Gặp 'cha đẻ' của giống lúa ở Bình Thuận

Những năm qua, Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Thuận rất chú trọng đến công tác nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc và khảo nghiệm các loại giống lúa cho năng suất và chất lượng cao nhằm đa dạng hóa giống lúa trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có hơn 50 giống lúa do trung tâm nghiên cứu, lai tạo thành công và có thương hiệu bản quyền. Trong đó có 3 giống lúa Ma Lâm 214 (ML 214), ML 54, ML 232 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản xuất thử, giống ML 202 được công nhận giống quốc gia. Một số giống lúa do trung tâm lai tạo có sức sống lâu dài với thời gian như giống TH6, ML 48, ML 214… được nông dân trong và ngoài tỉnh sử dụng hàng chục năm nay.

Gặp

 Thạc sĩ Nguyễn Văn Bình.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Bình.

Trong thành công ấy không thể không nhắc đến người “chỉ huy” xuyên suốt quá trình nghiên cứu, lai tạo giống lúa mới chất lượng đến với người nông dân, đó là thạc sĩ Nguyễn Văn Bình (SN 1961) – Giám đốc trung tâm. Với cương vị giám đốc, thời gian qua, ông Bình đã trực tiếp nghiên cứu chọn lọc, lai tạo, thực nghiệm, khảo nghiệm các loại giống cây trồng. Có thể nói, ông chính là “cha đẻ” của nhiều giống lúa mới ở Bình Thuận với năng suất, chất lượng cao được bà con tin tưởng sử dụng, như giống ML 202, ML 214, ML 54, ML 232, ML 219. Theo ông Bình, mỗi khi lai tạo bộ giống mới, trung tâm đều đăng ký bản quyền, bởi đây là cách bảo hộ thương hiệu, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp chia sẻ bản quyền để khai thác giống, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Hiện tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long đang canh tác khoảng 200 ha giống lúa ML 54 và ML 232, bằng với số diện tích nông dân Bình Thuận đang gieo trồng.

Ngoài thế mạnh về lai tạo giống lúa, ông Bình còn có rất nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp được Hội đồng sáng kiến và Hội đồng khoa học các cấp công nhận cũng như áp dụng và nhân rộng hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình gần đây là đề tài “Xác định vật liệu khởi đầu trong công tác lai tạo giống lúa”, “Sưu tập và bảo tồn nguồn gen giống lúa mùa địa phương tại tỉnh Bình Thuận”, giải pháp “Chọn tạo giống lúa mới ML 219”, “Chọn tạo giống lúa mới ML 218”… Không chỉ am hiểu chuyên môn, với cương vị là thủ trưởng đơn vị và là Bí thư chi bộ, thời gian qua ông luôn chủ động bồi dưỡng kiến thức, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn gắn với học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để ngày càng hoàn thiện bản thân.

Nhờ những cống hiến của mình trong công tác nghiên cứu, lai tạo giống lúa, nên năm 2016 và 2017, ông vinh dự được công nhận là “Trí thức tiêu biểu” về khoa học công nghệ Việt Nam, danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông Việt Nam” vào năm 2018. Ngoài ra, ông còn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tặng bằng khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” 5 năm liền (2014 - 2018)…

Hồng Trinh

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/gap-cha-de-cua-giong-lua-o-binh-thuan-130731.html