Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong phòng, chống tham nhũng

Việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục, lâu dài, là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và của cán bộ hằng năm. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cần xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành.

Phòng, chống tham nhũng gắn với ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Đây là yêu cầu trong Kế hoạch số 245/KH-UBND ngày 23-12-2020 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Theo đó, các cấp, ngành thành phố Hà Nội thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó xác định phòng ngừa là chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa; kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng.

Cùng với đó, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, kỷ cương, liêm chính, đáp ứng nhiệm vụ được giao; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí, hành động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng.

Kế hoạch cũng nêu rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 của thành phố, gồm: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thực hiện nghiêm công tác kê khai, kiểm soát minh bạch tài sản thu nhập để phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra phát hiện và xử lý tham nhũng; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và đối thoại về phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ.

Thúy Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/986818/gan-trach-nhiem-cua-nguoi-dung-dau-cap-uy-chinh-quyen-cac-cap-trong-phong-chong-tham-nhung