Gần Tết lại lo tai nạn pháo nổ
Dù đã có nhiều cảnh báo về mức độ nguy hiểm và hậu quả nặng nề từ việc chế tạo hay sử dụng pháo nổ. Thế nhưng, cứ đến thời điểm gần Tết Nguyên đán, những trường hợp phải nhập viện do tai nạn pháo nổ lại gia tăng.
Liên tiếp các ca cấp cứu do pháo nổ
Thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, càng gần đến Tết, số ca chấn thương nhập viện vì tai nạn do pháo nổ tăng nhanh.
Một trường hợp điển hình, bệnh nhân nam ở Quảng Ninh, chuyển tuyến đến Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng vết thương dập nát phức tạp, mặt gan bàn tay phải bờ nham nhở, tụ máu nhiều phần mềm, trật hở khối tụ cốt; gãy trật khớp bàn ngón tay, vết thương bàn tay trái, thành bụng…
Hay trường hợp bệnh nhi P.T.N. (14 tuổi, ở Bắc Giang) do tò mò đã sử dụng pháo và bị tai nạn khi đang cầm trên tay dẫn đến dập nát bàn tay. Bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng tay phải có vết thương dập nát ngón III-V, vết thương phần mềm bàn tay.
Tương tự, một nam bệnh nhân đến từ Nam Định đã cùng bạn sử dụng pháo và bị nổ ngay khi vẫn đang cầm pháo đốt trên tay. Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành cắt lọc, bơm rửa kỹ vết thương; đặt lại và găm kim khớp bàn thang; sửa mỏm cụt ngón IV. Tiên lượng việc phục hồi và trở lại cuộc sống bình thường trong học tập, sinh hoạt của bệnh nhân sau này rất khó khăn...
Thực tế, không chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức, trên phạm vi cả nước, rất nhiều các bệnh viện đã đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ của việc sử dụng pháo nổ trong thời gian vài tuần trở lại đây cùng những ca bệnh cụ thể.
Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng cho hay, cơ sở này đã tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ học theo hướng dẫn trên mạng để chơi. Điển hình, bệnh nhi (sinh năm 2011, ở Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay do nổ pháo tự chế. Người nhà cho biết, bệnh nhi bị tai nạn do pháo nổ trong lúc đang tự chế pháo.
TS.BS Nguyễn Viết Ngọc - Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) thông tin: Bàn tay phải bệnh nhân bị dập nát, kíp phẫu thuật đã xử trí cắt lọc tổn thương, găm đinh cố định các ngón tay. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, thay băng chăm sóc vết thương và đã khâu vết thương, ghép da làm liền vết thương. Khi vết thương liền da ổn định sẽ được khám lại để thực hiện tiếp phẫu thuật chuyển ngón chân cái phục hồi ngón tay cái.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức thanh thiếu niên
Tổn thương do pháo nổ thường phức tạp, nhiều trường hợp tổn thương nhiều vị trí như bàn tay, mặt, thân người… nên điều trị khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn.
Đáng nói hơn, thống kê của các cơ sở y tế đã chỉ ra rằng, các bệnh nhân đều thuộc độ tuổi thanh thiếu niên còn đang đi học, từ 10 - 16 tuổi. Chỉ vì tò mò muốn tập làm pháo hay vì muốn chơi pháo “cho vui”, mà những thiếu niên này sẽ phải đối mặt với những di chứng nặng nề suốt đời, thậm chí nhiều trường hợp còn phải trả giá bằng cả tính mạng.
Vì sao “điệp khúc” cảnh báo về tai nạn pháo đã được các cơ quan chức năng, các cơ sở y tế lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua nhưng số vụ tai nạn vẫn liên tiếp được ghi nhận mỗi khi cận Tết? Luật sư Lại Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH LLA Legal cho rằng: Sự tò mò, thích làm thí nghiệm, thích khám phá tìm hiểu nhưng lại chưa ý thức được mối nguy hại là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, không thể không nhắc tới nguyên nhân do tác động từ bên ngoài, với hàng loạt những clip dạy làm pháo, thậm chí làm thuốc nổ xuất hiện nhan nhản trên mạng như hiện nay.
Lên mạng, chỉ cần gõ từ khóa trên YouTube, hàng chục video liên quan xuất hiện. Còn trên Facebook, còn có nhóm ngang nhiên trao đổi, rao bán các hóa chất để chế tạo pháo và các nguyên liệu kèm theo, thậm chí là thuốc nổ.
Theo Bộ Công an, qua các vụ tàng trữ, vận chuyển và mua bán, chế tạo pháo nổ trái phép được lực lượng Công an phát hiện, xử lý thời gian qua cho thấy, hầu hết các đối tượng đều là thanh thiếu niên, học sinh.
Vì vậy, trước sự nguy hiểm của pháo tự chế, các chuyên gia khuyến cáo, mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gan-tet-lai-lo-tai-nan-phao-no-10271738.html