Gạo Việt chinh phục thế giới
Lô hàng 1.600 tấn gạo xuất đi Singapore và Malaysia 'mở hàng' cho mùa xuất khẩu năm 2021 có mức giá lên đến 750USD/tấn thực sự là tín hiệu tốt lành cho hạt gạo Việt Nam nói riêng và hàng xuất khẩu nói chung. Những kỳ tích của ngành lúa gạo dự báo được nối tiếp khi hạt gạo Việt đã tiếp cận được phân khúc thị trường có giá trị cao hơn.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực lên toàn bộ nền kinh tế, xuất khẩu gạo của Việt Nam thực sự lập nên kỳ tích trong năm 2020 với sản lượng đạt khoảng 6,15 triệu tấn, trị giá 3,07 tỷ USD.
Điều đáng nói là lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so năm 2019, chủ yếu vì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%. Giá xuất khẩu bình quân cả năm ước đạt 499USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019. Nhiều thời điểm, giá gạo Việt Nam đã vượt Thái Lan, vươn lên vị trí hàng đầu thế giới.
Thành tựu trên có được là nhờ những nỗ lực tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng chuyển mạnh từ lúa phẩm cấp thấp sang phẩm cấp cao khiến gạo Việt Nam dễ dàng cạnh tranh hơn với những đối thủ lớn trên thị trường như Thái Lan, Campuchia - những quốc gia có nhiều loại gạo ngon nhất thế giới.
Đặc biệt, lực đẩy chính cho hoạt động xuất khẩu gạo còn đến từ việc nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới liên tục được thực thi, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), tạo cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam vào được thị trường châu Âu.
Mặc dù EU mới cấp hạn ngạch cho Việt Nam 80 nghìn tấn gạo, song việc gạo Việt vào được một trong những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao nhất thế giới là tín chỉ uy tín giúp hàng xuất khẩu Việt Nam có thể thâm nhập các thị trường khó tính khác.
Thực tế từ EVFTA, chúng ta đã liên tục có nhiều đơn hàng xuất khẩu với khối lượng lớn, giá trị cao hơn như gạo thơm ST20 được bán với giá hơn 1.000USD/tấn, gạo VJ Pearl Rice và gạo thơm RVT có giá lên đến 1.040USD/tấn...
Theo nhiều chuyên gia, xuất khẩu gạo trong năm 2021 sẽ tiếp tục tăng trưởng cao khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như các nước ASEAN, Trung Quốc, Bangladesh, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Nhiều nước khác có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp, vốn là mặt hàng có lợi thế của Việt Nam.
Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam còn rộng mở nhờ có thêm cơ hội từ một số thị trường mà chúng ta vừa ký kết FTA mới như các quốc gia thuộc khối Liên minh kinh tế Á - Âu đã cam kết dành 10 nghìn tấn gạo hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam trong năm 2021. Gạo Việt Nam xuất khẩu vào Anh sẽ được giảm thuế về 0% và không có giới hạn về hạn ngạch theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).
Để giữ vững thương hiệu và nâng cao giá trị gạo xuất khẩu vào các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU..., các chuyên gia khuyến cáo, ngành nông nghiệp cần tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu chủng loại các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo giống Nhật Japonica, gạo dẻo, gạo nếp, giảm trồng các loại gạo cấp thấp, bởi nếu Việt Nam sản xuất loại gạo cấp thấp sẽ không cạnh tranh được với gạo của Ấn Độ và Pakistan.
Hạt gạo Việt còn gặp nhiều thách thức nếu muốn chinh phục thị trường thế giới. Nhưng rõ ràng, giá gạo xuất khẩu tăng thì người trồng lúa được hưởng lợi nhất. Đây chính là thành quả quan trọng nhất, góp phần nâng cao đời sống cho những người nông dân đang tạo nên những mùa vàng bội thu.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gao-viet-chinh-phuc-the-gioi-post437454.html