Gập ghềnh con đường phát triển taxi không người lái
Bên cạnh việc tạo dựng niềm tin về độ an toàn với công chúng, các công ty robotaxi cần chứng minh rằng mô hình kinh doanh của họ có thể cạnh tranh với taxi truyền thống…
Trên toàn thế giới, taxi không người lái (robotaxi) không còn là mới lạ. Từ các thành phố ở Mỹ như San Francisco, Phoenix, Los Angeles cho đến các khu vực đô thị ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, dịch vụ taxi tự hành đang được phát triển mạnh mẽ.
Các công ty hàng đầu như Waymo, Cruise, Baidu, Zoox đã đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển công nghệ taxi không người lái. Dù đã có những tiến bộ đáng kể, nhưng việc triển khai taxi không người lái vẫn đối mặt với nhiều trở ngại lớn. Từ vấn đề về an toàn giao thông, pháp lý, đến những thách thức trong hoạt động kinh doanh.
HÀNH TRÌNH GẬP GHỀNH
Vào năm 2023, giấc mơ robotaxi ở Mỹ gần như đã thành hiện thực. Việc gọi taxi không người lái đã nhanh chóng trở thành xu hướng mới ở San Francisco, nó đơn giản như việc đặt đồ ăn qua ứng dụng trên điện thoại.
Tuy nhiên, giấc mơ đó đã sụp đổ vào tháng 10, khi một vụ tai nạn nghiêm trọng ở trung tâm thành phố San Francisco liên quan đến phương tiện của hãng Cruise, một trong những công ty robotaxi hàng đầu của Mỹ. Sự cố này đã gây ra sự ngờ vực, phủ bóng đen lên tương lai của ngành này.
Không lâu sau đó, hãng Cruise lại xảy ra một vụ tai nạn khác, bang California đã đình chỉ hoạt động của Cruise ở địa phương này vô thời hạn và Cục Quản lý an toàn giao thông cao tốc quốc gia đã mở một cuộc điều tra với công ty. Kể từ đó, Cruise đã rút tất cả phương tiện ra khỏi đường phố và sa thải 24% lực lượng lao động.
Mặc dù vậy, các công ty robotaxi khác vẫn đang tiến lên phía trước. Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu về robotaxi bên cạnh Mỹ và nước này đang tiến hành theo cùng lộ trình với Mỹ. Tại các thành phố lớn ở hai quốc gia này, đội xe taxi tự động do các công ty như Waymo và Baidu điều hành vẫn đang phục vụ bất kỳ ai muốn dùng thử chúng.
Trung Đông cũng nhanh chóng có được chỗ đứng trong lĩnh vực này với sự giúp đỡ của các công ty tới từ Mỹ và Trung. Ả Rập Saudi đã đầu tư 100 triệu USD vào công ty khởi nghiệp robotaxi Pony.AI của Trung Quốc để đưa robotaxi tới thành phố Neom, một thành phố đang được xây dựng.
Trong khi đó, Dubai và Abu Dhabi đang cạnh tranh với nhau để trở thành thành phố đầu tiên ở Trung Đông thí điểm phương tiện không người lái với các phương tiện do hãng Cruise và WeRide cung cấp.
Các công ty Trung Quốc đã rất thông minh khi chạy đua bán hệ thống lái tự động của họ cho các công ty khác. Điều này cho phép họ kiếm lợi nhuận nhanh chóng bằng cách đưa công nghệ của mình vào các công ty dịch vụ kém tiên tiến hơn nhưng có nhu cầu cao hơn.
Trong khi đó, quá trình phát triển robotaxi ở châu Âu đang bị tụt lại phía sau, một phần vì các quốc gia nơi này thích triển khai các phương tiện tự lái như xe bus hơn thay vì taxi.
Đức, Anh và Pháp đã thực hiện chạy thử robotaxi trên đường nhưng hoạt động thương mại hóa dịch vụ này vẫn là một niềm hy vọng xa vời.
Có thể thấy, việc phát triển robotaxi đang là cuộc cạnh tranh giữa hai ông lớn Mỹ và Trung Quốc. Hai quốc gia này mang nhiều tham vọng để có thể vụt sáng trong ngành công nghiệp này.
Đơn vị robotaxi Zoox của Amazon cho biết, họ sẽ bắt đầu thử nghiệm các phương tiện tự hành của mình ở Austin, Texas và Miami, một động thái đánh dấu các địa điểm thử nghiệm robotaxi đầu tiên bên ngoài miền Tây nước Mỹ.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc cũng đã có những bước đi nhanh chóng hướng tới việc cho phép robotaxi hoạt động mở rộng ra những khu vực xung quanh thành phố.
