Gần Tết, dịch vụ đổi tiền lại 'nóng'

Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng tiền mặt lại tăng cao phục vụ việc mừng tuổi, đi lễ chùa của người dân. Có cầu ắt có cung, thời điểm này, dịch vụ đổi tiền lẻ trên thị trường nhộn nhịp không kém các mặt hàng Tết với mức phí cao, có xu hướng tăng từng ngày.

Nhu cầu sử dụng tiền mặt tăng cao

Những năm gần đây, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt khiến nhiều gia đình, người dân ít nắm giữ, sử dụng nguồn tiền mặt lớn trong nhà. Phần lớn các giao dịch của người dân đều chuyển khoản online nên tiền mặt trong đời sống hàng ngày khan hiếm hơn.

Đó là hoạt động ngày thường, còn ngày Tết người dân khó có thể mừng tuổi online cho trẻ em, người già hoặc chuyển khoản cho nhà đền, nhà chùa rồi vào làm lễ. Do đó, nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân dịp này tăng cao dù phát sinh chi phí dịch vụ.

Dịch vụ đổi tiền tràn ngập chợ online.

Dịch vụ đổi tiền tràn ngập chợ online.

Chị Phạm Thanh Trà, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Vào dịp Tết Nguyên đán, lượng tiền mặt tôi cần chuẩn bị tối thiểu từ 10-20 triệu đồng, với đủ loại mệnh giá để mừng tuổi cho các con, cháu, người cao tuổi trong gia đình và đi lễ chùa đầu năm. Có năm, tôi nhờ được người thân đổi từ ngân hàng thì không mất phí, còn không thì phải đổi dịch vụ với mức giá từ 30.000 - 50.000 đồng/triệu".

Thực tế cho thấy, trong khi nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân tăng cao dịp Tết Nguyên đán thì việc đáp ứng tại các ngân hàng có sự hạn chế nhất định.

Theo chia sẻ của một số cán bộ, nhân viên ở các cơ sở tín dụng trên địa bàn tỉnh, các ngân hàng chỉ có khả năng đáp ứng (đổi) tiền mặt, tiền lẻ cho một số ít khách hàng, hoặc các khách hàng VIP của mình, bởi cuối năm công việc bận rộn, không đủ nhân lực để phục vụ người dân.

Trước nhu cầu tăng cao của người dân, thời điểm này, dịch vụ đổi tiền mặt trên thị trường không chỉ nhộn nhịp mà còn có sự cạnh tranh gay gắt về mức phí.

Năm nay, thị trường đổi tiền "chợ đen" ít tiền mới (còn nguyên seri), chủ yếu nhận đổi tiền lướt (mới 90-95%). Giá tiền lướt rẻ bằng 1/3 tiền mới, mệnh giá tiền càng nhỏ, chi phí dịch vụ càng cao. Ví dụ, loại tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng có phí đổi là 130.000 đồng/triệu; 2.000 đồng có giá 70.000 đồng/triệu; 5.000 đồng có giá 50.000 đồng/triệu.

Ngoài ra, loại mệnh giá 10.000 đồng có mức phí 70.000 đồng/triệu; 20.000 đồng có giá 100.000 đồng/triệu; 50.000 đồng có giá 60.000 đồng/triệu; 100.000 đồng có giá 30.000 đồng/triệu; 200.000 đồng có giá 20.000 đồng/triệu.

Với mức phí trên, anh N.V.Th, chủ một tài khoản chuyên cung cấp dịch vụ đổi tiền cam kết với khách hàng sẽ được nhận tiền mới nguyên thếp, nguyên cọc, nguyên bao và nguyên seri với đủ các loại mệnh giá theo yêu cầu.

Thận trọng với các chiêu trò đổi tiền lừa đảo trên mạng xã hội

Chị H.L, một tiểu thương kinh doanh online tại thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Ngày thường, tôi kinh doanh các loại hoa tươi, thực phẩm và đồ gia dụng, nhưng ngày Tết kiêm thêm dịch vụ đổi tiền với các loại mệnh giá khác nhau. Năm nay, do không có nguồn tiền mới nguyên seri nên tôi chỉ đổi tiền lướt, trung bình các loại mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng đều có mức phí là 30.000 đồng/triệu.

Đây là mức giá đổi “buôn” nên dù khách hàng có đổi nhiều, hàng chục triệu đồng/lần thì mức phí cũng không giảm. Thời điểm này, do nhiều người đã chốt đơn, đặt cọc nên nguồn tiền mặt tôi cũng không còn nhiều, dự báo sau Tết Dương lịch mức phí sẽ còn cao hơn”.

Ngoài “săn” các loại tiền Việt mệnh giá thấp để lì xì hoặc đi lễ chùa, năm nay, nhiều người còn mạnh tay chi tiền để mua các loại tiền độc lạ như tờ 2 USD mạ vàng 3D có giá 120.000 đồng/bộ. Đây được xem là những món đồ may mắn, mang nhiều tài lộc nên cũng được nhiều người quan tâm.

Theo quy định, chỉ có Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng mới được phép thực hiện hoạt động thu đổi tiền và chỉ thu đổi tiền đối với tiền không đủ điều kiện lưu thông.

Do đó, đối với việc một cá nhân nào đó có hành vi đổi tiền mới để kiếm lời và tiền đó vẫn có giá trị lưu thông thì cá nhân đó đang vi phạm pháp luật. Hành vi thực hiện đổi tiền mới có thể bị phạt từ 20-40 triệu đồng. Tuy nhiên, trong thực tế, việc xử lý vi phạm các trường hợp này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Hầu hết tiền đổi đều là hàng lướt, còn hàng nguyên seri ít, mức phí cũng đắt đỏ.

Hầu hết tiền đổi đều là hàng lướt, còn hàng nguyên seri ít, mức phí cũng đắt đỏ.

Đối với người dân, khi tham gia đổi tiền qua mạng cũng có nguy cơ bị lừa đảo. Theo các cơ quan chức năng, hiện nay, tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội diễn ra với tần suất dày. Ngoài những fanpage giao dịch trực tiếp, có những fanpage yêu cầu giao dịch qua thẻ điện thoại, chuyển khoản, giao hàng tận nơi. Không ít trường hợp người dân chuyển khoản xong thì chủ fanpage chặn liên lạc và mất tích, ăn chặn tiền của khách.

Việc nhận đổi tiền lẻ ăn chênh lệch là hoạt động cấm. Vì thế, khi thấy những lời quảng cáo hấp dẫn khi giao dịch tiền giả, tiền lẻ, người dân nên thận trọng khi chuyển khoản, giao dịch.

Càng cận Tết, thị trường đổi tiền càng nhộn nhịp và mức phí đổi tiền cũng "nhảy múa" từng ngày. Mặc dù đã có quy định nhưng các tiểu thương, chủ cơ sở kinh doanh vẫn cố tình lợi dụng mạng xã hội để lách luật làm ăn.

Trước thực tế đó, đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ và có chế tài xử phạt mạnh tay hơn nữa đối với các đối tượng kinh doanh dịch vụ này.

Bài, ảnh: Hà Trần

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122116//gan-tet-dich-vu-doi-tien-lai-%E2%80%9Cnong%E2%80%9D