Gắn với chuyển đổi số với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (Bài cuối)

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của Tổ Đề án 06 tỉnh Lai Châu, người dân, doanh nghiệp đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đảm bảo nguyên tắc 'lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm'.

Lấy sự hài lòng của tổ chức, người dân là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của Tổ Đề án 06 tỉnh Lai Châu, người dân, doanh nghiệp đã được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đảm bảo nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm”; tổ chức thực hiện các dịch vụ công thiết yếu gắn với việc thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; gắn chuyển đổi số với thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội có hiệu quả nơi miền cực Tây Tổ quốc.

Khắc phục khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới với điều kiện giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, thời tiết khắc nghiệt. Hiện, trên địa bàn tỉnh vẫn còn có nhiều bản chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại, chưa có Internet…Thời gian qua, khắc phục những khó khăn, toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng và tiện ích của đề án 06, tích cực tham gia thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường trực tuyến.

Cán bộ tỉnh tuyên truyền cho người dân những lợi ích về cải cách hành chính, thanh toán không dùng tiền mặt (Ảnh minh họa).

Cán bộ tỉnh tuyên truyền cho người dân những lợi ích về cải cách hành chính, thanh toán không dùng tiền mặt (Ảnh minh họa).

Tại tỉnh Lai Châu, công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, xây dựng Chính phủ số, công dân số, xã hội số được đặt ra là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh, với nhiều giải pháp, cách làm linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn trong nhiều năm qua...

Nổi bật là, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nêu rõ, hằng năm, ưu tiên bố trí tối thiểu 1% tổng chi cân đối ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ chuyển đổi số; Tỉnh ủy Lai Châu ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 08/6/2023 của về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề 06 trên địa bàn tỉnh Lai Châu. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 về Quy định mức thu lệ phí trong thực hiện TTHC thông qua dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trong đó quy định mức thu lệ phí trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Lai Châu bằng 50% mức thu lệ phí theo quy định.

Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh kịp thời được kiện toàn, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng và đồng chí Phó Chủ tịch thường trực, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh làm Tổ phó; 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06. 08/08 huyện, thành phố; 106/106 xã, phường, thị trấn; 983/983 thôn, bản, khu dân cư đã thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06. Tỉnh cũng đã kịp thời triển khai đồng bộ, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành trung ương về Đề án 06 đảm bảo tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu đã đầu tư nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; đồng thời thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Đồng chí Lê Văn Lương, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ Đề án 06 tỉnh Lai Châu và Đại tá Nguyễn Viết Giang, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, Tổ phó Thường trực Tổ Đề án 06 tỉnh chủ trì Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06.

Đồng chí Lê Văn Lương, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ Đề án 06 tỉnh Lai Châu và Đại tá Nguyễn Viết Giang, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, Tổ phó Thường trực Tổ Đề án 06 tỉnh chủ trì Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06.

Việc tổ chức thực hiện 53 DVC thiết yếu theo Đề án 06 và theo Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ được tỉnh Lai Châu đã tích cực triển khai. Đã chỉ đạo làm sạch dữ liệu đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”. Đã hoàn thành chỉ tiêu trong công tác thu nhận hồ sơ Căn cước công dân Bộ Công an giao (về đích trước 41 ngày so với chỉ tiêu Bộ giao)...UBND tỉnh đã quan tâm, cân đối bố trí kinh phí triển khai thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.

Lai Châu xác định việc triển khai Đề án 06 là một nhiệm vụ quan trọng, có tính lan tỏa cao và đem lại lợi ích thiết thực, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tiếp tục rà soát các nội dung nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ Đề án 06 đảm bảo theo lộ trình. Các thành viên Tổ công tác Đề án 06 các cấp đã làm tốt vai trò “nêu gương” trong việc triển khai thực hiện; xác định rõ nhiệm vụ, tập trung rà soát làm rõ các mặt tồn tại, hạn chế, xác định rõ các “điểm nghẽn” để có giải pháp khắc phục tránh chung chung, hình thức.

Cơ quan thường trực - Công an tỉnh Lai Châu đã tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn toàn tỉnh; chỉ đạo lực lượng Công an cấp cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trên địa tiến hành xây dựng và làm sạch dữ liệu của các ngành, các cấp phục vụ hiệu quả công tác đồng bộ và kết nối chia sẻ dữ liệu; kịp thời tổng hợp, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; tăng cường việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án.

Các sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện, UBND cấp xã cũng đã tập trung, đẩy mạnh việc thực hiện các DVC trực tuyến toàn trình, một phần, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã...mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đối số

Chỉ tính riêng số liệu theo báo cáo đánh giá Tình hình, kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính tháng 8 năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lai Châu cho thấy, công tác CCHC, kiểm soát TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Các quy định, TTHC được các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát đơn giản hóa; việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận và giải quyết TTHC đảm bảo theo đúng quy định; chất lượng giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương được nâng lên rõ rệt.

Công an TP Lai Châu ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý hành chính, tạo điều kiện cho người dân trong khai báo lưu trú.

Công an TP Lai Châu ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý hành chính, tạo điều kiện cho người dân trong khai báo lưu trú.

Lai Châu đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh ban hành các sở, ban, ngành, địa phương chủ động rà soát, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; trong đó, tập trung vào các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung. Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai có hiệu quả việc rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022, của Thủ tướng Chính phủ

Về kết quả thực thi 19 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, trong tháng 8, Lai Châu đã tiếp nhận 1.164 hồ sơ, trong đó 1.149 hồ sơ đã hoàn thành; 12 hồ sơ đang xử lý; 3 hồ sơ bị trả lại/hủy. Không có TTHC được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ.

Trong công tác cải cách việc thực hiện TTHC, tỉnh đã công khai, minh bạch trong thực hiện TTHC (Số liệu theo đánh giá trên Cổng Dịch vụ công quốc gia). Đến nay, theo xếp hạng Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ), tỉnh Lai Châu hiện đang xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Lai Châu cài đặt ứng dụng VssID kết nối với ứng dụng VNeID để phục vụ người dân ứng dụng chuyển đổi số vào công tác và cuộc sống.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Lai Châu cài đặt ứng dụng VssID kết nối với ứng dụng VNeID để phục vụ người dân ứng dụng chuyển đổi số vào công tác và cuộc sống.

Năm 2024, CCHC tiếp tục được UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, nhằm thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội năm 2024, từ đó, hoàn thành sớm các mục tiêu cải cách hành chính đặt ra đến năm 2025 tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và Chương trình CCHC tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Lai Châu năm 2024 với 32 nhiệm vụ, 45 hoạt động. Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể, xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian hoàn thành và bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh đang nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, để “về đích” sớm trước thời hạn.

Anh Hiếu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/gan-voi-chuyen-doi-so-voi-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-bai-cuoi--i744685/