Gánh nặng trên vai người lao động nghèo Ấn Độ dưới nắng nóng kỷ lục
Khi Ấn Độ vật lộn với đợt nắng nóng chưa từng có trong lịch sử, phần lớn tầng lớp lao động nghèo tại quốc gia này đều rất dễ bị tổn thương dưới mức nhiệt độ như thiêu đốt.
Đối với một công nhân xây dựng như Yogendra Tundre, cuộc sống tại công trường xây dựng ở ngoại ô thủ đô New Delhi, Ấn Độ chưa bao giờ hết khó khăn. Năm nay, với mức nhiệt độ cao kỷ lục chưa từng thấy trong lịch sử, sức chịu đựng của con người đã bị đẩy đến giới hạn.
Trong khi Ấn Độ đang vật lộn với đợt nắng nóng chưa từng có, phần lớn người lao động nghèo của đất nước, những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, lại là những đối tượng rất dễ bị tác động bởi mức nhiệt độ như thiêu đốt.
“Trời quá nóng và nhiệt độ quá cao, nhưng nếu chúng tôi không làm việc, chúng tôi sẽ biết lấy gì để sinh sống qua ngày? Trong một vài ngày, chúng tôi đã cố hết sức để làm việc, tuy nhiên sau đó chúng tôi lại phải nghỉ vì quá mệt và nóng”, anh Tundre nhấn mạnh.
Mức nhiệt độ cao kỷ lục ở khu vực thủ đô New Delhi đã lên tới hơn 49 độ C ở một số vùng vào ngày 15/5, khiến Tundre và vợ anh là Lata, người làm việc tại cùng một công trường bị ốm. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ bị mất thu nhập trong những ngày vắng mặt.
“Vì quá nóng, đôi khi chúng tôi không còn đủ sức đi làm. Tôi đã nghỉ nhiều ngày, thậm chí rất nhiều lần do bị ốm vì mất nước, và sau đó phải dùng dịch truyền tĩnh mạch”, chị Lata kể lại khi đứng bên ngoài ngôi nhà của hai vợ chồng tại một khu ổ chuột tạm thời với mái nhà lợp bằng thiếc.
Các nhà khoa học đã liên kết sự khởi đầu sớm của một mùa hè gay gắt với thực trạng biến đổi khí hậu của Trái đất và đưa ra kết luận, hơn một tỷ người dân ở Ấn Độ và các nước láng giềng như Pakistan, ở một khía cạnh nào đó đang phải đối diện với những rủi ro do thời tiết nắng nóng khắc nghiệt.
Vượt quá giới hạn
Ấn Độ đã phải hứng chịu tháng Ba nóng nhất trong hơn 100 năm qua, và tại nhiều vùng của đất nước, người dân đã trải qua mức nhiệt độ kỷ lục cao nhất vào tháng Tư.
Đối với nhiều nơi, bao gồm cả thủ đô New Delhi, mức nhiệt độ cao nhất đo được là 40 độ C. Đã có hơn 20 người chết vì nghi ngờ đột quỵ do nắng nóng kể từ cuối tháng Ba và nhu cầu về điện đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi chính quyền các bang đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động của nắng nóng khắc nghiệt.
Theo dự báo, mức nhiệt độ tại khu vực và xung quanh thủ đô New Delhi có thể sẽ giảm nhẹ trong ba ngày tới, nhưng Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đã tiếp tục đưa thêm thông tin về một đợt nắng nóng sẽ sớm trở lại trong tương lai gần.
Hai công nhân Tundre và Lata hiện đang chung sống cùng hai đứa con nhỏ trong một khu ổ chuột gần công trường xây dựng ở Noida, một thành phố vệ tinh của thủ đô New Delhi. Họ đã chuyển đến từ quê hương Chhattisgarh ở miền trung Ấn Độ để tìm việc làm với mức lương cao hơn xung quanh thủ đô.
Trên công trường, những người lao động sẽ làm những công việc như cơi nới tường, đổ bê tông, khuân vác nặng và họ thường dùng khăn quàng cổ quấn quanh đầu để chống nắng.
Nhưng ngay cả khi hai vợ chồng hoàn thành công việc trong ngày, họ cũng có rất ít thời gian để nghỉ ngơi vì ngôi nhà đã quá nóng nực khi phải hấp thụ cái nóng của mặt trời cả ngày dài.
Avikal Somvanshi, một nhà nghiên cứu môi trường đô thị từ Trung tâm Khoa học và Môi trường của Ấn Độ cho biết, dữ liệu của chính phủ liên bang đã chỉ ra rằng căng thẳng nhiệt là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở người sau sét, do tác động của thiên nhiên trong 20 năm qua.
Ông Somvanshi nhấn mạnh: “Hầu hết những ca tử vong do nhiệt thường xảy ra ở nam giới trong độ tưởi từ 30 đến 45. Phần lớn họ đều là những người đàn ông thuộc tầng lớp lao động, những người không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải phơi thân dưới cái nóng như thiêu đốt của Ấn Độ”.
Không có bất cứ bộ luật nào ở Ấn Độ để giúp người lao động được phép hạn chế làm việc ngoài trời khi nhiệt độ vượt quá một mức nhất định, khác xa với thực tế ở một số quốc gia Trung Đông.