Gạo thịt bò

Đây là loại gạo lai, mới được các nhà khoa học tại Trường ĐH Yonsei ở Seoul - Hàn Quốc 'nuôi trồng' trong phòng thí nghiệm, bằng cách kết hợp tế bào bắp bò và chất béo vào trong hạt gạo.

Họ tin rằng loại gạo thịt bò có màu hồng này sẽ đem lại nguồn protein bền vững, thân thiện với môi trường hơn. "Gạo vốn đã có giá trị dinh dưỡng cao, nay lại thêm tế bào từ động vật" - bà Sohyeon Park, tác giả chính của nghiên cứu đăng trên tạp chí Matter, nhấn mạnh.

Để tạo được loại gạo này, đầu tiên các nhà nghiên cứu phủ lên hạt gạo một lớp gelatin cá để các tế bào thịt bám tốt hơn, đồng thời xử lý gạo bằng nhiều loại enzyme để tạo môi trường tối ưu cho tế bào thịt phát triển. Sau đó, họ tiêm tế bào gốc bắp bò và chất béo vào hạt gạo.

Các tế bào thịt phát triển trên bề mặt cũng như bên trong hạt gạo. Khoảng 9-11 ngày sau, nhóm nghiên cứu có thành phẩm cuối cùng - được họ mô tả là "gợi nhớ tới món sushi cuộn bò, với độ dinh dưỡng, hương vị hơn hẳn gạo truyền thống".

So với gạo thông thường mềm xốp và có độ dính, gạo thịt bò cứng và giòn hơn. Đi sâu phân tích, các nhà nghiên cứu nhận ra gạo chứa nhiều bắp bò hơn có mùi giống thịt bò và hạnh nhân, còn gạo có hàm lượng chất béo cao hơn thì thơm mùi kem hoặc dầu dừa, theo đài CNN. Màu hồng nhạt của gạo là do môi trường nuôi cấy (culture medium) gạo chứ không phải do tế bào thịt. Do đó, gạo có thể đổi màu khác tùy theo môi trường được tạo ra.

GS Hong Jin-kee giới thiệu cơm gạo thịt bò tại phòng thí nghiệm của Trường ĐH Yonsei (Hàn Quốc) Ảnh: REUTERS

GS Hong Jin-kee giới thiệu cơm gạo thịt bò tại phòng thí nghiệm của Trường ĐH Yonsei (Hàn Quốc) Ảnh: REUTERS

GS Hong Jinkee, cũng trong nhóm nghiên cứu, cho hay gạo thịt bò là sản phẩm đầu tiên thuộc loại này. Ông khen ngợi đây là "nguyên liệu thực phẩm lý tưởng giúp con người vượt qua khủng hoảng lương thực" cũng như góp phần khắc phục các lo ngại về sức khỏe, bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu và cạn kiệt nguồn lực.

Theo Reuters, nhiều công ty khắp thế giới đã nuôi cấy thịt trong phòng thí nghiệm những năm gần đây. Trong số những sản phẩm mới nhất, phải kể đến thịt gà và lươn có nguồn gốc đậu nành được chào bán ở Singapore. Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa thể đột phá trên thị trường.

Nhóm nghiên cứu Hàn Quốc tin rằng sản phẩm của họ có nhiều lợi thế, trước hết nằm ở các nguyên liệu an toàn, phổ biến. GS Hong chỉ ra đậu nành và các loại hạt ít gây dị ứng cho con người. Gạo thịt bò chứa lượng protein cao hơn gần 8% và thêm khoảng 7% chất béo so với gạo thông thường. Với triển vọng tạo ra tế bào động vật - tức không cần lấy từ động vật sống, các nhà khoa học có thể phát triển "một hệ thống thực phẩm bền vững", không phụ thuộc vào ngành chăn nuôi. Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, chăn nuôi thải ra đến 6,2 tỉ tấn CO2 vào bầu khí quyển mỗi năm, chiếm khoảng 12% tổng lượng phát thải do con người gây ra.

Lợi thế thứ hai của gạo thịt bò là giá cả. Theo nghiên cứu, thịt bò nạc có giá khoảng 14,88 USD/kg, gạo là 2,2 USD/kg trong khi giá gạo thịt bò nếu thương mại hóa sẽ vào khoảng 2,23 USD/kg. Hiện nay, loại gạo bò trên chưa ra mắt thị trường. Song, chuyên gia Park kỳ vọng sẽ có ngày gạo bò không chỉ có mặt khắp các siêu thị mà còn trở thành thực phẩm cứu đói hoặc sử dụng trong quân đội, thậm chí lên vũ trụ.

Chuyên gia về thực phẩm nông nghiệp Neil Ward của Trường ĐH East Anglia (Anh) nhận xét với CNN rằng dữ liệu mà nghiên cứu tại Hàn Quốc đưa ra là "rất tích cực, nhiều tiềm năng", song bài kiểm tra then chốt nằm ở khẩu vị của công chúng.

Hải Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/gao-thit-bo-19624062319210232.htm