'Gạo ngon nhất thế giới' của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào EU
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gạo ST24 và ST25 chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường EU. Theo đánh giá, đây là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng đối với các loại gạo thơm, gạo hữu cơ và gạo có giá trị gia tăng cao của Việt Nam
Theo thông tin, giống gạo ST25, từng đoạt danh hiệu "gạo ngon nhất thế giới" do tổ chức The Rice Trade tổ chức, đã được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Cùng với ST25, giống gạo ST24 cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU. Các biện pháp này là kết quả của cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Trước khi 2 giống gạo ST24 và ST25 được hưởng ưu đãi vào thị trường này, Việt Nam có 9 giống gạo cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang EU, bao gồm: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM4900, OM5451 và Tài Nguyên Chợ Đào. Đây là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường đầy tiềm năng này.
Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt gần 6,42 triệu tấn gạo với trị giá 3,54 tỷ USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 35,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 551 USD/tấn, tăng 16,8% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu gạo sang châu Âu chiếm 1,6% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Về cơ cấu thị trường, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ - Bộ Công Thương thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, Đức là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong khối EU với sản lượng gần 12.500 tấn, trị giá gần 9,3 triệu USD; tăng 33% về lượng và 21% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng ở mức 3 - 4 con số như: Bồ Đào Nha tăng 1.467%, Hungary tăng 704%, Tây Ban Nha tăng 252%, Bỉ tăng 210%, Slovakia tăng 192%...
Các chuyên gia cho rằng, với kết quả như hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU có thể đạt khoảng 100.000 tấn, con số cao nhất từ trước đến nay và vượt hạn ngạch Hiệp định EVFTA. Sản lượng này tuy không lớn, nhưng đã mở ra thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng đối với các loại gạo thơm, gạo hữu cơ và gạo có giá trị gia tăng cao của Việt Nam.
Sau 2 tuần đứng im, giá gạo xuất khẩu thế giới đã tăng mạnh trở lại
Cụ thể, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu của các nhà cung cấp lớn là Việt Nam và Thái Lan đều có sự điều chỉnh tăng.
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan được điều chỉnh tăng từ 2 - 20 USD/tấn so với thời điểm 8/12 vừa qua. Trong đó gạo 5% tấm tăng mạnh 20 USD, lên 643 USD/tấn; gạo 25% tấm tăng 13 USD, lên 581 USD/tấn; gạo 100% tăng nhẹ 2 USD, lên mức 486 USD/tấn.
Tương tự, gạo 5% tấm của Việt Nam cũng được điều chỉnh tăng nhẹ 5 USD/tấn, lên 663 USD/tấn sau khi giảm vào tuần trước. Các loại gạo 25% tấm và 100% tấm vẫn giữ vững giá. Dù mức tăng thấp hơn Thái Lan nhưng Việt Nam vẫn giữ được mức giá xuất khẩu cao nhất thế giới.
Trong các nguồn cung lớn, chỉ riêng gạo của Pakistan giảm nhẹ 5 USD, từ mốc 598 USD/tấn xuống còn 593 USD/tấn.
Nguyên nhân khiến giá gạo ‘nóng’ trở lại được cho là bắt nguồn từ nhu cầu của các quốc gia trên thế giới đang tăng mạnh trong khi nguồn cung ngày càng thu hẹp.