Gánh nặng 'trẻ nuôi con, già chăm cháu'

Có nhiều lý do để các cặp vợ chồng trẻ phải gửi con về quê nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc, trong đó đa phần là những người lao động phổ thông đi làm ăn ở các tỉnh phía Nam nhưng mức thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống nơi đô thị lớn, nhất là khi con cái đến tuổi đi học. Thực trạng này đang diễn ra ngày càng phổ biến với không ít trăn trở của người trong cuộc.

 Nuôi dạy trẻ là áp lực lớn đối với không ít người già - Ảnh: M.L

Nuôi dạy trẻ là áp lực lớn đối với không ít người già - Ảnh: M.L

Gần 70 tuổi, không còn sức khỏe để lao động kiếm tiền nhưng cuộc sống vợ chồng ông Phán, bà Xấn ở thôn An Phú, xã Hải Thái, huyện Gio Linh, cũng khá giả hơn nhiều gia đình ở thôn quê vì ông bà đều có tiền lương hưu trí hằng tháng. Vậy nhưng, gần 2 năm trở lại đây mọi sinh hoạt của gia đình ông bà đảo lộn hết khi vợ chồng người con trai rời quê vào miền Nam lập nghiệp hơn chục năm trước nhưng nay lâm vào cảnh làm ăn thua lỗ nên phải gửi hai con đang tuổi ăn, tuổi học về quê ở với ông bà. Đang được thảnh thơi tuổi già, giờ đây phải lo từ chuyện nấu nướng, giặt giũ, ăn ngủ đến việc học hành, vui chơi của các cháu… nhiều lúc ông bà cảm thấy mệt mỏi, quá sức, chưa kể thu nhập của ông bà phải trích ra một phần để lo cho cháu. Bà Xấn chia sẻ: “Có các cháu cũng giúp tuổi già bớt hiu quạnh, sống vui vẻ hơn nhưng sinh hoạt thường ngày thì khó thích nghi quá. Chúng tôi già rồi nên lịch sinh hoạt ổn định, đúng giờ, còn các cháu lại có nhu cầu ăn uống, sinh hoạt khác hẳn. Chưa kể chuyện học hành của chúng cũng khiến tôi thêm lo lắng, căng thẳng vì hễ lúc nào bố mẹ các cháu điện thoại về lại dặn ông bà nhắc nhở các cháu học bài, trong khi mình hỏi thì các cháu đều trả lời học xong rồi. Cháu bảo sao thì ông bà nghe thế chứ biết đường nào mà lần!”.

Năm 2018, chị Nguyễn Thị Hoài ở phường Đông Lương,thành phố Đông Hà, vừa sinh con được hơn 1 năm thì vào Đà Nẵng làm công nhân cùng chồng. Với thu nhập cả hai vợ chồng cộng lại khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng nên vợ chồng chị tính toán gửi con gái mới hơn 1 tuổi về quê nhờ bà ngoại chăm sóc. Đến đầu năm 2021, công ty chị Hoài làm việc có xây dựng trường mầm non cho con công nhân nên vợ chồng chị quyết định về quê đón con vào để đi học. “Thực tế, việc gửi con về quê giảm được gánh nặng tài chính nhưng nỗi lo thì luôn canh cánh trong lòng. Tôi nhớ những ngày đầu đón vào ở với ba mẹ, con bé cứ nằng nặc khóc đòi về ở với bà ngoại. Tôi biết con vốn quen với môi trường ở quê rộng rãi, thoáng mát, thoải mái vui đùa, giờ phải sống trong không gian chật hẹp của nhà trọ với 4 bức tường nên chưa thích nghi được. Áp lực nhất là tính con ngang ngạnh, ương bướng. Thói quen ăn quà vặt do bà ngoại chiều cháu cũng khiến vợ chồng tôi cãi nhau vì nhiều bữa ăn con cứ đòi bằng được bánh kẹo, mẹ thì nghiêm cấm trong khi ba thấy con gái lăn ra ăn vạ, hờn dỗi là lập tức đi lấy kẹo, dỗ dành cho xong chuyện. 3 năm không ở cạnh con, chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội theo dõi sát sao sự phát triển mỗi ngày và uốn nắn con kịp thời. Ngẫm lại, tôi thấy mình bỏ qua giai đoạn quan trọng khi con còn thơ dại để thích nghi nên khi bắt đầu vai trò làm mẹ với một đứa trẻ bướng bỉnh thật khó khăn, vất vả”.

