Gặp 9X tiên phong sáng tạo bộ môn 'pompom' thú cưng với loạt sản phẩm siêu đáng yêu

Hơn 6 năm tìm tòi sáng tạo, Lê Lâm Nhật Huy (nghệ danh Henry Le, TP. HCM) đã biến hóa các cuộn len đơn sắc thành các hình mẫu pompom thú cưng xinh xắn, nhân vật hoạt hình vô cùng tỉ mỉ, cuốn hút người xem.

Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Kiến trúc TP. HCM, Lê Lâm Nhật Huy (sinh năm 1992) tiếp tục đăng ký du học nâng cao, chuyên ngành Thiết kế đồ họa. Trong thời gian chờ kết quả visa du học, Huy tình cờ biết tới bộ môn nghệ thuật tạo hình pompom thú cưng. Từ đó, Huy bắt đầu thử nghiệm với loại hình sáng tạo mới này, ngay cả khi đã sang nước ngoài học tập.

Lê Lâm Nhật Huy chụp ảnh tại chiếc đồng hồ Gastown Steam Clock, Vancouver, Canada.

Lê Lâm Nhật Huy chụp ảnh tại chiếc đồng hồ Gastown Steam Clock, Vancouver, Canada.

Cuối năm 2016, Nhật Huy sang Canada du học ngành Thiết kế đồ họa. Tại đây, anh vừa học, vừa làm thêm và tranh thủ thời gian rảnh tìm hiểu sâu hơn về pompom để thỏa mãn đam mê. “Mỗi buổi tối sau giờ học, mình tỉ mẩn làm ra những quả pompom ngộ nghĩnh đầu tiên. Dần dần, mình cảm thấy việc tạo hình pompom là điều bản thân yêu thích nhất. Sau 2 năm du học, mình quyết định tạm dừng để trở về Việt Nam và tập trung nghiên cứu bài bản hơn với bộ môn nghệ thuật tạo hình pompom”, Huy cho biết.

Nhật Huy theo đuổi bộ môn sáng tạo pompom theo hướng chuyên nghiệp.

Nhật Huy theo đuổi bộ môn sáng tạo pompom theo hướng chuyên nghiệp.

Theo Nhật Huy, ban đầu, nghệ thuật pompom xuất hiện ở các nước châu Âu, chỉ đơn thuần là cuộn và buộc những sợi len, rồi cắt tỉa tạo hình quả cầu bông tua rua để trang trí mũ, áo len… Ngày nay, các sản phẩm từ pompom được biến tấu rất đa dạng, với nhiều tạo hình khác nhau, nổi bật là pompom thú cưng.

Một số các tạo hình động vật bằng pompom do Huy sáng tạo.

Một số các tạo hình động vật bằng pompom do Huy sáng tạo.

Mỗi sản phẩm pompom thú cưng đều làm bằng thủ công nên thời gian hoàn thành phụ thuộc vào độ khó, kích thước, hình dáng sản phẩm... Người sáng tạo có thể mất 2 - 3 tiếng đồng hồ hoặc đến vài ngày để làm ra pompom hoàn thiện. “Mình là một người yêu thích sự chỉn chu, đôi phần theo chủ nghĩa hoàn hảo. Để làm pompom giống thật nhất, người nghệ nhân cần sự quan sát tỉ mỉ các đặc điểm nổi bật của vật mẫu. Ngoài đôi mắt, việc kết hợp các bộ phận khác theo tỷ lệ hài hòa cân đối mới cho ra được sản phẩm ưng ý”, Huy "bật mí".

Thời gian đầu, anh tự làm các sản phẩm pompom mô phỏng các loài động vật như: Cún con, mèo, cáo, hổ, thỏ… rất dễ thương. Anh chia sẻ lên mạng xã hội và nhận được sự yêu thích từ bạn bè, người thân. Nhờ vậy, nhiều khách hàng liên hệ Huy đặt hàng thú cưng pompom theo yêu cầu, với mong muốn làm quà tặng trang trí hay đơn giản là thỏa mãn đam mê sưu tầm cái đẹp…

Để có một “em thú cưng pompom” hoàn chỉnh gửi đến tay khách hàng, Huy phải trải qua nhiều công đoạn. Từ việc lên ý tưởng, nghiên cứu các đặc điểm nổi bật của con vật tạo hình. Sau đó, Huy tiến hành tạo hình cắt tỉa, bố trí và kết nối các bộ phận với nhau để sản phẩm trở nên có hồn. Tất cả các bước đều được anh thực hiện thủ công, khiến ai nhìn cũng trầm trồ, ngưỡng mộ.

