Gạo đây, từ Triệu Phong!
Ngày 30/8/2021, anh Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị) nhắn rủ tôi xuống xã Triệu Tài chia vui với nông dân Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong trong ngày 'mở đồng' thu hoạch lúa. Lúa vụ hè thu năm nay của bà con năng suất đạt 7 tấn lúa tươi/ha, tương đương 5 tấn lúa khô/ ha. Công ty thu mua cho bà con giá 10.000 đồng/kg tại ruộng. Vậy là nông dân đã thu được 70 triệu đồng/ha sau 3 tháng chăm trồng. Trong những ngày bức bối vì COVID-19 bủa vây, có thông tin nào tốt lành và mang nhiều hy vọng hơn thế?
Muốn đi xa nên đi cùng nhau
Câu chuyện chung tay làm nên sản phẩm “Gạo sạch Triệu Phong” của anh Hồ Xuân Hiếu, bắt đầu từ những lần…đi chợ. Anh chia sẻ với chúng tôi rằng, mỗi lần có dịp đi chợ, ghé hàng bán gạo, anh hay chăm chú nhìn những thúng gạo vun có ngọn, đặt san sát bên nhau, trên mỗi thúng có gắn miếng bìa ghi giá cả rõ ràng. Điều đáng nói là chỉ màu sắc hạt gạo có hơi khác nhau, từ màu trắng đục ngả sang màu trắng ngà (trừ những loại gạo dầm, de… có màu đặc trưng) hoặc thân hạt gạo có dài, mập tí chút, nhưng giá cả thì “một trời một vực”, có loại chỉ 10.000 đồng/kg, nhưng có loại lên đến trên 50.000 đồng/kg. Cũng là gạo ăn cả thôi mà giá bán ra lại chênh nhau đến 5 lần, một hiện tượng mà trong kinh doanh trên thương trường đối với một mặt hàng là rất ít khi gặp. Vương vấn câu hỏi tại sao, với sự sắc nhạy của một người làm kinh doanh, anh Hiếu không khó để có thể tìm ngay được câu trả lời, đó là chất lượng đi đôi với danh tiếng. Loại gạo nào có chất lượng và danh tiếng đã được khẳng định trên thị trường, gạo đó sẽ có giá cao mà người mua phải chấp nhận. Vậy thôi.
Là một doanh nhân dày dạn trên thương trường, nhận thấy vùng đồng bằng Quảng Trị là nơi mà người nông dân có trình độ thâm canh lúa rất cao, anh Hồ Xuân Hiếu đã phác thảo nhanh một kế hoạch hợp tác, liên kết để sản xuất lúa theo chuỗi, từ trồng trọt đến chế biến, tiêu thụ. Nhưng vấn đề đặt ra là lúa phải được canh tác tự nhiên, làm ra hạt gạo chất lượng cao, có danh tiếng trên thị trường trong nước và xuất khẩu mới mong thu lại hiệu quả kinh tế. Lâu nay, Tổng Công ty Thương mại Quảng luôn sản xuất, kinh doanh gắn liền với những sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Quảng Trị, có nhiều hoạt động gắn bó với người dân nông thôn, được bà con từ vùng đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa biết đến, ghi nhận. “Từ trồng trọt đến chăn nuôi, nếu đảm bảo đầu ra cho nông dân, doanh nghiệp thu mua tốt thì sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện thu nhập cho người dân. Hoạt động của công ty chủ yếu là thu mua nông sản để chế biến và xuất khẩu, đã giúp nông dân trong tỉnh tiêu thụ sản phẩm, tạo sinh kế bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo”, anh Hiếu chia sẻ.
Kinh tế phát triển, bữa cơm của người Việt thay đổi dần từ bữa ăn no sang bữa ăn dinh dưỡng. Theo một số liệu thống kê cho thấy, lượng tiêu thụ gạo bình quân của người Việt Nam đã giảm từ 145 kg gạo/người/năm trước đây nay chỉ còn khoảng 100 kg và sẽ tiến dần đến mức như của Hàn Quốc, Nhật Bản là khoảng 65 - 70 kg/người/năm trong vài năm tới. Điều đáng nói là nguyên liệu của những bữa tiệc sang trọng đến bữa ăn hằng ngày (nhất là ở châu Á) đều thường từ gạo, cá, thịt, rau… Vấn đề là cá, thịt được nuôi, gạo, rau được trồng một cách rất khác, thân thiện với thiên nhiên, ngon, bổ dưỡng và rất an toàn. Như vậy, việc sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên như tại Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong là sự phát triển đúng với xu thế sản xuất lúa gạo thông minh của thế giới; qua sự chế biến, phân phối của Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị, chắc chắn gạo sạch Triệu Phong sẽ được đưa đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, nhiều hơn, xa hơn…
Vào một ngày đẹp trời cách đây hơn một năm, anh Hiếu rủ tôi về Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên (NSS CTTN) Triệu Phong, có địa chỉ tại thôn An Hưng, xã Triệu Tài, Triệu Phong để khởi đầu một sự liên kết, hợp tác giữa một bên là doanh nghiệp có tiếng tăm của Quảng Trị, một bên là hợp tác xã sản xuất lúa vào hàng “đẳng cấp cao”, nổi tiếng ở vùng đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng. Hợp tác xã NSS CTTN Triệu Phong là đơn vị có bề dày kinh nghiệm sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên. Sản phẩm gạo của hợp tác xã đã được chứng nhận sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên, đạt tiêu chuẩn “Nông nghiệp hữu cơ quốc gia TCVN 11041-2:2017” nhiều năm; đã từng đoạt giải Nhất công nghệ phù hợp, thân thiện với môi trường tại Hội nghị Quốc tế Seoul, Hàn Quốc năm 2017; sản phẩm đạt 4 sao OCOP tỉnh Quảng Trị. “Gạo sạch Triệu Phong” là sản phẩm của dự án “Phát triển chuỗi giá trị nông sản sạch” tại huyện Triệu Phong do tổ chức Tầm nhìn Thế giới và tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.
