Gập ghềnh đường lên An Lĩnh

Đường đến thôn Quang Thuận, xã An Lĩnh đá lởm chởm. Ảnh: LÊ TRÂM

An Lĩnh là xã miền núi. Tuy chỉ cách trung tâm huyện Tuy An 16km về phía tây nam nhưng đường về An Lĩnh mùa này vô cùng khó khăn.

Xứ sở của chuối

Đi trên tuyến ĐH32 (ĐH là đường huyện quản lý) từ Hòn Đồn xã An Nghiệp đến đầu thôn Phong Thái, xã An Lĩnh là “bắt dốc” lên thôn Quang Thuận, Phong Lãnh, Vĩnh Xuân (xã An Lĩnh). Xóm nhà qua các thôn nằm ở lưng chừng đồi núi, cuộc sống của người dân ở đây chủ yếu trồng chuối, nuôi bò. Len lỏi qua 6 thôn của xã, người đi đường bắt gặp những chiếc xe gắn máy “thồ” cỏ, người trong xóm gọi là xe cỏ.

Ông Võ Minh Lý ở thôn Phong Thái, cho hay: Người dân ở đây nuôi bò nên nhà nào cũng trồng cỏ voi cho bò ăn theo kiểu cuốn chiếu. Khi cỏ lớn bắt đầu cắt lứa đầu cho bò ăn từ bờ bên này rồi qua đến bờ bên kia thì cỏ bờ bên này lớn cắt lứa thứ 2, nên bò nuôi nhốt quanh năm. Sáng đi cắt cỏ, còn chiều ra rẫy chặt bắp chuối, vậy mà có người nuôi cặp bò đực bán gần 100 triệu đồng.

Vùng này 100 nhà thì có 99 nhà nuôi bò, trừ trường hợp đặc biệt già cả neo đơn. Riêng chuối thì nhà nào cũng có, trồng từ trong sân nhà ra đến ngoài rẫy. Người già neo đơn cũng ráng moi đất trồng bụi chuối chỗ chát nước hoặc vài bụi sau hè. Những cây chuối ra buồng hàng chục nải, người dân “chống gậy” cho chuối.

Ông Trần Văn Dân, người dân thôn Vĩnh Xuân trồng 3ha chuối, chia sẻ: Cây chuối mình nước phù hợp với loại đất có nhiều đá ở nơi này. Dân trong xã, nhà ít nhất trồng 5-10 bụi chuối, nhà nhiều trồng 2-3ha. Ở đây trồng sắn, mía còn có cây chết nhưng trồng chuối 100 cây sống cả 100. Một nải chuối thường nặng gần 2kg, còn một buồng chuối trung bình 10 nải, bán từ 180.000-200.000 đồng. Trung bình 1ha chuối thu 30 triệu đồng/năm. Trên vùng đất này, nhiều hộ trồng chuối xanh bạt ngàn, thu cả trăm triệu đồng/năm.

Thống kê của UBND xã An Lĩnh, diện tích chuối của xã là 635ha. Diện tích chuối cao hơn sắn, bắp, tương đương mía (diện tích sắn 122ha, bắp 82ha, mía 670ha). Đàn bò của xã hiện có 3.800 con, 100% là bò lai. Diện tích trồng cỏ là 20ha.

An Lĩnh còn “lưu giữ” địa danh đội, vùng. Từ đội 1 đến đội 10, vùng 1 đến vùng 6. Một đội từ 15-20 nóc nhà, một vùng 30-40 nóc nhà. Theo nhiều người dân ở đây, đội, vùng có từ rất lâu nên người dân truyền miệng gọi đến giờ. Trên địa bàn xã có 4 hệ thống mương, dẫn nước từ đập Đồng Kế, đập Đồng Cát, đập Đồng Máng và đập Hóc Đắng tưới 109ha/năm; đồng thời đáp ứng yêu cầu sinh hoạt dân sinh.

Ông Lê Văn Bình (74 tuổi) kể, ruộng ở đây nằm trước họng suối, ban đầu người dân đắp đập tạm ngăn lại dẫn nước vào ruộng, sau đó Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố. Nhờ có đập nên các gia đình chủ động trong việc canh tác, còn trước đây làm ruộng hứng nước trời, sản xuất bấp bênh năm được năm mất. “Vợ chồng tôi có 3 người con, hồi con còn nhỏ học tiểu học, khách đến nhà dọn cơm ăn, khách ngồi nhà trên nghe dưới bếp vét nồi cạo cơm cháy rột rột. Đi chợ lựa mua cá hố con don don, chớ không đủ tiền mua con trọng. Nay cuộc sống không thiếu thốn nữa, khách đến nhà không gà thì vịt hoặc một chầu cháo lòng. Khổ nhất hiện nay đối với bà con nơi này là đường đi lại vẫn còn gập ghềnh, đá lởm chởm”, ông Bình nói.

