Gạo quê thương nhớ
Qua Thái Lan, qua Lào, tôi thường để ý, đến bữa, mọi người đều rủ nhau 'đi ăn cơm' chứ tuyệt nhiên không phân biệt đi ăn sáng, ăn trưa, ăn tối như một số nơi khác. Bạn bè gặp nhau lại thường hỏi: 'Ăn cơm chưa?' thay cho lời chào xã giao thân mật. Tôi cứ phân vân mãi, ở vào thời đại công nghiệp với sự xoay vần con người trong cõi mưu sinh đến chóng mặt, cả thế giới có thể gom lại, biểu đạt ngay trên một bàn ăn, sao bữa cơm thuần khiết lại được mọi người nhắc nhớ với tất cả sự trân trọng và trìu mến đến vậy?
Hạt ngọc của trời
Tôi từng có dịp đi qua vùng đất Nam Lào bắt đầu từ Seno, một thị xã nhỏ nằm ở ngã tư đường 13 cắt ngang Quốc lộ 9 theo hướng Đông Tây, nối Savannakhet (Lào) với Đông Hà (Quảng Trị). Từ Seno có thể đi về phía Bắc tới Vientiane và Luang Prabang, về phía Nam tới Phnom Penh (Campuchia), về phía Tây tới Bangkok (Thái Lan) và về phía Đông tới Thái Bình Dương. Người Pháp cho rằng Seno là trung tâm của xứ Đông Dương thuộc địa nên họ lấy 4 chữ cái đầu của 4 từ Đông, Tây, Nam, Bắc (Est, Occident, Sud, Nord) trong tiếng Pháp ghép lại thành một từ đặt tên cho địa phương này. Seno là nơi giao lưu bốn phương nên rất sầm uất, sản vật dồi dào. Thị xã này là trung tâm thương mại và giao lưu quốc tế của tỉnh Savannakhet. Đến Seno, du khách đã có thể thưởng thức “tinh hoa ẩm thực” của nước bạn Lào, trong đó nổi tiếng nhất vẫn là sự kết hợp giữa xôi và gà nướng. Các món Lào khá đơn giản nhưng đa dạng không kém các quốc gia trong khu vực, như tính cách người Lào luôn hồn hậu nhưng sâu sắc, thủy chung.
Thực đơn quen thuộc của du khách khi đến Lào thường là gà nướng, lạp, lạp xưởng, thịt heo, thịt dê nướng, cá hấp lá chuối, gà (cá) nấu me, rau luộc, rau sống, cơm (xôi)… Nếu muốn đổi món, du khách có thể thưởng thức sườn nướng, nem chua cá thịt. Hồi tôi có dịp lên cố đô Luang Prabang (di sản văn hóa thế giới của Lào), ấn tượng nhất vẫn là khu chợ đêm ẩm thực nằm trên một con hẻm trên đường Sisavangvong, nhóm họp từ khoảng 5 giờ chiều và kết thúc vào khoảng 21 giờ 30 tối. Nơi đây có lẽ là chốn cung cấp những món ăn tối cho cư dân trong vùng nên khá tấp nập. Thực đơn chủ lực nhất vẫn là đùi gà nướng, thịt heo nướng xiên que, cá nướng muối ăn với xôi, cơm. Thực khách cũng có thể chọn cơm chay với nhiều loại rau, quả hấp, luộc, xào rất hấp dẫn. Chợ Luang Prabang có bán món xôi nếp đập dẹp cắm vào que tre, nhìn xa giống như que chuối nướng. Người bán thường nhúng qua xôi nếp vào trứng gà hoặc rưới nước gia vị rồi nướng lên bán cho thực khách. Người Lào đặc biệt thích ăn gạo nếp. Sau khi nấu chín, người ăn sẽ nắm cơm thành từng viên nhỏ, sau đó chấm vào nước chấm riêng và dùng tay để ăn. Cách ăn mộc mạc này, theo người dân Lào, người ăn mới cảm nhận được hết hương thơm và vị ngọt tự nhiên của từng hạt gạo.