Quá trình hợp tác của cả hai bên bắt đầu từ việc tập trung chăm lo cho cây lúa. Từ việc dùng cơm nguội để bẫy vi sinh vật bản địa lên nuôi cấy, sau đó phun lên các giá thể như bèo, các loại phân chuồng để làm phân vi sinh bón lúa; ngâm cá với đường để chiết nước ra làm đạm phun cho lúa; ngâm tỏi, ớt, gừng… để chiết ra nước, phun chống côn trùng thay thuốc trừ sâu; ngâm trái cây lên men để lấy nước phun cho lúa thay khoáng chất…
Vụ đông xuân 2020-2021, hai bên liên kết sản xuất trên diện tích 10 ha với loại giống HN6. Kết quả là năng suất đã đạt đến 5,5 tấn lúa khô/ha. Công ty thu mua lúa của dân giá 11.000 đồng/kg tại ruộng. Sau khi nhận thấy chất lượng lúa tốt, xứng đáng bán được giá cao, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đã đẩy mạnh liên kết với hợp tác xã để tạo chuỗi giá trị gia tăng cho gạo sạch Triệu Phong theo phương thức nông dân trồng lúa đảm bảo kỹ thuật như cam kết, vào mùa thu hoạch, công ty thu mua tại ruộng và tiến hành sấy, chế biến, bảo quản đạt chuẩn, cùng với đó là quảng bá, tiếp thị, thiết kế lại bao bì, mở rộng khâu phân phối để bán ra thị trường… Vụ mùa khởi đầu sự hợp tác này, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đã bán được 20 tấn gạo với giá bán lẻ trên thị trường toàn quốc là 36.000 đồng/kg.
Vụ hè thu 2021, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị và Hợp tác xã NSS CTTN Triệu Phong liên kết trồng thử nghiệm 6 ha lúa giống ST 25 (loại gạo ngon nhất thế giới). Công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm với dự kiến 35 tấn lúa tươi giống ST 25, nếu lúa không đạt do mất mùa, mất mát, công ty sẽ hỗ trợ chi phí 50%.
Ngày 30/8/2021, nông dân hợp tác xã đã xuống đồng thu hoạch lúa, năng suất đạt 7 tấn lúa tươi/ha, tương đương 5 tấn lúa khô/ ha. Công ty thu mua cho bà con giá 10.000 đồng/kg tại ruộng. Vị chi sau 3 tháng, nông dân thu được 70 triệu đồng/ha nên rất phấn khởi. Anh Hiếu cho biết, vụ đông xuân 2021- 2022 sự hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến gạo sạch sẽ được công ty mở rộng, dự kiến ở huyện Triệu Phong 20 ha và huyện Hải Lăng 50 ha với hai loại giống chủ lực, chất lượng cao là ST 24, ST 25.
“Làm lúa bây giờ nông dân có nhàn hơn nhưng với doanh nghiệp là phải có sự đầu tư nhiều hơn, tính toán kỹ hơn, trách nhiệm hơn. Lúa vừa chín tới là phải thu hoạch ngay, sau đó đưa vào sấy với thiết bị sấy hiện đại, luôn giữ nhiệt độ sấy khoảng 50 độ C để hạt lúa khô từ từ. Công đoạn tiếp theo là làm nguội, đóng bao, bảo quản trong kho lạnh với nhiệt độ không quá 35 độ C, mùa đông duy trì ẩm độ không quá 80% để giữ được chất lượng hạt gạo. Khi có đơn hàng mới đem đi xay xát, đóng gói bao bì, xuất bán. Gạo bán hết đến đâu, lúa xay đến đó và giữ nguyên cám (không đánh bóng hạt gạo) để đảm bảo gạo đến tay khách hàng luôn tươi, ngon, giàu dưỡng chất…”, anh Hiếu bộc bạch.
