Gánh nặng bủa vây doanh nghiệp, HUBA đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), có tới 44% doanh nghiệp tại thành phố có doanh thu giảm và 50% doanh nghiệp có lợi nhuận giảm.

Khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây doanh nghiệp

Tại TP. Hồ Chí Minh, theo báo cáo của UBND Thành phố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 10 tháng năm 2023 tăng 3,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 6,3%. Trong đó, ngành hóa dược tăng 19,2%; ngành cơ khí tăng 7,4%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 6,0%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 6,0%.

Đối với 3 ngành công nghiệp truyền thống, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 10 tháng giảm 8,6% so với cùng kỳ, trong đó ngành dệt tăng 2,5%; sản xuất trang phục giảm 12,6%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 8,1%.

Bên cạnh sự khởi sắc của ngành công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2023 đạt 978.681 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch ước đạt 140.048 tỷ đồng, tăng 32,6% so với năm 2022.

Mặc dù vậy, theo đánh giá chung của HUBA, các ngành sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa hết khó. Thông tin cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho biết, hiện doanh nghiệp công nghiệp trong một số ngành (vật liệu xây dựng, may mặc, da giày, gỗ…) vẫn trong tình trạng khan hiếm đơn hàng, doanh nghiệp thuê đất hàng năm ở khu công nghiệp nhưng không được cấp giấy đất để vay vốn kinh doanh… Đó là chưa kể có tình trạng doanh nghiệp chuyển dịch qua các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Bình Phước… - nơi họ nhận được các chính sách ưu đãi đầu tư tốt hơn.

Các ngành sản xuất của TP. Hồ Chí Minh đối diện sức tiêu thụ yếu do kinh tế còn khó khăn

Các ngành sản xuất của TP. Hồ Chí Minh đối diện sức tiêu thụ yếu do kinh tế còn khó khăn

Đối với doanh nghiệp nông nghiệp, theo ông Hòa, hiện doanh nghiệp nông nghiệp khó vay vốn, tài sản thế chấp bị đánh giá quá thấp, nên thiếu hụt vốn kinh doanh. Còn doanh nghiệp du lịch, khách sạn hoạt động với công suất thấp do khách hàng có xu hướng trung chuyển qua thành phố để tới các tỉnh thành lân cận. Doanh nghiệp thương mại cũng không khả quan hơn bởi mãi lực thị trường yếu, hơn nữa thói quen tiêu dùng thông minh qua thương mại điện tử đã phá vỡ kinh doanh truyền thống - kết quả là xu hướng trả mặt bằng lan rộng, hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa. Riêng doanh nghiệp bất động sản, xây dựng hầu hết khó khăn do nợ nần chồng chất, không thu hồi được nợ và khó có khả năng trả nợ trái phiếu.

“Vì các khó khăn trên có tới 44% doanh nghiệp có doanh thu giảm và 50% doanh nghiệp có lợi nhuận giảm. Thực trạng này phản ánh rõ nét bức tranh không mấy tích cực của nền kinh tế, khi mà thị trường xuất khẩu bị thu hẹp và mãi lực thị trường nội địa đang khá yếu”- ông Hòa cho biết.

Hệ quả của kinh doanh khó khăn, theo khảo sát của HUBA đã làm cho nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và có tới 16% doanh nghiệp vẫn có kế hoạch cắt giảm lao động trong thời gian tới.

Doanh nghiệp cần được “tiếp sức” thêm

Trước khó khăn bủa vây, HUBA đề xuất, đối với vấn đề nguồn vốn, Chính phủ tháo gỡ bằng cách đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, tăng tỷ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp, cho phép thế chấp tài sản đất thuê hàng năm và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp.

Về phía TP. Hồ Chí Minh, theo HUBA, chương trình kích cầu thông qua đầu tư triển khai đã hơn 20 năm qua nhằm hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay vốn để các chủ đầu tư thực hiện dự án. Chương trình đã mang lại thành công cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong vài năm nay chương trình bị dừng lại không triển khai làm ảnh hưởng tới sự phát triển của các ngành liên quan. Do đó, Thành phố cần chỉ đạo triển khai quyết liệt chương trình cho vay kích cầu đầu tư vừa được Hội đồng nhân dân thông qua tạo điều kiện nâng cao khả năng đầu tư của doanh nghiệp nhằm phát triển kinh doanh.

Riêng vấn đề thuế, hải quan, theo HUBA, còn khá nhiều vấn đề doanh nghiệp kiến nghị nhà nước cần giải quyết triệt để gồm: Vấn đề quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là với các công ty gia đình, các tập đoàn kinh tế trong nước. Trong đó, hầu hết doanh nghiệp vi phạm quy định về khoản vay lớn hơn 25% vốn góp của chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn, từ đó bị truy thu và phạt. Nhà nước nên xem xét không hạn chế về giao dịch liên kết với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam để hỗ trợ các doanh nhân non trẻ có nguồn lực phát triển, tạo chỗ đứng trong thương trường.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp than phiền không được hoàn thuế GTGT với số tiền lớn đến hàng chục tỷ đồng, do thời gian xác minh hóa đơn và nguồn gốc của hàng hóa mua vào rất lâu, ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. “Rất mong cơ quan thuế có chính sách hỗ trợ, hoàn thuế nhanh để doanh nghiệp có vốn kinh doanh và trả lương cho người lao động”- ông Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị.

Ngoài ra, theo ông Hòa, đối với chính sách giảm thuế VAT 2% trong sáu tháng cuối năm (từ ngày 1-7 đến 31-12): các doanh nghiệp hoan nghênh sự hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, có một số ngành, đặc biệt là bất động sản không được hỗ trợ và thời gian áp dụng quá ngắn, chưa đủ để đánh giá hiệu quả. Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối ngân sách để áp dụng mức thuế GTGT 8% cho tất cả các ngành kinh tế và kéo dài chính sách hỗ trợ đến hết năm 2024.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ganh-nang-bua-vay-doanh-nghiep-huba-de-xuat-nhieu-giai-phap-thao-go-282387.html