Chủ động tăng lương cao hơn mức tối thiểu vùng để giữ chân người lao động

Nhiều doanh nghiệp cho biết để giữ chân người lao động, công ty đã chủ động tăng mức lương trước khi có nghị định về tăng lương tối thiểu vùng.

Từ ngày 1-7, Nghị định 74/2024 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (tăng 6%) đã có hiệu lực.

Việc nâng lương sẽ cải thiện phần nào đời sống cho người lao động. Ngoài ra, người lao động có mức thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu sẽ được đóng và hưởng nhiều chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH).

Lương tăng nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo

Anh Nguyễn Văn Thanh, làm công nhân tại một công ty may ở quận Bình Tân, cho biết hiện mức lương cơ bản của anh gần 6 triệu đồng/tháng. Mức lương này đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định mới. Với mức lương cơ bản cộng thêm tiền phụ cấp, tiền làm thêm giờ thì tổng thu nhập của anh khoảng 10 triệu đồng/tháng. Có tháng công ty chạy đơn hàng nhiều, công nhân tăng ca liên tục thì tổng thu nhập của anh Thanh được 13-14 triệu đồng/tháng. Cả vợ chồng cùng làm công nhân, mức lương hàng tháng cũng xấp xỉ nhau.

“Tôi tính thu nhập bình quân hàng tháng của vợ chồng khoảng hơn 20 triệu đồng. Tuy nhiên, lo tiền sinh hoạt, tiền thuê trọ, tiền nuôi hai đứa con thì cũng chỉ dư được vài triệu gửi về quê. Đầu năm, công ty cũng có đợt tăng lương cơ bản cho công nhân. Hy vọng trong tháng 7 này, công ty tiếp tục tăng lương cơ bản thì thu nhập sẽ ổn định. Nếu mức lương cơ bản cao thì tiền làm thêm cũng tăng, giúp đời sống công nhân như chúng tôi được cải thiện hơn” - anh Thanh chia sẻ.

Chị Phạm Thị An, công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM), chia sẻ: “Đợt tăng mức lương tối thiểu vùng lần này không phải quá cao; mức này còn thấp hơn mức thu nhập hàng tháng mà công nhân nhận. Tuy nhiên, lương tăng thì mức đóng BHXH của người lao động cũng tăng; lương hưu cũng sẽ tăng và người lao động sẽ được đảm bảo cuộc sống khi về già”.

Chị An cũng băn khoăn: “Lương tăng giúp chúng tôi trang trải được các khoản chi phí trong cuộc sống. Tuy nhiên, tôi cũng có lo lắng là khi mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng tăng thì vật giá sẽ tăng theo. Khi ấy, sợ rằng mức tăng lương không theo kịp sự tăng giá; người thiệt thòi vẫn là người lao động”.

 Nhiều doanh nghiệp chủ động trả lương cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu vùng để giữ chân người lao động. Ảnh minh họa : VIẾT LONG

Nhiều doanh nghiệp chủ động trả lương cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu vùng để giữ chân người lao động. Ảnh minh họa : VIẾT LONG

Phải tăng lương để giữ chân người lao động

Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn Công ty Nidec Việt Nam, cho biết ngay khi Nghị định 74/2024 có hiệu lực, công đoàn đã gửi văn bản trình bày về việc tăng lương đến lãnh đạo công ty. Hiện nay, lãnh đạo công ty đang xem xét về phương án tăng lương tại công ty.

“Hiện nay, mức lương căn bản của người lao động tại công ty là 5.030.000 đồng/tháng. Đây là mức lương chưa lên theo nghị định mới. Công ty đang xem xét tăng lương theo đề xuất của công đoàn và tăng như thế nào thì vẫn đang chờ. Mức lương cơ bản hiện nay của công ty tăng hơn mức lương tối thiểu vùng mới. Về mặt lý thuyết, công ty có quyền không tăng lương. Tuy nhiên với bối cảnh lao động hiện nay cầu vượt cung, nếu không tăng lương thì sẽ không tuyển được công nhân. Chính vì thế, công ty phải tăng lương để giữ chân người lao động” - ông Hồng chia sẻ.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Electric Việt Nam, chia sẻ: “Mức tăng tối thiểu vùng như hiện nay không cao bởi mức lương cơ bản ở công ty đã cao hơn mức quy định của nghị định. Tại công ty, mỗi năm công đoàn cũng có những kiến nghị điều chỉnh lương cho người lao động. Quy định mới này cũng là cơ sở để công ty tiếp tục kiến nghị điều chỉnh lương”.

Ông Vũ Trọng Hiền, Giám đốc nhân sự công ty TNHH may thêu Thuận Phương, cho biết mỗi năm vào tháng 4, công ty có xem xét điều chỉnh lương cho người lao động, kể cả công nhật. Việc tăng lương này là một giải pháp để giữ người lao động.

“Để giữ chân người lao động, công ty đã chủ động tăng mức lương trước khi có nghị định về tăng lương tối thiểu vùng. Hiện nay, công ty có đơn hàng ổn định nên dù phải thêm chi phí cho việc tăng lương thì công ty vẫn đảm bảo được tài chính” - ông Hiền cho biết.

Doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng thấp sẽ bị phạt

Từ ngày 1-7, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp được thực hiện theo Nghị định 74/2024 như sau:

Lương tối thiểu vùng I là 4.960.000 đồng/tháng;

Vùng II: 4.410.000 đồng/tháng

Vùng III: 3.860.000 đồng/tháng;

Vùng IV: 3.450.000 đồng/tháng.

Khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH… quy định phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

Phạt tiền từ 20- 30 triệu đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động;

Phạt tiền từ 30- 50 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

Phạt tiền từ 50- 75 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12-2022 quy định mức phạt trên đối với cá nhân, nếu người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi.

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-dong-tang-luong-cao-hon-muc-toi-thieu-vung-de-giu-chan-nguoi-lao-dong-post799448.html