Khu dân cư của xã An Lĩnh. Ảnh: LÊ TRÂM

Khu dân cư của xã An Lĩnh. Ảnh: LÊ TRÂM

Giao thông đi lại khó khăn

An Lĩnh có 4 tuyến đường liên xã đi qua, đó là ĐH32, ĐH33, ĐH34 và ĐH37. Ông Nguyễn Văn Tạo ở thôn Quang Thuận, cho hay: Hàng ngày xe máy qua lại trèo dốc đá, lội suối, sụp hầm, sụp hố. Việc vận chuyển, trao đổi, mua bán hàng hóa phải tốn cước phí rất cao. Người dân của xã bao đời nay phải đi lại trên những con đường sình lầy vào mùa mưa, bụi mịt mù vào mùa nắng nóng rất khổ sở.

Cô Bùi Thị Kim Thương, giáo viên điểm trường mẫu giáo thôn Quang Thuận bày tỏ: Mong các cấp lãnh đạo về xem xét đầu tư đường giao thông để các cháu đi lại được dễ dàng, có điều kiện học tập, phát triển tốt hơn về trí tuệ lẫn thể chất.

Chủ tịch UBND xã An Lĩnh Nguyễn Ngọc Vương cho hay: An Lĩnh là xã ở vùng đồi núi còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, đường giao thông có tỉ lệ bê tông hóa thấp. Các tuyến đường ĐH được cấp trên quan tâm duy tu sửa chữa cấp phối đất hàng năm, nhưng do địa hình chủ yếu là đồi dốc nên khi có mưa lớn thì đường chỉ còn lại đá và nhiều hố rãnh lớn, rất nguy hiểm.

Đó là tuyến ĐH32 từ Hòn Đồn xã An Nghiệp đi An Lĩnh giáp ĐT643 với chiều dài tuyến 17,5km, đã được quan tâm đầu tư bê tông hóa 13,4km, trong đó đã nghiệm thu đưa vào sử dụng 6,5km, còn lại đang thi công. Nhân dân hưởng lợi hiến đất, hoa màu trên đất trong phạm vi ảnh hưởng của đường. Hộ dân hưởng lợi trực tiếp 1.058 hộ, với 3.690 khẩu. Đây là đường chính của xã, hàng hóa nông sản hầu hết đi qua tuyến này. Tuyến ĐH34 từ ngã 3 chợ Phong Thái, xã An Lĩnh đi xã An Hiệp, toàn tuyến dài 15,5km, còn 4,5km chưa bê tông hóa.

Riêng chiều dài trên địa bàn xã An Lĩnh khoảng 6,5km, mới bê tông hóa 2,5km, hiện nay đi lại rất khó khăn, độ dốc 14% nhiều khúc cua khuất tầm nhìn rất nguy hiểm. Đây là tuyến liên xã dùng để giao lưu buôn bán trao đổi hàng hóa giữa 2 xã An Lĩnh, An Hiệp. Số hộ hưởng lợi trực tiếp là 325 hộ. Riêng tuyến ĐH37 từ xã An Nghiệp đi An Lĩnh dài 4km đã được bê tông hóa 100%. Tuyến ĐH33 từ thị trấn Chí Thạnh đi An Lĩnh dài 13km, đã được bê tông hóa toàn tuyến.

“Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các tuyến đường chính ĐH trên địa xã được bê tông hóa một phần, nhân dân trên địa bàn xã rất biết ơn sự quan tâm này. Tuy nhiên, vẫn còn 8,6km chưa được đầu tư cứng hóa. Đây là những tuyến giao thông chính của xã, rất mong các cấp, ngành quan tâm đầu tư để người dân đi lại được thuận lợi, đồng thời để xã đạt tiêu chí số 2 giao thông và về đích nông thôn mới trong năm 2021”, ông Vương nói.

Trao đổi vấn đề này, ông Trần Văn Biên, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tuy An, cho biết: Tuyến đường chưa được đầu tư, cơ bản là nền đất, sỏi, đá. Vào mùa mưa sạt lở sâu cho nên bà con đi lại hết sức khó khăn. Huyện không có nguồn kinh phí để đầu tư, mà chỉ có thể duy tu tạm thời phục vụ bà con đi lại trong dịp Tết, đến mùa mưa tiếp tục sạt lở. Đây là địa phương có đường đi lại khó khăn nhất trong huyện.

Thời gian qua, từ nguồn kinh phí Trung ương, tỉnh đã đầu tư trên 40 tỉ đồng để bê tông hóa 2 tuyến đường xã An Lĩnh, còn lại 2 tuyến ĐH chưa được đầu tư hoàn thiện. Hiện nay việc đi lại sinh hoạt của người dân cũng như học hành của các cháu học sinh qua lại tuyến đường này gặp nhiều khó khăn…

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/250172/gap-ghenh-duong-len-an-linh.html