Qua Nam Lào, khi dừng chân ở Pakse, tỉnh lị của tỉnh Champassak, một thành phố nên thơ nằm ở ngã ba sông Mê Kông và sông Sedon có khá nhiều chùa chiền và những cây cầu xinh đẹp, nép mình dưới bóng núi, sau khi tham quan di sản văn hóa thế giới Vat Phou, thác Khone Phapheng kì vĩ, chúng tôi có dịp thưởng thức món thịt dê ăn với lạp, nộm và mắm padek cay xé lưỡi ngay bên vỉa hè đông người qua. Nhịp sống chậm rãi của người Lào len lõi trong từng cách thức phục vụ. Lâu lâu từng món một mới được bưng ra, dù lượng bia Lào đưa đẩy câu chuyện của thực khách đã vơi đi nhiều. Mãi không bao giờ quên buổi chiều tà, ngồi trong nhà hàng nổi Hưu phe ở Pakse, trên sông Mê Kông dập dềnh con nước, nhìn ra xa xa, xóm làng đang lịm dần trong ánh hoàng hôn, sương khói vương vấn. Trên bàn, món sindat trứ danh “nướng trên, lẩu dưới” đang vào độ ngon đậm đà. Mùi nếp mới từ những cánh đồng vừa gặt xong dọc triền sông Mê Kông ùa vào tỏa một mùi thơm thương mến.
Cũng như mới hôm qua đấy thôi, ở một bản nhỏ bên kia sông Mê Kông mùa nước ròng, tôi có dịp vào lễ cầu mùa của nông dân Thái Lan. Trong danh sách hơn 12 loại nông sản chủ lực được Chính phủ Thái đầu tư phân vùng canh tác để đem lại giá trị cao, chỉ có cây lúa mới được vinh danh bằng một lễ cầu mùa trang trọng. Trong tín ngưỡng chung của cư dân lúa nước, có thờ Mẹ Lúa, Thần Lúa, người Thái gọi là Mae Phosop và xung quanh vị thần coi sóc lúa gạo từ lúc vào vụ đến khi thu hoạch là cả một chuỗi nghi lễ rất thành kính. Người Thái Lan quan niệm bữa ăn là sự giao tiếp thân mật với mọi người. Món ăn Thái Lan mang nhiều hương vị khác nhau. Sự hòa trộn tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống đã tạo nên những phong cách chế biến đặc biệt. Người Thái nấu gạo, nếp bằng nhiều cách, ra được cơm tẻ (khao suổi), xôi (khao niểu), cháo (chôôc) và ăn cơm bằng dĩa với thìa, ít khi dùng bát. “Nữa hay thôi?” là câu hỏi vương vấn cái tình với hạt gạo khi người phục vụ thấy dĩa cơm của thực khách cơ chừng vơi đi ít nhiều. Nếu muốn ăn thêm cơm, thì sẽ có người thêm cho một vài thìa nữa, còn không ăn thì chỉ cần lắc khẽ cái đầu là đã hiểu nhau rồi. Người Thái xem gạo là ngọc của trời nên không thể phung phí, dù chỉ một hạt!
Vào một ngày ra giêng cách nay đã xa, tôi có dịp dự hội mùa, hội mừng vía lúa (bun khun khâu) tại nhà một đồng nghiệp ở Savannakhet, Lào. Điều đặc biệt là bun khun khâu không tổ chức đồng nhất trong một ngày của toàn bản mà do từng gia đình, ai gặt xong trước làm trước, ai gặt xong sau, làm sau nhưng không được vượt qua tháng hai theo lịch Lào. Ấn tượng nhất là khi các xe bò và đoàn gồng gánh lần lượt về bản, thóc được đổ vào kho mỗi lúc một đầy, chủ nhân đem cái hình nộm “nàng thóc” dựng lên đỉnh kho thóc làm thần hộ mệnh giữ thóc và cầu nguyện luôn được trời ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Khi tôi gửi lời chúc trước kho thóc đầy: “kin bò book, trok bò siêng” (ăn không vơi, đong không đầy), mọi người trong bản bắt tay chúc phúc cho tôi rất thân thiết.
