'Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha'
'Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha'. Tình cha mẹ rất đỗi thiêng liêng. Không riêng gì những ca khúc, những bộ phim, những vở kịch ca ngợi tình mẫu tử, những bài hát về tình phụ tử cũng luôn thiêng liêng như vậy, đều chứa đựng những nỗi niềm, những câu chuyện cảm động mà chạm tới tận trái tim người thưởng thức.
Suốt đời vì con gian nan
“Tình cha ấm áp như vầng thái dương/Ngọt ngào như dòng nước tuôn đầu nguồn/Suốt đời vì con gian nan/Ân tình đậm sâu bao nhiêu/Cha hỡi
cha già dấu yêu”… lời bài hát “Tình cha” của nhạc sĩ, ca sĩ Ngọc Sơn thấm đẫm tình cảm của người cha dành cho con khiến hàng triệu người nghe trào nước mắt. Ngoài “Tình cha”, bài hát “Hình bóng cha già” của nhạc sĩ, ca sĩ Ngọc Sơn là một trong những bài hát lời Việt hay nhất về tình cảm cha con luôn nằm trong top đầu của các bảng xếp hạng âm nhạc.
“Cha vẫn luôn dạy dỗ chúng con/Sống sao nghĩa tình trước sau/Lúc con ốm đau, người đêm trắng đêm/Mắt sâu thâm quầng chăm lo”… “Hình bóng cha già” đã chạm tới trái tim của người yêu nhạc và tạo sự cảm động đối với người nghe ngay từ những năm cuối thế kỉ 20.
“Ba kể con nghe” do Nguyễn Hải Phong sáng tác và thể hiện là một trong những ca khúc nổi tiếng viết về cha trong làng nhạc Việt. Bài hát như lời tâm tình mộc mạc của người cha kể về tuổi thơ bình yên bên những cánh đồng cho đến những ngày khôn lớn.
Qua lời kể của mình, người cha muốn gửi đến cho đứa con niềm tin yêu và ước mơ về tương lai. Và có lẽ, ước mơ giản dị nhất là mong con nên người và được hạnh phúc. Bài hát khiến người nghe cảm thấy biết ơn người cha của mình hơn.
“Khi cha đã già” ca sĩ Kyo York thể hiện là một trong những bài đã lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả. Ca khúc nói lên được sự hy sinh và tình yêu thương thầm lặng của người cha dành cho con gái trong ngày trọng đại khi cô con gái bé bỏng đi lấy chồng. Đây cũng chính là khoảnh khắc hiếm hoi mà những bậc làm cha phải nghẹn ngào rơi nước mắt.
“Cây vĩ cầm” của nhạc sĩ Lê Yến Hoa thu hút hàng triệu lượt nghe với lời bài hát: “Bao năm tim cha cuốn bao dung vào tim con nồng nàn yêu thương trùng ngân lên cao vút đã lớn theo con những vết chai sần tay cha tâm hồn cha cháy lên bừng trong mắt con hy vọng cung đàn con cất lên hồi sinh trái tim vĩ cầm”.
“Cha và con gái” của tác giả Nguyễn Văn Chung là một khúc ca nhẹ nhàng, sâu lắng trong tâm hồn người nghe, những người đã làm cha hay tất cả những người làm con. Cùng lời ca nhẹ nhàng với nền là một bộ phim hoạt hình ngắn, bài hát ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người và nằm trong nhiều bảng xếp hạng năm 2017 ca nhạc vì những xúc cảm nó mang lại cho người nghe.
“Con muốn lại gần ôm lấy cha, muốn tựa vào vai của cha/Con muốn nắm lấy tay cha thật chặt, những vết chai sần đã hằn sâu/Con nhớ từng chiều ngồi xe phía sau, ánh mặt trời nghiêng mái đầu/Con nhớ lắm lúc hai cha con cười đùa, cứ sợ rằng sẽ không còn nữa/Chỉ vì con cha hy sinh cả cuộc đời/Vì sao bao gian lao kia cha không bao giờ kể/Vì sao những nỗi mất mát cha chỉ giữ mãi riêng mình/Cả tuổi thơ con bên cha những chẳng thấy được nước mắt cùng nỗi đau và những nỗi buồn/Những câu chuyện chỉ đong đầy tiếng cha cười”.
“Làm cha” do nhạc sĩ Dương Trường Giang sáng tác thuộc thể loại pop ballad, kể về tình cảm yêu thương lẫn những nhọc nhằn, vất vả và cả những trăn trở của một người cha dành cho con. Bên cạnh đó là những kỷ niệm yêu thương về cuộc sống nghèo khổ bên những chú cừu, dê quanh chân núi, nhưng tự do hạnh phúc của hai cha con.
“Cha già rồi đúng không” của Phạm Hồng Phước chính là một bài hát cảm động về cha, mà có lẽ khi nghe qua bất cứ ai cũng xúc động nhớ về người cha của mình. Bài hát cảm động về cha mang tên “Cha già rồi đúng không” như một câu tâm tình, như một câu chuyện nhỏ, tuy nhẹ nhàng, tuy trầm lắng nhưng đọng lại trong tâm hồn chúng ta cảm xúc yêu thương về sự hy sinh của bậc sinh thành lớn hơn bao giờ hết.
