Gặp bố trong dáng biển
Trên hải trình ra thăm quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) của đoàn công tác Tổng cục Chính trị vào đầu tháng 4-2022 vừa qua, chúng tôi khá ấn tượng với sự gần gũi, dễ mến của một sĩ quan trẻ.
Đó là Đại úy Bùi Xuân Long, Trợ lý chính trị, Phòng Chính trị Binh đoàn 12. Anh vốn là người sôi nổi, luôn khuấy động không gian để mọi người quên đi những cơn say sóng. Vậy mà, có đôi lúc lại bắt gặp anh trầm tư ngoài boong tàu, đôi mắt xa xăm dõi ra biển cả.
Qua câu chuyện được biết, anh đang rất nóng lòng được đặt chân tới đảo Thuyền Chài-nơi bố anh từng công tác gần 30 năm về trước. Ông là Trung tá Bùi Xuân Tiến, nguyên Phó tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Lạng Giang, Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang. Những năm đầu quân ngũ, ông thuộc biên chế của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân và đã có nhiều năm gắn bó với quần đảo Trường Sa, từng đảm nhiệm vị trí Chỉ huy trưởng đảo Thuyền Chài, đảo Tốc Tan A...
Khi đặt chân lên đảo Thuyền Chài, việc đầu tiên là Long gọi điện thoại về cho mẹ-bà Nguyễn Thị Mùi. Giọng bà run run xúc động, muốn cậu con trai miêu tả thật kỹ để bà hình dung ra nơi từng ghi bóng dáng của người chồng thân yêu. Bà mong có ngày được tới thăm đơn vị ông Tiến từng công tác, bởi bà luôn khắc nhớ những ngày sau khi kết hôn, chồng ở biền biệt ngoài đảo xa, một mình bà vừa chăm lo, dạy dỗ con cái, vừa bươn chải làm thêm đủ thứ ngoài công việc của một giáo viên mầm non để chồng yên tâm công tác.
Những năm 90 của thế kỷ trước, việc đi lại giữa đất liền với các đảo còn khó khăn, thông tin liên lạc cũng chưa thuận lợi, tàu thuyền ra đảo còn rất vất vả. Mỗi lúc nhớ vợ con, ông Tiến lại ngồi viết thư, rồi để đó, có tàu ra mới gửi được về. Có những bận hơn nửa năm trời, bà Mùi mới nhận được thư chồng, một lúc cả chục lá thư.
Dù xa nhau biền biệt, tình cảm vợ chồng ông Tiến, bà Mùi vẫn khăng khít, gắn bó không rời. Mỗi dịp về phép, ông lại giành làm hết công việc đỡ đần vợ con, như để bù đắp cho quãng thời gian đi xa. “Lần nào cũng vậy, bố luôn mang về những món quà của biển, dù chỉ là vài chiếc vỏ ốc cũng đủ khiến chúng tôi vui sướng, nâng niu”-Long nghẹn ngào nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu.
Nhờ những kỷ vật của bố để lại mà hình ảnh biển cả bao la, những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc được khắc sâu trong tâm khảm cậu bé Long ngày nào. Để rồi hôm nay, dù lần đầu tiên ra đảo, Long cảm thấy Trường Sa lại hết đỗi gần gũi và thân thương. Anh vẫn nhớ, năm 1998, trong lần về phép dài ngày, bố anh tranh thủ xây lại nhà cho mấy mẹ con.
Mặt tường phía bên ngoài, bố dùng loại gạch ốp màu nâu đỏ. Đó chính là màu ốp tường của tòa nhà sở chỉ huy trên đảo Thuyền Chài bây giờ, từ xa Long đã nhận ngay ra cái màu sắc quen thuộc đó. Những ký ức năm xưa dội về, Long thấy bóng dáng bố như còn đâu đây, trong cả hơi gió biển mặn mòi, trong tiếng sóng vỗ miên man phía rặng san hô bao quanh đảo...
Ngày nay, đời sống vật chất và tinh thần ở Trường Sa đã được cải thiện rất nhiều, dù thật khó để so sánh với cuộc sống trong đất liền. Đặt chân tới Trường Sa mới thấy con người nhỏ bé biết bao trước biển cả bao la hùng vĩ, mới thấy rõ ý chí quật cường của những người lính canh biển. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, kiên cường bám trụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/gap-bo-trong-dang-bien-694719