'Gánh' xe tải trọng lớn, đường đua F1 ảnh hưởng thế nào?
Hàng loạt xe tải, ô tô khách vẫn phớt lờ biển cấm di chuyển vào nơi có làn đường đua F1 gây ảnh hưởng đến chất lượng tuyến đường này.
Dù Sở GTVT Hà Nội thông báo và cắm biển cấm, song hàng loạt xe tải, ô tô khách vẫn phớt lờ di chuyển vào đường Lê Đức Thọ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), nơi có làn đường đua F1 gây ảnh hưởng đến chất lượng tuyến đường này.
Biển cấm có như không
Đường đua F1 cơ bản đã được hoàn thiện dọc đường Lê Đức Thọ, tại khu vực trước sân vận động Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Làn đường dành cho môn thể thao tốc độ cũng được phân tách, cắm biển cấm ô tô khách, xe tải di chuyển qua để đảm bảo chất lượng mặt đường chuẩn bị tổ chức cho giải đua vào thời gian tới. Tuy nhiên, theo ghi nhận PV Báo Giao thông, hàng loạt phương tiện bất chấp lệnh cấm vẫn di chuyển vào tuyến đường này.
Cụ thể, lúc 12h30 trưa 2/3, trên quãng đường di chuyển về hướng Đại lộ Thăng Long, đến gần khu vực sân vận động Mỹ Đình, PV Báo Giao thông vẫn chứng kiến hai chiếc xe container BKS: 15R-026.40, 15C-184.89 nối đuôi nhau lưu thông trên cung đường F1.
Hàng chục xe bồn BKS 29LD-024.68, 29H-093.21… cũng rầm rập lưu thông từ đường gom Đại lộ Thăng Long qua đường Châu Văn Liêm rồi vắt ngang tuyến đường Lê Quang Đạo để vận chuyển bê tông trộn vào phục vụ công trường dự án Golden Palace.
Đáng nói, dù các hành vi vi phạm diễn ra thường xuyên trên đường đua F1, song PV gần như không thấy bất kỳ lực lượng chức năng nào có mặt để xử lý.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng tuyến đường đua F1, Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện cắm biển cấm các loại xe khách, xe hợp đồng (trên 9 chỗ ngồi), xe tải chở hàng từ 500kg trở lên ở đầu các tuyến đường Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm).
Thời gian cấm từ ngày 10/2 đến hết ngày 26/3.
“Sau khi nhận được phản ánh của các đơn vị thi công tuyến đường, chúng tôi đã yêu cầu các lực lượng phối kết hợp xử phạt nghiêm các phương tiện vi phạm để đảm bảo kết cấu đường đua”, ông Tuấn nói.
Ông Lê Xuân Tiến, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, đã yêu cầu Đội TTGT quận Nam Từ Liêm hàng ngày cắt cử tổ công tác theo 3 ca trực, thậm chí trực 24/24h nếu các phương tiện vi phạm nhiều gây ảnh hưởng đến đường đua.
“Chúng tôi tăng cường kiểm tra các xe quá khổ, quá tải lưu thông trên tuyến, riêng các xe phục vụ thi công đường đua phải có phù hiệu riêng, đảm bảo an toàn kỹ thuật mới được vào đường cấm. Với các xe lần đầu từ tỉnh xa đến, chưa nắm được biển cấm sẽ được đơn vị tuyên truyền, vận động, nhắc nhở là chính”, ông Hoàng Ngọc Đức - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Nam Từ Liêm nói và khẳng định, lực lượng Thanh tra sẽ tăng cường phối hợp với Đội CSGT số 6, Công an TP Hà Nội, triển khai các phương án, tăng thời gian tuần tra, kiểm tra, xử lý.
Chất lượng đường đua ảnh hưởng thế nào?
“
Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix (đơn vị chịu trách nhiệm thi công đường đua F1) cho biết, rất nhiều phương tiện lưu thông trái phép qua tuyến đường F1, đặc biệt là xe tải trọng lớn. Trung bình 2 phút lại có 1 phương tiện vi phạm. Thậm chí một vài lái xe của phương tiện vi phạm còn có lời lẽ và hành động đe dọa đến lực lượng bảo vệ khi được nhắc nhở trong khi lực lượng bảo vệ không có đủ chức năng và quyền hạn để xử lý các vi phạm nêu trên.
”
Việc xe tải đi vào đường đua F1 ảnh hưởng thế nào đến chất lượng mặt đường?
Trả lời câu hỏi này, đại diện Vietnam Grand Prix Company (VGPC) - đơn vị tổ chức giải đua tại Việt Nam cho biết, đường đua F1 Hà Nội là đường đua theo tiêu chuẩn Grade 1 - tiêu chuẩn cao nhất cho đường đua Công thức 1 với các yêu cầu rất cao và chặt chẽ về mặt kỹ thuật. Các đoạn đường được trải 3 lớp nhựa asphalt đặc chủng được sản xuất chuyên biệt, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về độ ma sát và độ mịn. Hiện nay, mặt đường đua đã được hoàn thiện và sẵn sàng cho chặng đua.
Tuy nhiên, khi các phương tiện có chất lượng không ổn định lưu thông trên đường đua có thể xảy ra hiện tượng rò rỉ dầu mỡ lên mặt đường, làm thay đổi tính chất của lớp nhựa asphalt, làm mất hoặc giảm kết dính và dẫn đến việc bung, bật, bắn đá cốt liệu mặt đường trong quá trình diễn ra chặng đua.
“Với những chiếc xe F1, tốc độ cao nhất khi tham gia chặng đua có thể lên tới 335km/h, việc bung bật, bắn đá cốt liệu sẽ gây nguy hiểm rất lớn cho tay đua cũng như người xem hai bên đường. Việc kiểm soát và sửa chữa mặt đường khi rò rỉ dầu cũng rất mất thời gian và chi phí”, vị này nói và chia sẻ thêm, việc các xe trọng tải nặng dừng đỗ hoặc quay đầu trên mặt đường có thể tạo ra tác động xô dồn hư hỏng bề mặt, ảnh hưởng lớn đến kết cấu mặt đường đua.
Theo đại diện VGPC, việc đảm bảo chất lượng mặt đường đua F1 cần được thực hiện triệt để nhằm đảm bảo sự an toàn của các tay đua và người xem trong quá trình diễn ra chặng đua, cũng như sự thành công của chặng đua, thể hiện năng lực, sự tự hào của Việt Nam trong việc tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế.
“VGPC mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa việc tuyên truyền và kiểm soát việc phân luồng hạn chế giao thông trên các tuyến đường Lê Quang Đạo và Lê Đức Thọ. Đồng thời thường xuyên có mặt trên các tuyến đường này để nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm, hạn chế tối đa việc tạo ra những ảnh hưởng lên mặt đường đua”, vị đại diện cho hay.