Gặp gỡ chuyên gia qua cuộc khảo sát tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch kinh tế sông, kinh tế ban đêm

Nhân chuyến khảo sát tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch (DL), kinh tế sông, kinh tế ban đêm ở Sóc Trăng, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc gặp gỡ với các chuyên gia về hướng đầu tư phát triển tiềm năng dịch vụ, DL của tỉnh trong tương lai.

* Tiến sĩ Lê Cao Thanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh: “Tư duy đổi mới để phát triển DL trên sông”

Sóc Trăng nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tiếp giáp biển Đông với bờ biển dài 72km. Sóc Trăng có sông Hậu chảy qua với 3 cửa sông lớn là Trần Đề, Định An và Mỹ Thanh, đây là điều kiện rất thuận lợi trong phát triển giao thông đường thủy. Trên địa bàn còn có tuyến Quốc lộ 1A (từ TP. Hồ Chí Minh qua Cần Thơ, đi Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau); có Quốc lộ 60 nối Sóc Trăng với các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Tiền Giang. Điều kiện đó cho phép Sóc Trăng kết nối thuận lợi với DL ĐBSCL và cả nước. Sắp tới đây, Sóc Trăng sẽ là một trung tâm cảng lớn của ĐBSCL đã được quy hoạch. Trên cơ sở đó, để phát triển DL Sóc Trăng, chúng ta cần đổi mới về tư duy. Xưa nay, DL của Việt Nam đến Sóc Trăng là điểm cuối của tour DL, nhưng nếu chúng ta đổi mới tư duy mà phát triển DL đường sông, thì Sóc Trăng chính lại là điểm đầu của tour DL quốc tế. Cảng Trần Đề sẽ được mở ra, đó là cơ hội rất lớn cho Sóc Trăng phát triển DL.

Sóc Trăng có tài nguyên DL sinh thái khá lớn, đặc biệt là dải cù lao trải dài từ huyện Kế Sách, Long Phú đến Cù Lao Dung có không khí trong lành và nhiều cây trái nhiệt đới, nổi tiếng nhất là cồn Mỹ Phước, cồn Song Phụng và Cù Lao Dung. Sóc Trăng còn có 10.631ha rừng ngập mặn ven biển, còn đậm nét hoang sơ, phân bố ở huyện Trần Đề, Vĩnh Châu và Cù Lao Dung. Đặc biệt, huyện đảo Cù Lao Dung, chúng ta sẽ biến thành đảo DL. Cùng với mỗi đảo đó, nên phát triển cảng đường sông, có tàu DL không chỉ của Sóc Trăng mà có cả tàu DL lớn, du thuyền quốc tế ghé tham quan danh lam thắng cảnh; từ đó mỗi tour DL sẽ kết nối với Cần Thơ lên An Giang sang Campuchia ngắm phong cảnh của sông Mêkong. Còn TP. Sóc Trăng có sông Maspéro nối dài đến ngã tư Sung Đinh, chúng ta có thể khai thác tour DL văn hóa tâm linh, DL văn hóa lễ hội - ẩm thực - mua sắm; DL kết hợp làm đẹp và chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng.

Đối với DL sông nước lễ hội như: tổ chức Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo hàng năm, chúng ta nên phát triển thích hợp loại hình văn hóa, nghệ thuật. Chính vì vậy, nên xây dựng một công trình điểm nhấn, như xây dựng nhà văn hóa 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa mang đậm nét đa sắc màu; cải tạo dòng sông, phát triển phố đi bộ, phố ẩm thực. Theo tôi. nên phát triển 3 phố ẩm thực khác nhau như: ẩm thực người Việt, ẩm thực người Khmer và ẩm thực người Hoa để cho du khách trải nghiệm. Dọc theo tuyến đó, chúng ta nên tổ chức hệ thống bán hàng OCOP để khách DL tới tham quan mua sắm, còn dọc theo Sung Đinh, có thể quy hoạch các điểm du lịch sinh thái.

Đối với Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng, chúng ta có thể duy trì DL sinh thái rừng tràm kết hợp văn hóa về nguồn để cho các thế hệ trẻ trong tỉnh và các tỉnh lân cận đến tham quan nhớ về truyền thống. Còn DL văn hóa chợ nổi Ngã Năm, cần tôn tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu trung tâm chợ, xây dựng thiết chế bảo vệ môi trường, điều chỉnh quy hoạch dịch vụ thương mại khu vực chợ nổi…

* Ông Nguyễn Văn Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Môi trường xanh Việt Nam và Toàn cầu: “Sóc Trăng là một vùng đất mới để phát triển DL”

Sóc Trăng là vùng đất có nhiều tài nguyên văn hóa đặc sắc, trong đó sự giao thoa một cách rõ nét của văn hóa 3 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa, tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn. TP. Sóc Trăng chính là nơi tập trung nhiều nhất về tài nguyên văn hóa với rất nhiều ngôi chùa, di tích lịch sử công trình văn hóa và lễ hội. Sự kết hợp tài nguyên văn hóa tập trung của TP. Sóc Trăng và các huyện, thị xã tạo ra tiềm năng lớn phát triển DL văn hóa hơn hẳn nhiều tỉnh, thành ĐBSCL và Việt Nam, có thể khai thác phát triển thành thương hiệu DL của tỉnh đưa Sóc Trăng trở thành một điểm DL văn hóa lớn trong khu vực ĐBSCL.

Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương rất nhiệt tình, thân thiện, chu đáo. Chúng tôi đến Sóc Trăng tìm hiểu để có cơ hội đầu tư phát triển DL, với mong muốn góp một phần nào đó cho sự phát triển chung của tỉnh cũng như ngành DL Sóc Trăng. Qua chuyến khảo sát tiềm năng phát triển DL, chúng tôi cảm thấy tuyệt vời với những cảnh quan trên tuyến sông; đặc biệt tại cồn Nổi số 3, thuộc xã Song Phụng, huyện Long Phú là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển DL. Trong tương lai, nếu đầu tư đúng tầm, định hướng tốt, xây dựng cồn Nổi số 3 này phát triển thành trung tâm DL, Khu sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với sân golf, cộng với một số dịch vụ loại hình DL rất có tiềm năng…

THẠCH PÍCH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/gap-go-chuyen-gia-qua-cuoc-khao-sat-tiem-nang-phat-trien-dich-vu-du-lich-kinh-te-song-kinh-te-ban-dem-56708.html