“Việc cắt tỉa sản phẩm sao cho khớp với mẫu thật đòi hỏi người làm phải tập trung phân tích các đặc điểm chính của mẫu và không ngừng chỉnh sửa cho hoàn thiện. Công đoạn quấn len là yếu tố quyết định vị trí các mảng màu sắc được bố trí trên mỗi sản phẩm pompom”, Huy nói.

Ngắm một vòng những sản phẩm của Huy sáng tạo, nhiều người nhận thấy, anh tạo hình nhiều thú cưng dễ thương, ngập tràn sự hạnh phúc, tích cực, trông rất đáng yêu. Về nước từ năm 2018, tính đến hiện tại, Huy đã có hơn 5 năm sáng tạo và là người tiên phong đưa bộ môn nghệ thuật pompom phổ biến tại cộng đồng.

Nhật Huy luôn sẵn sàng chia sẻ cách làm pompom thú cưng, nhân vật hoạt hình lên trang mạng xã hội để cho những ai cùng đam mê dễ dàng thực hành theo. Từ năm 2022 đến nay, anh trở thành giáo viên dạy bộ môn tạo hình pompom tại Nhà Văn hóa Phụ nữ TP. HCM.

“Lớp học có cả người lớn, trẻ em cùng tham gia. Mình ấn tượng về một cô học viên trạc tuổi trung niên tham gia khóa học. Ngoài những mẫu được học trên lớp, cô còn chịu khó xem hướng dẫn từ kênh YouTube của mình và thực hiện những mẫu khác. Hạnh phúc nhất là cô khoe thành phẩm, mình cảm thấy pompom ấy rất đáng yêu. Mình nghĩ, bên cạnh sự sáng tạo, bộ môn pompom giúp mỗi người thư giãn sau ngày dài làm việc, rèn luyện thêm tính kiên trì, tỉ mỉ’, chàng trai 9X hào hứng nói.

Vốn nổi tiếng trong cộng đồng pompom với kênh YouTube hơn 18.000 người theo dõi, Huy luôn học hỏi, cập nhật xu hướng mới để tạo hình pompom độc lạ, chuyên nghiệp hơn từng ngày. Anh mong muốn mọi người sẽ biết đến anh với trong vai trò một người nghệ nhân pompom (pompom artist).

Dấu mốc đáng nhớ trong suốt quá trình sáng tạo của Huy là đúng dịp sinh nhật lần thứ 26, anh được nhà xuất bản ở Anh gửi lời mời hợp tác, xuất bản quyển sách mang tên Pom Pom Pom - Over 50 mini pompoms to make. Sách của Huy đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng: Estonian, Đan Mạch và Đức.

Không dừng lại ở việc kinh doanh pompom, Nhật Huy tự mở thêm các buổi workshop, lớp học ngắn hạn để hướng dẫn nhiều bạn có thể tự tay làm ra những sản phẩm pompom đáng yêu.

Khi đặt vấn đề, việc dạy nghề sẽ khiến “trò giỏi hơn thầy” hay cạnh tranh bán sản phẩm, Huy tâm sự: “Mình suy nghĩ tích cực, sẽ thật tuyệt vời, nếu mình hướng dẫn nhiều bạn biết cách làm pompom, giúp họ kiếm thêm thu nhập từ việc bán các sản phẩm. Điều này tạo ra thêm một cơ hội nghề nghiệp cho mọi người. Hơn hết, Huy cảm thấy hạnh phúc vì có thể lan tỏa bộ môn nghệ thuật pompom đến nhiều người hơn”.

Cùng ngắm một số tạo hình pompom thú cưng do Nhật Huy sáng tạo:

Bình Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/gap-9x-tien-phong-sang-tao-bo-mon-pompom-thu-cung-voi-loat-san-pham-sieu-dang-yeu-post1542980.tpo