Theo bà Nguyễn Thị Ái Loan, Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, vì công việc và mưu sinh, nhiều gia đình phó mặc việc chăm sóc con cho ông bà. Cái được lớn nhất khi ông bà chăm cháu là phụ huynh, gia đình cảm thấy yên tâm vì ông bà bao giờ cũng có tình cảm ruột thịt với cháu mình, đồng thời đỡ đi gánh nặng chi phí thuê người giúp việc hay trông trẻ... Tuy nhiên, bên cạnh mặt được thì cũng có một số hạn chế như, ông bà sẽ giáo dục cháu theo kiểu giáo dục đối với người trưởng thành nên sự phát triển của trẻ sẽ có phần lệch lạc, tính cách trẻ có thể sẽ “già dặn” hơn so với tuổi. Đối với trẻ nhỏ, ông bà là người của thế hệ trước nên nhiều khi không cập nhật được những thông tin nuôi dạy trẻ con thời hiện đại. Ví dụ, ngày trước chưa có các máy xay, máy nghiền thức ăn, cha mẹ thường nhai cơm cho con cái, thực ra đây là cách cho ăn rất mất vệ sinh nhưng ngày nay ông bà vẫn áp dụng. Hoặc trẻ con ở với ông bà thường hay được nuông chiều như ăn quà vặt, xem ti vi thoải mái… hình thành thói quen không tốt cho trẻ sau này. Với trẻ em bước vào giai đoạn dậy thì, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, nhiều trẻ trở nên ngang bướng, nổi loạn khó dạy bảo trong khi công nghệ thông tin, mạng xã hội rất phát triển, ông bà sẽ rất khó kiểm soát việc sử dụng điện thoại, máy tính có kết nối internet của cháu nên trẻ rất dễ bị sa ngã, hư hỏng…

Bên cạnh đó, bản thân các cháu nhỏ thiếu vắng sự chăm sóc thường xuyên của cha mẹ cũng thiệt thòi về mặt tình cảm. Ở chiều ngược lại, tuổi già nhiều người muốn sống vui vẻ, quây quần cùng cháu con nhưng đó là khi các cháu bé được ba mẹ nuôi dưỡng, thỉnh thoảng về chơi với ông bà chứ phó thác toàn bộ việc nuôi dạy trẻ cho người cao tuổi thì đó là gánh nặng vì khoảng cách tuổi tác, sức khỏe, sở thích… quá chênh lệch. Gánh nặng này khiến nhiều người đã than phiền rằng, trẻ thì vất vả nuôi con, nay già lại lụm đụm chăm cháu. Có lẽ, không có bậc làm cha làm mẹ nào muốn xa con, tuy nhiên vẫn có những trường hợp bất khả kháng. Vì thế, hãy tìm cách để quan tâm đến con cái nhiều nhất có thể, điều này không chỉ thể hiện qua việc đều đặn gửi tiền sinh hoạt phí để ông bà ở quê trang trải cuộc sống cho trẻ mà hãy dành thời gian để quan tâm, đồng hành từ xa bằng việc thường xuyên liên lạc đến nắm bắt tình hình, lắng nghe con chuyện trò, tâm sự để thu hẹp khoảng cách địa lý, đồng thời chia sẻ gánh nặng với ông bà ở quê, từ đó giúp trẻ trưởng thành hơn.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=158590&title=ganh-nang-%E2%80%9Ctre-nuoi-con-gia-cham-chau%E2%80%9D