Thời trân từ hạt gạo
Tôi lại nhớ về bữa cúng cơm mới sau vụ mùa trên đất nghèo Quảng Trị của tôi, xuân thu nhị kì đều diễn ra thầm lặng mà ấm cúng. Bữa cơm kết cục vuông tròn của một vụ mùa bao giờ cũng dành cúng tổ tiên trước nhất với sự tri ân cảm động. Các nhà khảo cổ học đã khám phá cây lúa trồng hiện diện ở Thái Lan, Philippines cách nay 5.000- 6.000 năm, ở Việt Nam vựa lúa cháy được khám phá vào niên đại 3.000- 3.500 năm ở nền văn hóa Phùng Nguyên. Cũng có thể theo đó mà suy diễn, tục mừng lúa mới của cư dân vùng Đông Nam Á đã có từ hàng ngàn năm trước và mĩ tục đó vẫn còn tồn tại thủy chung, bền bĩ cho đến tận bây giờ.
Thời trân có thể hiểu là những sản vật quý đương thời, “mùa nào thức nấy”, là một trong những nét đặc trưng của ẩm thực Việt Nam nói chung, Quảng Trị nói riêng. Đây là sự trải nghiệm từ bao thế hệ của con người theo cách nương theo tự nhiên, hòa vào với thiên nhiên, biến cái tự nhiên thành cái văn hóa. Bỗng nhớ câu “Thời trân thức thức sẵn bày” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du khi chúng tôi có dịp dẫn các bạn từ bên kia dãy Trường Sơn về thăm Quảng Trị. Lần theo bài vè dân gian thống kê các sản vật của Quảng Trị “nem chợ Sãi, vải La Vang, khoai Quán Ngang, dầu tràm Đại Nại…” , chúng tôi đưa bạn về xã Triệu Thành nơi có Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn. Chợ mới nhưng vẫn mang cái tên nhắc nhớ vài trăm năm trước, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên từng trấn ngự, có chính sách khuyến khích muôn dân chăm nghề trồng lúa, chăn nuôi dọc triền sông Thạch Hãn. Có phải vậy không mà chợ Sãi bấy lâu nức tiếng vì món “nem lụi” trứ danh? Đó là đặc sản tổng hòa của sản phẩm từ chăn nuôi với trồng trọt, từ những viên thịt xay xâu vào que tre, nướng trên than hồng, đến độ mềm tươi, săn giòn kẹp vào lớp bánh đa mỏng như giấy lụa làm từ bột gạo vùng đất lúa Triệu Phong. Hoa trái vườn nhà cũng góp thêm vào để nem chợ Sãi thêm phần quyến rũ. Trái vả non thì chát, lát khế già thì chua, quả chuối tách từ buồng đương độ ngậm hạt cắt thành lát mỏng để lẫn trong rau ráng xanh ngon. Khi cuộn tất cả và dầm vào bát nước lèo ngậy mùi đậu phụng rang giã mịn, đưa lên miệng, bạn từ phương xa đến đã ngẫm ngợi một hồi lâu rồi thốt lên: Xẹp lai! (ngon quá!).
“Bánh ướt Phương Lang/ Cháo bột Kẻ Diên/ Canh ám làng Lam/Mắm đam Trà Trì…”, câu đồng dao đưa chân chúng tôi đến với Phương Lang, một ngôi làng thuộc xã Hải Ba, huyện Hải Lăng. Khi đến chợ Phương Lang, ghé quán bánh ướt dì Si, thực khách dường như đã cảm nhận được sự tinh túy có ngay trong dĩa bánh ướt trắng ngà, mềm, dai, thơm nức mùi gạo ngon của quê hương Hải Lăng. Heo nuôi tại chuồng quanh vùng, ăn toàn cám gạo với cây chuối xắt nhỏ nên thịt ba chỉ mới luộc xong, tỏa một hương vị hấp dẫn khó cưỡng. Bát tương ớt pha với nước mắm nguyên chất làm cho bánh ướt Phương Lang thêm đậm đà. Ăn cay đến như người Lào mà khi chấm bánh ướt nước mắm Phương Lang, bạn cũng trào nước mắt. Bạn nói không phải cay đến mức đó đâu, rưng rưng vì yêu thương Quảng Trị quê bạn ni đó!