Khơi thông ba “điểm nghẽn” để hợp tác thành công
Anh Hồ Xuân Hiếu phân tích: “Quá trình hợp tác, liên kết với hợp tác xã, chúng tôi đã phát hiện ra ba “điểm nghẽn” và đã nỗ lực để khắc phục nhằm khơi thông quá trình “nâng tầm” hạt gạo sạch Triệu Phong. “Điểm nghẽn” thứ nhất là phải đảm bảo nguồn phân hữu cơ. Công ty sẽ sản xuất phân hữu cơ để cung cấp cho nông dân trồng lúa hữu cơ bằng phương pháp dùng cơm nguội bẫy vi sinh vật bản địa, sau đó nuôi cấy, phun phân bò, phân gà lên, cung cấp ôxy rồi đảo trộn liên tục để đạt chuẩn.
Công đoạn tiếp theo là sàng nén viên, đóng gói, đem đi bón trên đồng ruộng với định mức 4 tấn/ha, giá 3 triệu đồng/tấn, giao tại ruộng cho nông dân. “Điểm nghẽn” thứ hai là phun chế phẩm. Áp dụng mô hình sản xuất lúa canh tác tự nhiên, nông dân sẽ tốn khá nhiều công chăm sóc vì chỉ tính riêng việc phun chế phẩm bảo vệ thực vật (BVTV) đã phải tiến hành 7 - 8 lần/vụ. Để giảm thiểu công việc nặng nhọc này, vụ mùa tới, công ty sẽ ứng dụng khoảng 10 thiết bị bay (còn gọi là drone) để phun chế phẩm BVTV trên toàn bộ diện tích lúa. Với drone, công suất phun tối thiểu sẽ đạt 16 ha/ngày, tối đa 20 ha/ngày.
Thực tế sản xuất ở nhiều nơi cho thấy, công nghệ này đã đem lại nhiều lợi ích, không chỉ tiết kiệm được chi phí, sức lao động, đẩy nhanh tiến độ phun chế phẩm chăm sóc lúa mà quan trọng hơn là góp phần bảo vệ sức khỏe người nông dân. Đưa drone vào đồng ruộng sẽ góp phần phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho nông dân. Giải quyết “điểm nghẽn” thứ ba là công ty sẽ hỗ trợ người dân cấy lúa thay cho cách thức sạ như trước đây. Nhược điểm của sạ lúa là khi sạ phải tháo nước từ ruộng ra, theo đó các dưỡng chất có trong đất cũng bị hao hụt đi rất nhiều. Sạ không đều cũng là một bất cập khó khắc phục, do đó nông dân phải mất thêm công tỉa dặm. Sau dặm, do lượng nước giữ trong chân ruộng ở mức thấp nên ốc bươu thường phát triển, cắn phá, gây hại. Giải pháp khắc phục những nhược điểm trên là công ty sẽ hỗ trợ cho nông dân bắc mạ từ giá thể trên nền bê tông sạch và đưa máy cấy về đồng ruộng để cấy lúa, đảm bảo cây lúa chắc, khỏe ngay từ khi bám ruộng”.
Để đảm bảo công tác “hậu cần” vững chắc cho gạo sạch Triệu Phong, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đang hoàn thiện các công đoạn theo chuỗi, từ lập xưởng sản xuất phân bón, chế phẩm sinh học, hệ thống sấy lúa, xay xát gạo, kho bảo quản, triển khai hệ thống siêu thị bán lẻ linh hoạt, rộng khắp để đưa sản phẩm gạo sạch của Triệu Phong, Quảng Trị đến được tận bếp ăn của người tiêu dùng gần xa với chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý nhất.
Định hướng của tỉnh Quảng Trị trong những năm tới là phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hóa; phát triển các hình thức liên kết hợp tác, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. Sản lượng lương thực có hạt ổn định 25 - 26 vạn tấn/năm; diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao bình quân hằng năm đạt trên 80% tổng diện tích gieo trồng lúa, trong đó diện tích lúa sản xuất theo cánh đồng lớn, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, có chứng nhận, có liên kết đạt 11.000 - 12.000 ha.
Điều đó cho thấy việc liên kết hợp tác giữa Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị và Hợp tác xã NSS CTTN Triệu Phong là bước đi đúng hướng, mở ra nhiều triển vọng khả quan cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng lúa. Đó cũng là một cách để từng bước thoát khỏi kiểu làm nông “chi phí cao, chất lượng kém” vốn khá phổ biến hiện nay và người trồng lúa cũng sẽ không còn cần đến sự giải cứu như là một giải pháp tình thế khi “được mùa, mất giá”.
Để trong tương lai gần, lời chào hàng: “Gạo đây, từ Triệu Phong!” sẽ có sức thu hút mạnh mẽ, ghi được dấu ấn cũng như sự quan tâm đối với người tiêu dùng trong nước, quốc tế và ngày càng vươn cao, đi xa…