lửa trại với các tiết mục đặc sắc của đồng bào Mường, Dao. Theo chị Nga, phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa cộng đồng các dân tộc Mường, Dao tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho gia đình chị và các thành viên của Tổ hợp tác; đồng thời góp phần bảo vệ rừng theo hướng bền vững, khai thác được tiềm năng và thế mạnh của vùng đất này.
Ông Hà Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn) cho biết, hiện địa bàn xã có khoảng 10 hộ tham gia kinh doanh homestay với khả năng phục vụ 300 khách/ngày. Các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng đều được tập huấn về cách phục vụ, nấu ăn, tiếp đón du khách; chú trọng xây dựng hình ảnh như: đầu tư bồn hoa cây cảnh, hệ thống tường rào, cổng hoa dây leo đồng nhất tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp... Những hộ dân chưa đủ điều kiện kinh doanh homestay, sẽ phát triển dịch vụ chăn nuôi, trồng trọt, cung cấp thực phẩm cho các homestay và hướng dẫn du khách.
Theo ông Hà Đức Minh, để đa dạng sản phẩm Du lịch cộng đồng Xuân Sơn, tỉnh đã xây dựng một số mô hình tạo điểm nhấn phục vụ du khách tham quan chụp ảnh check - in điểm đến như: các chòi nghỉ chân, “Cọn nước Xuân Sơn”, “Đường hoa du lịch Xuân Sơn”; biển “Du lịch Xuân Sơn”; “Đôi tượng gà nhiều cựa”... Đồng thời, xây dựng điểm tư vấn hỗ trợ khách du lịch gắn với trưng bày, hoạt động văn hóa du lịch cộng đồng tại xóm Dù, xã Xuân Sơn; cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái khu vực xóm Dù, xã Xuân Sơn với các hạng mục bồn hoa cây cảnh, hệ thống tường rào, cổng hoa dây leo đồng nhất; nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng địa phương chung tay phát triển sinh thái cộng động...
Tiếp tục phát triển sản phẩm, nâng cấp các sao
Bà Vũ Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, cuối năm 2022, Hội đồng đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP Phú Thọ đã đánh giá hai sản phẩm Du lịch cộng đồng Xuân Sơn và Du lịch cộng đồng Hùng Lô đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây là hai chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia trong nhóm “Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” đầu tiên của tỉnh.
Việc gắn sao OCOP cho sản phẩm du lịch đã góp phần tạo được niềm tin về tiêu chuẩn, chất lượng trong lòng du khách. Qua đó, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương; đồng thời, giúp cho đơn vị phụ trách có trách nhiệm duy trì, nâng cấp các hạng sao.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Phú Thọ được đánh giá là một trong những địa phương tiềm năng để phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc xây dựng sản phẩm du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP còn nhiều khó khăn. Đến nay, nhiều người dân chưa hiểu rõ về khái niệm sản phẩm du lịch OCOP. Người dân cũng như các tổ chức chưa được tiếp cận nhiều với các tiêu chí đánh giá cụ thể đối với sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, sự liên kết theo chuỗi trong phát triển du lịch, quy mô nhiều xóm, bản du lịch cộng đồng còn hạn chế...
Thời gian tới, ngành tiếp tục chú trọng phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn gắn với phát huy giá trị văn hóa; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch và các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa. Đồng thời, địa phương tiếp tục xây dựng các tour, tuyến đến điểm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP; phát triển các điểm du lịch đảm bảo tiêu chí để tạo điểm đến chất lượng, có sức hấp dẫn. Ngành xây dựng tài liệu tập huấn, bộ tiêu chí, tiêu chuẩn theo Chương trình OCOP; tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, kiến thức thị trường, kỹ năng về hoạt động du lịch; kết nối giữa các điểm du lịch nông thôn để tạo sự liên kết bền vững. Qua đó, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, trình độ của người dân tại nông thôn; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương…