Gáo nước lạnh của Saudi Arabia đối với Mỹ
Tiết lộ mới của Saudi Arabia về việc chính quyền Biden nhờ nước này trì hoãn quyết định giảm sản lượng dầu thêm một tháng đã khiến quan hệ hai bên ngày càng căng thẳng.
Saudi Arabia và Mỹ hôm 13/10 đã công khai đưa ra những cáo buộc nhằm vào nhau, sau hơn một tuần OPEC thông báo quyết định cắt giảm sản lượng dầu từ tháng 11, bất chấp sự phản đối của Washington.
"Tổng thống Joe Biden tin rằng chúng ta nên đánh giá lại mối quan hệ song phương với Saudi Arabia và xem xét liệu mối quan hệ đó có phải là điều cần thiết phục vụ cho lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta hay không", Guardian dẫn lời người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby vào ngày 11/10.
Ông nói thêm rằng việc đánh giá lại quan hệ với Saudi Arabia "dựa trên quyết định gần đây của OPEC và lãnh đạo Saudi Arabia".
Hôm 13/10, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đáp trả bằng một tuyên bố bất thường, cáo buộc Mỹ bóp méo sự thật và cho biết Nhà Trắng đã nhờ nước này tác động, hoãn quyết định giảm sản lượng dầu thêm một tháng nữa.
Động thái này báo hiệu mối quan hệ ngày càng rạn nứt giữa hai nước kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, theo New York Times.
Tranh cãi nổ ra
Tuyên bố mới từ phía Saudi Arabia cho thấy rằng các hành động của Nhà Trắng dường như được cân nhắc một phần dựa trên mục tiêu chính trị ngắn hạn, thay vì hoàn toàn cố gắng cắt giảm khoản lợi nhuận Nga thu được từ dầu khí.
AP cho biết một tuyên bố do Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đưa ra không đề cập cụ thể tới cuộc bầu cử ngày 8/11 của Mỹ, tuy nhiên, tài liệu này nói Mỹ đã "đề xuất" hoãn việc cắt giảm sản lượng thêm một tháng nữa.
Theo AP, nếu OPEC trì hoãn quyết định thêm một tháng, điều đó sẽ giúp tránh kịch bản giá nhiên liệu tăng cao đúng giai đoạn quan trọng của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, khi chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Biden đang gặp áp lực lớn.
Tuy nhiên, Saudi Arabia nói rằng họ đã bỏ qua yêu cầu từ phía Mỹ vì lo sợ rằng sự chậm trễ đó "sẽ gây ra những hậu quả kinh tế tiêu cực". Nhà Trắng ngay sau đó đã bày tỏ sự phản đối và đưa ra hàng loạt cáo buộc mới.
“Bộ Ngoại giao Saudi Arabia có thể cố gắng xoay chuyển hoặc làm chệch hướng dư luận, nhưng sự thật rất đơn giản”, ông John Kirby cho biết.
“Chúng tôi đang đánh giá lại mối quan hệ với Saudi Arabia dựa trên động thái này. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm những dấu hiệu để xác định họ đứng ở vị trí nào trong nỗ lực chống lại xung đột ở Ukraine”, ông nói.
Những cáo buộc đã làm dấy lên một mức độ căng thẳng mới giữa các đối tác về dầu mỏ.
Trước đó, mối quan hệ hai bên đã rạn nứt vì vấn đề nhân quyền liên quan tới vụ án Jamal Khashoggi, nhà báo bị sát hại 4 năm trước. Các nhà lãnh đạo Vùng Vịnh cũng thể hiện sự tức giận đối với hành động trong những ngày đầu cầm quyền của ông Biden.
Tổng thống Mỹ đã chấm dứt ủng hộ liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm chống lại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn trong nội chiến ở Yemen.
Việc ông Biden thúc đẩy thỏa thuận với Tehran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cũng khiến quan hệ Vùng Vịnh - Mỹ càng phức tạp. Riyadh lo lắng Washington đang chú ý quá ít đến việc phát triển tên lửa của Iran.
Ngược lại, đối với Mỹ, động thái mới đây của Saudi Arabia được mô tả là “phản bội”, một đòn chủ đích của đồng minh lâu năm trước những nỗ lực nhằm phản đối “chiến dịch quân sự" của Moscow.
Saudi Arabia sau đó đã bảo vệ quyết định của họ, nói rằng nó dựa trên kinh tế, không phải chính trị. Nước này cũng cho biết các chính sách của OPEC+ được đưa ra dựa trên sự đồng thuận giữa các thành viên, chứ không phải do Riyadh quyết.
Các nhà bình luận Saudi Arabia đã tỏ ra bối rối trước giả định của Mỹ rằng họ có thể ra quyết định cho chính sách dầu mỏ của khối.