Tôi có dịp đưa bạn vào xứ Kẻ Diên thưởng thức đặc sản cháo bột “vạc chờng”. Gạo của vùng trọng điểm lúa Hải Lăng được xay, giã, dần, sàng, chọn kĩ nghiền thành bột, nhồi sú với nước ấm rồi cắt thành từng thanh nhỏ, nấu với cá lóc đồng. Chút tiêu bột, ớt bột, ớt dầm nước mắm và cả “một trời” cọng ném tươi cắt nhỏ ngự trị trong bát cháo bột cá thơm nhưng nhức. Múc một thìa, hai thìa, ba thìa, mồ hôi trên mặt bạn đã lấm tấm, má ửng hồng, thêm thìa nữa, nước mắt đã chực trào ra. Bạn thưởng thức đặc sản quê tôi mà tâm thế như người làm ra hạt lúa, có cực nhọc, cay đắng, ngọt ngào và hạnh phúc quá đỗi!
Có lần trò chuyện với một nhà buôn Thái Lan chuyên xuất khẩu gạo và đam mê bóng đá cuồng nhiệt, tôi có ý bảo rằng, duyên nợ về gạo và bóng đá giữa Thái Lan và Việt Nam đã gắn kết hai nước lại với nhau trong mối quan tâm chung. Trước đây, về gạo và bóng đá, Việt Nam ở “cửa dưới” Thái Lan nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác rồi. Dấu giày của những “chiến binh Việt” đã càn quét ở Thường Châu (Trung Quốc), cày nát ở Bukit Jalil (Malaysia), thần tốc ở Thammasat (Thái Lan)… Trong lịch sử bóng đá Việt Nam chưa bao giờ các cấp đội tuyển đều cùng lúc đạt những thành tích khó tin như những năm vừa qua với chức vô địch AFF Cup lần thứ 2; đội Olympic Việt Nam xuất sắc lọt vào nhóm 4 đội mạnh nhất tại ASIAN Games, Á quân tại giải U23 châu Á ở Thường Châu, Trung Quốc. “Rồng vàng Việt Nam” đã từng quật ngã gã khổng lồ U23 Australia, hạ gục U23 Iraq, Qatar, từng khiến cho đội U22 Trung Quốc thảm bại ngay trên sân nhà… . Mới đây là chức vô địch SEA Games 30 cả đội tuyển U22 nam và đội tuyển bóng đá nữ. Dân mạng Chatchakris Supsomboon chia sẻ từ Thái Lan: “Việt Nam, các bạn là số 1 Đông Nam Á”.
- Còn gạo?
- Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 - World’s Best Rice được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại Gạo thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines từ ngày 10/11 - 13/11/2019. Hạt gạo ST25 của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua đối thủ Thái Lan để nhận giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Trong lịch sử cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới, Thái Lan luôn là ứng viên hàng đầu với nhiều lần đoạt giải. Vì vậy, việc gạo ST25 được gọi tên trong cuộc thi này có ý nghĩa rất quan trọng đối với hạt gạo Việt Nam.
- Hạt gạo đó được gieo trồng ở đâu?
- Quảng Trị!
Hạt gạo Quảng Trị quê tôi đã đi từ đồng ruộng nơi thôn dã ra thẳng bàn ăn của thế giới với vị thế vô cùng chững chạc. Cũng như những chàng trai Việt, ăn hạt cơm thơm mẹ trồng để vụt lớn nhanh như Phù Đổng, khẳng định sức mạnh Việt Nam trên đấu trường châu lục. Hạt gạo nhỏ nhoi, hạt cơm ấm nóng, gắn kết như máu thịt khi ở bên ta và gây thương nhớ khi có dịp đi xa chưa kịp về…
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145651