Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các kế hoạch, đề án
Ngày 14/6, Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch, đề án của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ô Pích, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Văn Thịnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.
Các kế hoạch, đề án triển khai bảo đảm yêu cầu đề ra
Thực hiện sự chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, đề án thực hiện nhiệm vụ được giao. Đó là, Kế hoạch phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới và các đề án: Nhà trọ công nhân an toàn, văn minh, giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh; Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 -2025; Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 -2025; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội viên Cựu chiến binh trong hoạt động tự quản bảo đảm an ninh, trật tự từ cơ sở giai đoạn 2022 - 2025; Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên, phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ đoàn trong chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Quá trình triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và có sự phối hợp tham gia hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn.
Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đổi mới nội dung, phương pháp, linh hoạt, sáng tạo trong cách làm. Nhờ vậy các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong mỗi đề án được thực hiện đúng tiến độ thời gian đề ra. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở.
Tại hội nghị, các đại biểu chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện như: Việc bố trí kinh phí triển khai thực hiện các đề án ở một số đơn vị cơ sở còn chậm; hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số chưa nhiều...
Đơn cử như Đề án nhà trọ công nhân an toàn, văn minh giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh, thực tế triển khai cho thấy hoạt động kê khai nộp thuế và niêm yết giá phòng trọ của một số chủ nhà trọ thực hiện chưa nghiêm túc; nhiều chủ nhà trọ xây vượt quá mật độ, không có các diện tích sử dụng công cộng...
Hay như Đề án tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025, việc thu gom rác thải sinh hoạt sau khi được phân loại tại các hộ gia đình nhưng khi thu gom, vận chuyển lại đổ chung một xe. Có nơi do địa phương chưa bố trí được bãi rác, lò đốt rác phù hợp nên dẫn đến tồn lưu rác, gây ô nhiễm môi trường.
Đồng chí Ngô Thanh Linh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạng Giang chia sẻ: Kinh nghiệm để địa phương thực hiện hiệu quả các kế hoạch, đề án là xác định các mục tiêu, nội dung công việc theo từng tháng, quý, năm để có lộ trình triển khai cụ thể; chú trọng xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng.
Một số đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan đến nhiệm vụ của các kế hoạch, đề án. Kiến nghị Sở Tài chính bố trí kinh phí tổ chức thực hiện và quan tâm hướng dẫn bố trí ngân sách thực hiện các đề án đối với các địa phương.
Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, UBND các huyện, thị xã, TP trong triển khai thực hiện các hoạt động theo nội dung của các kế hoạch, đề án phù hợp với thực tiễn của địa phương, bảo đảm chất lượng, tránh hình thức.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Ô Pích cho biết: Cùng với việc phê duyệt các đề án của các tổ chức chính trị - xã hội, UBND tỉnh thời gian qua đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành bố trí kinh phí, đồng thời ban hành hoặc đề xuất HĐND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách liên quan đến nội dung triển khai thực hiện các đề án.
Những kết quả từ các kế hoạch, đề án đạt được đã có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH của tỉnh nói chung. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay liên tục duy trì trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, hạ tầng y tế, giáo dục tiếp tục được tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện với mục tiêu bảo đảm 3 an (an ninh, an sinh và an toàn), đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên.
UBND tỉnh mong muốn, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết, tăng cường trao đổi thông tin để kịp thời phát hiện, phản ánh, giải quyết những vấn đề phát sinh trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Lê Thị Thu Hồng ghi nhận và biểu dương những kết quả trong triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án mà các cấp, ngành, đặc biệt là MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã đạt được trong thời gian qua. Để tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch, đề án, đồng chí Lê Thị Thu Hồng đề nghị các cấp, ngành rà soát lại các chỉ tiêu, mục tiêu gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các kế hoạch, đề án.
Đẩy mạnh quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về nội dung, mục tiêu, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của việc thực hiện các kế hoạch, đề án.
Việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện phải kịp thời, sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Chú trọng phát huy tinh thần trách nhiệm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; gắn thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch, đề án với nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động theo hướng rõ mục tiêu, rõ nhiệm vụ; tổ chức các phong trào thi đua, hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả giữa các chủ thể thực hiện kế hoạch, đề án gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, TP tích cực phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án. Tăng cường quản lý nhà nước và kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chính sách trên các lĩnh vực liên quan đến nhiệm vụ của các kế hoạch, đề án.
Quan tâm chỉ đạo bố trí, bảo đảm kinh phí, tăng cường xã hội hóa các nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả...
Tin, ảnh: Vân Anh