Gập ghềnh con đường đàm phán chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine

Dù có những tín hiệu tích cực đầu tiên, song tiến trình đàm phán tìm kiếm một giải pháp hòa bình và lâu dài để chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine còn phải vượt qua rất nhiều thách thức, khó khăn đến từ nhiều bên liên quan tới cuộc xung đột quân sự khốc liệt, quy mô lớn kéo dài suốt 3 năm qua ngay giữa lòng châu Âu này.

Không thể tiếp tục cuộc xung đột khốc liệt

Cuộc xung đột quân sự tại Ukraine đến nay vừa tròn 3 năm (24-2-2022 - 24-2-2025), song những tín hiệu lạc quan về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột quân sự vô cùng khốc liệt này chỉ mới lóe lên một cách rõ ràng gần đây khi Tổng thống Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng từ Tổng thống vừa mãn nhiệm Joe Biden. Với cách tiếp cận hoàn toàn khác, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thực hiện những bước đi nhanh, mạnh và trực diện nhằm sớm chấm dứt cuộc xung đột “rất nhiều người đã đổ máu” này.

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức và trở ngại cần vượt qua nhưng đàm phán là con đường đúng đắn để tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột gây nhiều tổn thất Nga-Ukraine

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức và trở ngại cần vượt qua nhưng đàm phán là con đường đúng đắn để tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột gây nhiều tổn thất Nga-Ukraine

Nga và Ukraine từng ngồi vào bàn đàm phán chỉ vài ngày sau khi cuộc xung đột bùng nổ và đã có thông tin về những điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn để sớm chấm dứt xung đột. Theo đó, Ukraine “gác lại” việc gia nhập liên minh quân sự NATO và duy trì một quân đội “giới hạn”… đổi lại Nga sẽ rút quân.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán trực tiếp Nga - Ukraine chấm dứt ngay từ đầu tháng 3-2022 với sự leo thang về cả quy mô và sự khốc liệt trong giao tranh giữa hai bên. Các bên thứ ba, nhất là các quốc gia phương Tây thay vì tìm cách mở ra các kênh liên lạc, tiếp xúc để hai bên tham chiến trực tiếp Nga và Ukraine ngồi lại đàm phán tìm kiếm một giải pháp hòa bình, đã tăng tối đa viện trợ vũ khí cho Ukraine, đồng thời thực thi chính sách bao vây, cấm vận hà khắc chống Nga. Trong đó, Chính quyền Tổng thống Joe Biden dẫn đầu liên minh phương Tây hậu thuẫn, ủng hộ tối đa cho Ukraine, đồng thời liên tiếp tung các đòn trừng phạt chưa từng thấy nhằm “bóp nghẹt” không chỉ nền kinh tế mà cả nước Nga. Quan hệ Mỹ-Nga gần như bị đẩy xuống mức đáy thời Chiến tranh lạnh.

Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine không lắng dịu mà ngày càng leo thang, gây ra những tổn thất ngày càng nặng nề về sinh mạng và vật chất cho cả hai phía tham gia trực tiếp. Theo giới quan sát, chiến sự Ukraine là một trong những cuộc xung đột đẫm máu và tốn kém nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Mặc dù khó có thể đưa ra con số thương vong chính xác bởi cả Nga và Ukraine đều không công bố, song có thể hàng trăm nghìn người mỗi bên đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác bị thương trong xung đột.

Cuộc xung đột quân sự kéo dài 3 năm qua là một thảm họa về sinh mạng và kinh tế đối với Ukraine. Dân số thường trú của Ukraine hiện còn khoảng 28-30 triệu người, giảm 25% so với trước chiến sự, khoảng 6,3 triệu người dân Ukraine đã phải ra nước ngoài lánh nạn, rất nhiều thành phố bị hủy hoại và cơ sở hạ tầng của nền kinh tế thành đống đổ nát. Ukraine vốn là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu trước chiến sự với GDP chỉ khoảng 200 tỷ USD. Giới chuyên gia ước tính, đến cuối năm 2025 này, cuộc xung đột sẽ khiến Ukraine phải hứng chịu khoản lỗ tích lũy 120 tỷ USD về GDP, đồng thời thiệt hại 1.000 tỷ USD về cơ sở hạ tầng và vốn.

Cũng như Ukraine, phía Nga cũng không công bố thương vong của binh sĩ trong xung đột, nhưng giới quan sát cho rằng con số này cũng rất lớn, có thể lên tới hàng trăm nghìn người. Cùng với đó là những tổn thất lớn về trang thiết bị, vũ khí. Trừng phạt của Mỹ và phương Tây gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga. Châu Âu trước đây nhập tới 40% khí đốt từ Nga, song nay đã tìm kiếm từ nguồn khác. Áp lực trừng phạt đã khiến lạm phát ở Nga tăng vọt, buộc ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản lên tới 21%.

