Găng tay hỗ trợ vật lý trị liệu, phục hồi chức năng

Với mong muốn giúp những người bệnh đột quỵ, tai biến mạch máu não… cải thiện chức năng vận động tay, một nhóm học sinh Trường trung học cơ sở thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) đã nghiên cứu, thực hiện Dự án Găng tay bảo vệ sức khỏe.

Nhóm tác giả Dự án Găng tay bảo vệ sức khỏe đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: NVCC

Nhóm tác giả Dự án Găng tay bảo vệ sức khỏe đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: NVCC

Dự án đoạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng tỉnh Đồng Nai và được chọn dự thi cấp quốc gia. Nhóm học sinh thực hiện dự án gồm: Võ Dương Thùy, Phan Gia Khang (cùng học lớp 9/1); Nguyễn Hải Trân, Lê Nguyễn Minh Anh (cùng học lớp 9/3) và Đỗ Phan Khánh Vy (lớp 9/9).

Hỗ trợ người bệnh tập phục hồi chức năng

Theo đại diện nhóm học sinh, người bị đột quỵ và mắc các bệnh: liệt nửa người, bại não, tai biến mạch máu não... ngày càng gia tăng. Vì vậy, nhóm đã quyết định chọn Đề tài Găng tay sức khỏe nhằm giúp bệnh nhân luyện tập phục hồi với thời gian ngắn hơn. Đồng thời, giúp bác sĩ theo dõi sức khỏe một cách dễ dàng và sát sao hơn. Thiết bị này kết hợp cùng với những trò chơi điện tử thú vị, giúp tăng sự hứng thú khi tập luyện.

Thiết bị bao gồm một găng tay, trong đó có một cảm biến, khi đeo vào sẽ đo được nhịp tim, nhiệt độ và nồng độ oxy trong máu. Khi bệnh nhân đeo vào và thực hiện co bóp bàn tay, thiết bị sẽ tiến hành đo nhịp tim, nhiệt độ và nồng độ oxy trong máu. Từ đó, phát hiện sớm các rối loạn nhịp tim, suy tim, thiếu oxy trong máu, dấu hiệu sốt, nhiễm trùng, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bênh cạnh đó, găng tay còn giúp kích thích sự cầm nắm của bàn tay, phục hồi gân cơ của khớp cổ tay, bàn tay sau khi bị tai nạn.

Găng tay theo dõi sức khỏe bệnh nhân sử dụng các cảm biến tiên tiến và vi xử lý M5Go IOT mạnh mẽ để thu thập và xử lý dữ liệu sức khỏe một cách chính xác và hiệu quả. Ứng dụng di động được thiết kế với giao diện người dùng trực quan, dễ sử dụng.

Găng tay bảo vệ sức khỏe này gồm các bộ phận: găng tay bằng vải, cảm biến uốn cong, cảm biến nhịp tim, vi xử lý, kết nối không dây, pin, màn hình OLED, nút bấm khẩn cấp.

Để thực hiện vật lý trị liệu, người sử dụng sẽ co bóp bàn tay. Khi đó, cảm biến lực của găng tay có thể đo được lực tác động. Nếu lực bóp đủ mạnh thì máy sẽ tính là một lần nắm, cứ đủ 10 lần thì máy sẽ kết thúc quá trình trị liệu. Cảm biến cong giúp nhận diện người tập có nắm tay đủ độ cong hay chỉ làm qua loa.

Đối với bệnh nhân muốn tập vật lý trị liệu kết hợp ứng dụng trò chơi, găng tay có thể kết nối bluetooth, thông qua các trò chơi được cài đặt trên điện thoại, máy tính sẽ tạo sự hứng thú hơn cho người tập luyện. Trong trường hợp cần trợ giúp khẩn cấp, người dùng chỉ cần bấm và giữ nút khẩn cấp được thiết kế trên găng tay, khi đó găng tay sẽ phát tín hiệu để nhận sự giúp đỡ từ những người xung quanh.

Một điểm đáng ghi nhận của găng tay này là khi bệnh nhân bóp đủ số lần, thiết bị sẽ phát ra âm thanh “bíp” nhằm báo đã hoàn thành bài tập. Đặc biệt, thiết bị sẽ gửi bảng kết quả của bệnh nhân lên Google Sheet và được lưu trữ dưới dạng biểu đồ, giúp bác sĩ và người nhà, bệnh nhân dễ dàng theo dõi tiến độ tập luyện cũng như tình trạng sức khỏe.

Tự tin vào tính ứng dụng thực tiễn

Em Nguyễn Hải Trân cho hay, trong quá trình làm sản phẩm này, khó khăn nhất mà nhóm gặp phải là những vấn đề về kỹ thuật. Các thành viên của nhóm không biết chọn những nguyên vật liệu phù hợp và cách lắp ráp hệ thống thiết bị của găng tay. Để giải quyết khó khăn này, ngoài giáo viên hướng dẫn đề tài, nhóm còn được một nhóm sinh viên đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật hỗ trợ giải quyết.

Bên cạnh đó, trong quá trình tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng từ cấp huyện đến cấp quốc gia, nhóm đã nhận được nhiều góp ý của hội đồng cố vấn, ban giám khảo để sản phẩm cải thiện, hoàn chỉnh hơn.

“Hội đồng cố vấn và Ban giám khảo góp ý nhóm chúng em nên lưu lại kết quả tập luyện của bệnh nhân để bác sĩ có thể theo dõi từ xa khi bệnh nhân về nhà. Sau khi có dữ liệu, làm thêm phần biểu đồ thể hiện kết quả luyện tập giữa các ngày để bác sĩ cũng như chính bệnh nhân và người nhà có thể nhìn vào biểu đồ để thấy được sự tiến triển trong thao tác tập bàn tay qua từng giai đoạn” - Hải Trân cho biết.

Đại diện nhóm tác giả cho rằng, sản phẩm găng tay bảo vệ sức khỏe có tính thực tiễn cao vì có thể theo dõi sức khỏe cá nhân, phục hồi và tái tạo chức năng xương khớp, theo dõi tiến trình tập luyện mọi lúc mọi nơi, nâng cao ý thức về sức khỏe. Sản phẩm hiện đã được gửi tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp quốc gia.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202409/gang-tay-ho-tro-vat-ly-tri-lieu-phuc-hoi-chuc-nang-5287bc9/