Gạo hữu cơ Hưng Phúc: Tinh hoa xứ Thanh trên quê hương Bà Triệu
Những năm gần đây việc sản xuất lúa gạo trên địa bàn huyện Yên Định nói chung, xã Định Tiến nói riêng có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả nổi bật. Đây là địa phương luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh Thanh Hóa cả về năng suất, sản lượng, chất lượng, chủng loại, quy mô sản xuất, trong đó có sản phẩm gạo hữu cơ Quan Yên (hiện đã đổi tên thành gạo Hưng Phúc) được người tiêu dùng đánh giá cao. Sản phẩm này vừa được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Sản phẩm gạo hữu cơ Quan Yên (nay là gạo Hưng Phúc) được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Đây là sản phẩm của chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản theo hình thức liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà kinh doanh) và là mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ đầu tiên trong tỉnh do HTX đứng ra thực hiện.
Sản phẩm gạo hữu cơ Hưng Phúc được sản xuất theo nguyên tắc “5 không”: Không chất bảo quản; không chất tạo mùi; không phân bón hóa học; không thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng giống chuyển gen.
Quy trình sản xuất gạo tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn nên sản phẩm có năng suất không quá cao, nhưng đổi lại có hàm lượng dinh dưỡng cao, đảm bảo an toàn và có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Điện năng xã Định Tiến Nguyễn Văn Quý cho biết: Từ thực tế sản xuất và đứng trước những yêu cầu ngày càng cao về sản xuất lúa gạo chất lượng, giá trị và giá trị tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, đầu năm 2020, HTX Dịch vụ Nông nghiêp và Điện năng xã Định Tiến đã thử nghiệm mô hình sản xuất lúa, gạo theo quy trình Oganic nhằm tạo ra sản phẩm được trồng mà không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học và đạt được kết quả bước đầu.
Khi mới triển khai còn gặp một số khó khăn do bà con chưa quen với cách thức canh tác mới, năng suất của lúa hữu cơ cũng không cao như lúa vô cơ. Tuy nhiên, từ thành công của những vụ lúa đầu tiên và nhận thấy những lợi ích về sức khỏe, môi trường của việc sản xuất theo hướng hữu cơ, nhận thức sản xuất của nông dân từ đó đã có nhiều đổi thay. Giá trị của sản phẩm đang trở thành tiêu chí để những thành viên HTX đánh giá và cũng là cơ sở để HTX vận động nông dân liên kết, chuyển đổi theo hướng sản xuất hữu cơ.
Từ thành công của việc triển khai thử nghiệm mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ tại thôn Quan Yên trên diện tích 1 ha với giống lúa J02 thành công, HTX đã mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất với diện tích 10 ha ở vụ xuân và vụ mùa năm 2021 với những quy trình nghiêm ngặt, từ vấn đề về giống, gieo mạ, phân bón, quản lý dịch, kiểm soát nước và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học.
Hiện sản phẩm gạo hữu cơ Hưng Phúc đã được Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap, được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm vấn đề về mẫu mã, bao bì, quảng bá và tiếp cận thị trường.
Chủ tịch UBND xã Định Tiến Nguyễn Ngọc Thúy cho biết: Xuất phát từ xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng và những kết quả bước đầu gặt hái được từ mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ của HTX Dịch vụ Nông nghiêp và Điện năng xã Định Tiến, thời gian tới xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, phấn đấu đến năm 2025 Định Tiến trở thành vùng sản xuất gạo hữu cơ của huyện Yên Định.
Được biết, huyện Yên Định đã xây dựng bản đồ khu vực địa lý vùng mang nhãn hiệu gạo Hưng Phúc với kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất lên 300 ha tại 12 xã, thị trấn sản xuất lúa trọng điểm của huyện.