Thành phố này đã tiến hành thử nghiệm robotaxi chạy trên tuyến đường dài, trong khoảng thời gian 40 phút giữa một ga tàu cao tốc lớn và khu vực ngoại ô ở phía nam.
THÁCH THỨC TÀI CHÍNH VÀ MỞ RỘNG QUY MÔ
Có nhiều mối nguy hiểm đang rình rập ngành công nghiệp này. Robotaxi lớn lên trong hoàn cảnh phải cạnh tranh với taxi truyền thống. Điều quan trọng hơn, các công ty robotaxi đang rất cần thu hồi vốn từ số tiền khổng lồ mà họ đã dùng cho việc thiết lập và vận hành.
Sau nhiều cuộc thử nghiệm robotaxi trên đường, các công ty đã chứng minh rằng robotaxi mang tiềm năng phát triển lớn, mặc dù nó vẫn là một “dấu hoa thị” trong lòng công chúng.
Nếu các công ty cố gắng tăng cường việc hoạt động và phát triển một cách quá nhanh, họ có nguy cơ sẽ nối gót hãng Cruise. Một nhà điều hành robotaxi lớn như Waymo cũng đang phải vận hành thận trọng và chậm lại.
Missy Cummings, Giám đốc Trung tâm robot và tự chủ Mason cho biết, một khi các hãng robotaxi xảy ra tai nạn, tin tức sẽ bùng nổ và làm công chúng thêm ngờ vực về độ an toàn của nó. Đây là một bài học lớn cho toàn bộ ngành công nghiệp này trong năm 2024.
Hiện tại, robotaxi chỉ hoạt động trong phạm vi ranh giới địa lý nghiêm ngặt được xác định trước, tuy một số ô tô không còn người điều khiển ở ghế lái nhưng vẫn yêu cầu người điều khiển từ xa trong trường hợp khẩn cấp.
Nhiều chiếc robotaxi bị giới hạn, không được đi vào những vùng khí hậu thất thường và khắc nghiệt vì có thể ảnh hưởng đến camera và cảm biến của ô tô.
Ramanarayan Vasudevan, Phó giáo sư về robot và kỹ thuật cơ khí tại Đại học Michigan cho hay, hệ thống này vẫn dựa vào sự giám sát từ xa của con người để hoạt động an toàn, đó là lý do tại sao nên gọi nó là “được tự động” thay vì tự động.
Ở Mỹ, hiện có bốn thành phố, nơi mọi người có thể đi taxi robot gồm San Francisco, Phoenix, Los Angeles và Las Vegas.
Các điều khoản để robotaxi được hoạt động khác nhau tùy theo thành phố. Một số nơi yêu cầu các hãng phải đăng ký danh sách chờ và mất vài tháng để hoàn tất, trong khi một số khác chỉ cho phép robotaxi vận hành trong một khu vực nhỏ.
Việc mở rộng dịch vụ robotaxi sang một thành phố mới đòi hỏi nỗ lực và chi phí ban đầu rất lớn. Khu vực hoạt động mới phải được lập bản đồ kỹ lưỡng và cập nhật liên tục, các nhà điều hành cũng phải mua thêm các công cụ vận hành để mọi việc đi vào hoạt động.
Một vấn đề đối với robotaxi là giá cước đắt hơn nhiều so với taxi truyền thống. Giá cước cao hơn chắc chắn sẽ ngăn chặn nhu cầu của khách hàng. Phó giáo sư tại Đại học Michigan khẳng định, ngoại trừ những người tò mò muốn dùng thử lần đầu, nếu robotaxi muốn giữ chân khách hàng, họ cần làm cho dịch vụ trở nên rẻ hơn so với các hình thức vận tải khác.
Đồng quan điểm, Bryant Walker Smith, phó giáo sư luật tại Đại học Nam Carolina, cũng bày tỏ lo ngại rằng, các công ty này đang cạnh tranh với chỉ một tài xế Uber, khi theo ước tính, robotaxi kiếm được mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu của một tài xế Uber có một chiếc ô tô giá trung bình.
Hơn thế, robotaxi gần như không thể làm tốt các dịch vụ chia sẻ chuyến đi, cho đến khi có nhiều robotaxi hơn có thể xuất hiện trên đường.
Cùng với đó, khi các công ty robotaxi liên tục đốt tiền từ các nhà đầu tư, họ không thu lại đủ lợi nhuận để bù đắp cho các khoản chi tiêu khổng lồ. Điều này còn áp lực hơn cả việc phát triển robotaxi. Các hãng robotaxi cũng đang đau đầu để cân bằng giữa doanh thu và chi phí tiềm năng.