Gạo Việt ở đâu trên 'bản đồ lương thực' thế giới?
Biến động toàn cầu giúp gạo Việt gia tăng giá trị xuất khẩu. Nhưng mức độ nhận diện của gạo Việt không bằng gạo Thái Lan hay Campuchia, vì sao như vậy?
Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực, gạo Việt Nam đang là món hàng được chào đón ở nhiều nơi trên thế giới. Sau năm 2023 thành công rực rỡ với giá bán cao nhất trong 15 năm trở lại đây, trong 2 tháng đầu năm 2024, gạo Việt Nam tiếp tục là sản phẩm xuất khẩu sáng giá.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất cảng 1,02 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 708 triệu USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước. Về giá gạo xuất khẩu, nếu như năm 2023 giá gạo bình quân đạt 575 USD/tấn, thì trong 2 tháng đầu năm 2024 lên tới 699 USD/tấn.
Philippines và Indonesia là hai thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, gạo Việt còn hiện diện tại 25 quốc gia ở nhiều châu lục. Nhiều chuyên gia cho rằng, tầm vươn của gạo Việt còn xa hơn nữa.
Cú sốc chiến sự Nga - Ukraine cắt đứt phần lớn nguồn cung ngũ cốc. Điều này kết hợp với xung đột Israel - Hamas khiến hàng loạt quốc gia Trung Đông tăng cường dự trữ lương thực, đẩy nhu cầu gạo lên cao.
Cường quốc quốc xuất khẩu lương thực, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Quyết định này góp phần cho gạo Việt Nam lên ngôi. Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới - trên Việt Nam một bậc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo xuất khẩu gạo của nước này sẽ giảm.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu thời gian tới khả năng cao sẽ còn được đẩy lên do nhiều quốc gia bắt đầu tăng nhập khẩu, trong khi Ấn Ðộ vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo chính, khiến nguồn cung trên toàn cầu chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Sản lượng gạo toàn cầu năm 2024 dự báo 520 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ khoảng 525 triệu tấn- số lượng thiếu hụt rất lớn. Năm 2023, sản lượng gạo của Việt Nam đạt hơn 43 triệu tấn, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới.
Tuy nhiên, thương hiệu gạo Việt vẫn mờ nhạt so với đối thủ. Thái Lan đạt được bước tiến rất dài trong xây dựng thương hiệu cho mặt hàng này. Slogan “Thailand - Kitchen of the world” (Thái Lan- nhà bếp của thế giới) nổi tiếng thế giới, mức độ nhận diện thương hiệu thực phẩm Thái xếp thứ 4 toàn cầu.
Thương hiệu quốc gia “THAI’S RICE” là sự bảo đảm của Chính phủ Thái Lan về các đặc tính của sản phẩm, bao gồm về chất lượng, nguồn gốc, truyền thống đối với người tiêu dùng trên thế giới. Thương hiệu này do Cục Ngoại thương, Bộ Thương mại Thái Lan quản lý.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn tranh cãi, chỉ chọn gạo ST25 hay nhiều loại khác làm thương hiêu quốc gia? Thái Lan chỉ chọn một chủng gạo duy nhất Hom Mali làm đại diện thương hiệu quốc gia, Ấn Độ cũng chọn gạo Basmati làm tiêu biểu.
Nhìn sang láng giềng, giống lúa Phka Rumduol của Campuchia cho ra loại gạo từng 5 lần đoạt giải ngon nhất thế giới, chỉ kém Thái Lan 1 lần. Loại hạt ví như quốc phẩm Campuchia - được đón nhận tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, với giá dao động từ 1.000 - 1.500USD/tấn.
Hiệp hội Lúa gạo Campuchia ra đời trước Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam một thập kỷ. Tổ chức này đóng vai trò là cầu nối giữa nhà nước và tư nhân, tập hợp 70 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, chủ yếu sang thị trường châu Âu.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gao-viet-o-dau-tren-ban-do-luong-thuc-the-gioi-707379.html