Trong khi đó, hơn 300 tỷ USD tài sản Nga đang bị đóng băng tại các ngân hàng phương Tây. Loạt lệnh trừng phạt chưa từng có khiến nhiều ngân hàng Nga bị cắt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu, các doanh nghiệp nước này không được tiếp cận với nhiều dịch vụ, hàng hóa, công nghệ tiên tiến của phương Tây.

Con đường tất yếu phải đi

Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine nếu tiếp tục sẽ đưa hai phía và các bên liên quan tới đâu? Câu trả lời đã quá rõ nếu nhìn lại 3 năm chiến sự khốc liệt vừa qua. Vậy mà, tiến trình đàm phán để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột gây tổn thất nặng nề này chỉ được mở ra sau khi Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng.

Với quan điểm và cách tiếp cận hoàn toàn khác với chính quyền tiền nhiệm, Tổng thống Donald Trump ngay sau khi nắm quyền đã xúc tiến một trong những chương trình nghị sự ưu tiên hàng đầu là sớm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine. Quan điểm và cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump dù có thể gây sốc cho Ukraine cũng như các quốc gia châu Âu ủng hộ Ukraine khi đàm phán trực tiếp với Nga mà “bỏ qua” Kiev cùng châu Âu, song lại đang mở ra cơ hội rõ ràng để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vốn không nhìn thấy bất cứ “ánh sáng cuối đường hầm” nào trước đó.

Cuộc điện đàm trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin cùng kết quả tích cực đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Saudi Arabia ngày 18-2 vừa qua đang mở ra hy vọng về nỗ lực tái lập đối thoại và tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột quân sự kéo dài suốt 3 năm qua tại Ukraine.

Chưa có thông tin chính thức từ các đoàn đàm phán của Mỹ và Nga, tuy nhiên theo giới ngoại giao, hai bên đề xuất một kế hoạch chấm dứt xung đột tại Ukraine với 3 giai đoạn: trước hết là ngừng bắn, sau đó tổ chức bầu cử ở Ukraine và cuối cùng là ký kết một thỏa thuận cuối cùng.

Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao của Nga và Mỹ hiện vẫn chưa xác thực kế hoạch gồm 3 giai đoạn trên. Theo chuyên gia Vladimir Zharikhin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, cho đến nay, quan điểm của Nga và Mỹ về Ukraine vẫn còn cách nhau khá xa. Ví như Nga muốn Ukraine phải tiến hành bầu cử trước khi đàm phán ngừng bắn, trong khi Mỹ lại muốn quy trình ngược lại.

Nga đến nay vẫn khẳng định quan tâm nhất đến an ninh và tuyên bố sẽ không nhượng bộ bất kỳ điều gì có thể đe dọa đến an ninh quốc gia, trong đó Ukraine phải từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO - nguyên nhân chính mà nêu ra để mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine 3 năm trước. Ngược lại, với Ukraine, gia nhập NATO và đảm bảo an ninh của Mỹ và phương Tây vẫn là mục tiêu hàng đầu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng châu Âu cũng khẳng định, không chấp nhận bất cứ cuộc đàm phán cũng như kết quả đàm phán nào mà không có sự tham gia của Ukraine.

Châu Âu đồng thời với việc tìm cách điều chỉnh để phù hợp những thay đổi bất ngờ trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đang chạy đua để can dự vào giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine. Cả Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ lần lượt tới Washington trong tuần này để thương thảo với Mỹ về một giải pháp chấm dứt xung đột có sự tham gia của Ukraine cũng như châu Âu.

Theo nguồn tin ngoại giao, lãnh đạo Pháp và Anh đã gửi bản dự thảo kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Anh và Pháp tại Ukraine cho Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thế nhưng, phía Nga cho đến nay vẫn tuyên bố không chấp nhận của bất cứ lực lượng giám sát lệnh ngừng bắn, gìn giữ hòa bình nào thuộc các quốc gia thành viên NATO tại Ukraine.

Đi tới hòa bình ở Ukraine vì thế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trở ngại song đó là con đường tất yếu phải đi. Như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong phát biểu đưa ra nhân tròn 3 năm cuộc xung đột Ukraine đã nhấn mạnh tới sự cấp thiết phải đạt được một đề xuất hòa bình "công bằng, bền vững và toàn diện" để chấm dứt xung đột này.

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/gap-ghenh-con-duong-dam-phan-cham-dut-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-post604321.antd