Chúng ta rồi sẽ lớn, cha mẹ rồi cũng sẽ già, cũng sẽ có những giây phút không được minh mẫn, cũng sẽ có lúc nhỡ, có lúc quên. Nhưng chẳng phải vì dùng cả cuộc đời để dạy chúng ta nên người, yêu thương chúng ta vô bờ và tạo nên một mái ấm gia đình hạnh phúc mà cha mẹ mới phải lao tâm khổ tứ nhiều như thế sao? Vì vậy, hãy thương yêu cha mẹ của chính bản thân mình thật nhiều, hãy thể hiện tình yêu thương ấy thật nhiều, bởi vì còn cha mẹ là điều quý giá nhất đối với mỗi con người trong cuộc sống này.
Yêu thương con vô bờ bến
Vở kịch “Nắng chiều” tại sân khấu của Quốc Thảo về tình cha mẹ do anh cùng nghệ sĩ Minh Ngọc biên kịch. Tác phẩm kể về hoàn cảnh của ba nhân vật - ông Ba (Quốc Thảo), ông Chín (Đại Nghĩa), bà Tám “bánh phồng” (Lê Giang). Họ là những người già bỏ ruộng vườn, nhà cửa ở làng quê để lên thành phố sống cùng con cháu. Tuy vậy, họ bị chính con ruột, dâu, rể xem như những người làm công trong nhà.
Bên cạnh sự ghẻ lạnh của con cái, họ đối diện những khó khăn về sự khác biệt vùng miền. Ba người già sống giữa thành phố, chưa có dịp gặp nhau, chỉ liên lạc, thăm hỏi qua lại bằng điện thoại. Một ngày, chán ngán cảnh bị con cái đối xử tệ bạc, họ quyết định “đình công”, rủ nhau họp mặt tâm sự. Suốt ngày, ông Ba quanh quẩn trong xó bếp để lo cho các con bữa cơm, đến chiều lại đi đón cháu rồi cô đơn ăn cơm một mình vì con cháu quá bận rộn.
Ông Ba một mặt muốn về quê vì không quen nếp sống hiện đại, mặt khác không nỡ bỏ con cháu giữa lúc chúng khó khăn. Ông giận con dâu khi cô đổ lỗi vì ông mà vợ chồng cô làm ăn lụn bại, lại vừa cắn răng khuyên các con sống hòa thuận. Cuối vở, ông Ba trao lại giấy tờ nhà cửa của ông để các con cầm cố trả nợ.
Sau cú điện thoại báo tin cho người bạn sẽ về quê sống những năm tháng cuối đời, ông Ba bất ngờ qua đời vì bệnh tim. Cảnh ông Ba mất, các khán giả tại khán phòng không giấu những giọt nước mắt thương cho người cha bất hạnh.
“Về nhà đi con” - phim truyền hình đã được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam thu hút hàng triệu lượt xem mỗi tập. “Về nhà đi con” với những câu chuyện gia đình cảm động và gần gũi xoay quanh 3 chị em gái. Mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, mỗi người một tính cách, một lối sống và chỗ dựa của ba chị em là một người cha tận tụy và hết lòng yêu thương con vô bờ bến, giúp các con vượt qua những chông gai trong cuộc sống.
Xuyên suốt bộ phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng là tình người, tình đời, những kỷ niệm với gia đình lớn, gia đình nhỏ, những người thân yêu sống quanh mình... Phim là câu chuyện về cuộc sống của hai cha con bên một dòng sông thơ mộng. Nhưng một ngày nọ ông phát hiện con mình bị bệnh nặng khó lòng qua khỏi.
Khi người con còn nhỏ, người cha vẫn nói với đứa con của mình về một nơi có ánh sáng - đó là nơi rất đẹp… Và khi đứa con bị bệnh, cha đã gắng cõng con đi tìm nơi có ánh sáng ấy, tìm thấy cuộc đời tươi đẹp này trước khi con chết… Người cha đã làm tất cả vì đứa con thân yêu của mình. Và cuối cùng thì cả hai cha con cùng chết.
…Những bài hát, bộ phim, vở kịch về người cha đầy cảm động đều hướng tới thông điệp: “Tình cha ấm áp như vầng thái dương”. Tình cha và con là một sợi dây gắn kết thiêng liêng. Dù con có trưởng thành đến đâu, trong lòng cha, con vẫn là những đứa con bé bỏng, cần chở che. Nếu như tình mẹ luôn dâng cao như những đợt sóng vỗ thì tình cha lại nhẹ nhàng, sâu lắng và âm thầm hơn. Cha luôn là người con ngưỡng mộ về cả tài năng và nhân cách sống.
Cha và mẹ, mỗi người sẽ có một cách thể hiện tình yêu thương đối với con cái khác nhau. Nếu như mẹ dùng chính sự bao dung, bảo bọc và tâm tình nhỏ nhẹ để khuyên bảo và dạy con nên người thì đôi khi cha lại là người tuy không thể hiện được quá nhiều cảm xúc, dùng những lời lẽ cứng rắn để dạy con cái. Cha yêu con bằng cả tấm lòng, cha hy sinh, gánh vác tất cả vì con, cha che chở, bảo bọc con suốt chặng đường đời. Tình cha êm đềm mà mạnh mẽ vượt qua mọi bão giông.