Ý kiến của Washington không còn quan trọng như trước
Jim Krane, nhà nghiên cứu năng lượng tại Viện Baker của Đại học Rice (Mỹ), cho biết ông không nghĩ Saudi Arabia đang tìm cách giúp đỡ Nga, nhưng lợi ích của hai bên về vấn đề dầu mỏ có thể trùng lặp nhau.
Thái tử Mohammed bin Salman, nhà lãnh đạo trên thực tế của Saudi Arabia, đã công bố nhiều chương trình chi tiêu hàng trăm tỷ USD nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực dầu mỏ. Nước này đã lên kế hoạch khởi động các ngành công nghiệp mới và xây dựng một thành phố trên sa mạc trong tương lai.
Để làm được tất cả điều đó, Thái tử Mohammed sẽ cần nguồn lợi nhuận mà giá dầu cao mang lại, ông Krane nói.
Ông cho biết ưu tiên của OPEC trước đây là ổn định giá cả và duy trì nhu cầu dầu trong dài hạn. Trong những năm qua, thỏa thuận về giá cả có vẻ dễ chịu với mức 60-80 USD/thùng. Nhưng vào tuần trước, trong khi giá dầu gần chạm ngưỡng 100 USD/thùng, họ vẫn cắt giảm sản lượng thay vì tăng để đẩy giá lên.
“Sự ổn định đang phải nhường chỗ cho chính trị và lợi ích kinh tế”, ông Krane nói.
Tranh cãi bắt đầu nổ ra sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) tuyên bố vào ngày 5/10 rằng họ sẽ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày.
Quyết định này được đưa ra bất chấp những nỗ lực của các quan chức Nhà Trắng nhằm thuyết phục Saudi Arabia sử dụng ảnh hưởng của mình trong tổ chức để duy trì sản lượng ổn định.
Động thái này được công bố một ngày trước khi Liên minh châu Âu thông qua gói trừng phạt áp giá trần đối với dầu của Nga. Nó được nhiều người coi là làm suy yếu hiệu quả của lệnh trừng phạt.
Ông Biden cảnh báo rằng Saudi Arabia sẽ phải đối mặt với "hậu quả" nhưng không nêu chi tiết.
Một số thành viên Quốc hội Mỹ còn đi xa hơn, cáo buộc nước này đứng về phía Nga. Họ thậm chí đã thảo luận về luật cắt giảm bán vũ khí cho Riyadh hoặc kiện các thành viên OPEC+ để ấn định giá.
“Gần 73% vũ khí của Saudi Arabia là tới từ Mỹ. Nếu không có kỹ thuật viên của chúng ta, máy bay của họ không thể cất cánh. Và trên thực tế là toàn bộ không quân của họ dựa vào Mỹ”, Guardian dẫn lời Hạ nghị sĩ Mỹ Ro Khanna vào ngày 13/10.
Đồng tình, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal cho rằng Mỹ đang bán các công nghệ tiên tiến và nhạy cảm cho một nước đứng về phía Nga.
“Những thương vụ vẫn đang tiếp diễn này tạo ra mối đe dọa về an ninh quốc gia. Tôi hy vọng tổng thống sẽ hành động lập tức và thực thi thẩm quyền của mình đối với những thương vụ ấy”, ông Blumenthal nói.
Tuyên bố mới của Saudi Arabia hôm 13/10 đã "bác bỏ hoàn toàn" ý kiến cho rằng quyết định cắt giảm dầu có động cơ chính trị.
Nước này cho biết “bất kỳ nỗ lực nào nhằm bóp méo sự thật về lập trường của vương quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine đều không thích hợp”.
Trong khi đó, cùng ngày, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) đã mô tả việc cắt giảm vừa gây hại cho người tiêu dùng vì làm tăng giá năng lượng, vừa gây hại cho các nhà sản xuất vì làm suy yếu nhu cầu dài hạn.
Tại thời điểm lạm phát tràn lan và lãi suất tăng ở nhiều quốc gia, cơ quan này cho biết "giá dầu cao hơn có thể minh chứng cho điểm ngoặt của một nền kinh tế toàn cầu đang trên bờ vực suy thoái".
Sự phản đối của Saudi Arabia trước những chỉ trích của Mỹ cũng làm nổi bật con đường mới, độc lập hơn mà vương quốc này theo đuổi dưới thời Thái tử Mohammed.
Các nhà phân tích khu vực cho biết ý kiến của Washington không còn quan trọng như trước đây trong việc ra quyết định của Riyadh.
“Ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia Mỹ như thế nào là một trong số nhiều yếu tố mà ban lãnh đạo Saudi Arabia cân nhắc trước khi đưa ra kết luận, nhưng nó sẽ không mang tính chất quyết định”, Gerald M. Feierstein, thành viên tại Viện Trung Đông, viết trong phân tích được công bố vào hôm 13/10.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gao-nuoc-lanh-cua-saudi-arabia-doi-voi-my-post1365190.html