Gặp gỡ giáo sư nông học Võ Tòng Xuân

Tết này, GS Võ Tòng Xuân bước qua tuổi 81, nhưng “cha đẻ của cây lúa” ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn rất hào sảng đúng chất “ông già Nam Bộ”. Lịch làm việc của ông dày kín với công tác quản lý, vẫn ngày ngày nghiên cứu, tư vấn về nông nghiệp, cây trồng hướng về người nông dân…

Tôi vinh dự được hầu chuyện vị Anh hùng lao động, giáo sư nông học trọn đời nghiên cứu về nông nghiệp và cây lúa. Ông vẫn còn nhiều ấp ủ với các dự án nông nghiệp ở các địa phương với mong muốn giúp người nông dân thoát nghèo.

CON NHÀ NGHÈO VÀ ƯỚC MƠ DU HỌC

GS Võ Tòng Xuân ở tuổi ngoài 80 vân rất hào sảng trong câu chuyện tâm nông. Ảnh: TRẦN QUỚI

GS Võ Tòng Xuân ở tuổi ngoài 80 vân rất hào sảng trong câu chuyện tâm nông. Ảnh: TRẦN QUỚI

Nhà nghèo, đông anh em, tuổi thơ của GS Võ Tòng Xuân gắn liền với cơ cực, thiếu thốn. Ðể có thể học trung học đệ nhứt cấp (nay là THCS), cậu học trò vùng Bảy Núi (An Giang) phải lên Sài Gòn ở đậu và làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Năm cuối trung học, Võ Tòng Xuân bị bệnh lao phổi nằm liệt giường, kỳ thi tú tài II năm 1960, ông bị rớt lại. Khỏi bệnh, ông lại kiếm tiền và tiếp tục học và thi tú tài II hạng ưu.

Ông khao khát được du học. Không thể đến các quốc gia lớn, ông âm thầm “săn” suất học bổng trường đại học ít người chú ý: Ðại học Nông nghiệp tại Los Banos (Philippines).

Nhận tin con được học bổng du học, ba má ông vừa mừng vừa khóc. Chạy vạy khắp nơi, má mượn được một khoản tiền vừa đủ sắm cho ông bộ veston, đôi giày da và tiền vé máy bay. Thiệt may, khi đến Philippines nhập học, Quỹ Rockefeller tài trợ tiền vé máy bay, ông quyết định dùng số tiền này mua một máy ảnh Pentax, một cái radio National để học tiếng Anh và tập chụp hình làm cần câu cơm. Chụp hình và viết báo là thu nhập chính giúp ông hoàn thành chương trình đại học và học lên thạc sĩ.

Võ Tòng Xuân đăng ký học ngành Nông hóa, chuyên về sản xuất đường mía. Sau này biết mình chọn sai hướng khi không chọn cây lúa, lĩnh vực mà đất nước đang rất cần, Võ Tòng Xuân quyết định sửa sai, ông học tiếp cao học về chuyên ngành cây lúa và trở thành chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).

Ông được Viện IRRI giữ lại, vậy nhưng, Võ Tòng Xuân một mực về quê. Ðất nước còn chiến tranh, lúa gạo vô cùng thiếu thốn, chắc chắn sau chiến tranh lúa gạo cũng tiếp tục cần. Ông nghĩ vậy và khăn gói về làm việc cho Viện Ðại học Cần Thơ. Vừa làm công tác giảng dạy, vừa nhân rộng các giống lúa cao sản và tiếp tục nghiên cứu, bất chấp cuộc sống khó khăn với đồng lương ít ỏi.

Thu hoạch bằng cơ giới trên cánh đồng Phú Lâm, TP. Tuy Hòa - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Thu hoạch bằng cơ giới trên cánh đồng Phú Lâm, TP. Tuy Hòa - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

GS Jun Inouye đến từ Nhật Bản trong chương trình hợp tác, cũng rất mê say cây lúa. Hai chí hướng lớn gặp nhau, cùng bắt tay nghiên cứu các loại giống lúa, kết quả nghiên cứu được tạp chí Crop Science (Nhật Bản) đăng liên tiếp 3 kỳ. GS Inouye giới thiệu để Võ Tòng Xuân làm nghiên cứu sinh tại Ðại học Kyushu. Tháng 2/1975, bảo vệ xong luận án, TS Võ Tòng Xuân một lần nữa chọn quê hương để cống hiến.

NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VÀ NĂNG LƯỢNG SẠCH

Từ xa xưa hay hiện đại, nông nghiệp đều nuôi sống con người. Chỉ khác là ngày nay, làm nông nghiệp phải ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nông nghiệp 4.0! Theo GS Võ Tòng Xuân, cánh đồng Tuy Hòa là vựa lúa miền Trung, tư liệu làm giàu cho nhà nông là đây. Bây giờ làm lúa, làm nông nghiệp dứt khoát phải là lúa cao sản, nông nghiệp công nghệ cao. Gạo phải xuất khẩu giá cao chứ không chỉ để ăn no.

GS Võ Tòng Xuân cả đời gắn bó với cây lúa từ khắp Ðồng bằng sông Cửu Long cho tới nhiều nước châu Phi, châu Á. Nhưng ông không bảo thủ. “Không nhất thiết phải trồng lúa bằng mọi giá, với những chân đất không phù hợp. Tăng năng suất và chất lượng, áp dụng công nghệ cao để có thể làm giàu từ cây lúa. Vùng đất không phù hợp nên mạnh dạn chuyển đổi, đó cũng là tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ thay bằng những cây/con giá trị cao, sẽ mang lại nền kinh tế phát triển bền vững”, GS Xuân nói.

Lần này, GS Võ Tòng Xuân mang đến một thông tin vui rất đáng để các địa phương quan tâm, một giống cây mới phục vụ cho năng lượng sạch - điện sinh khối: cây Sorghum (cao lương, bo bo, lúa miến). Cây cao lương ngoài làm thực phẩm còn là nguyên liệu tuyệt vời cho công nghệ sản xuất điện sinh khối, dạng năng lượng sinh học, thân thiện với môi trường. Ðặc điểm nổi trội của cây cao lương là có chu kỳ sinh trưởng ngắn (khoảng 100-110 ngày/vụ), mỗi năm có thể trồng 2-3 vụ, sử dụng ít nước và phân, có khả năng chịu hạn, mặn…

GS Võ Tòng Xuân đã có thời gian hợp tác và nghiên cứu cây cao lương và các dự án điện sinh khối với Công ty Tín Thành, chuyên sản xuất điện sinh khối tại Mỹ, đang đầu tư mang lại hiệu quả tại một số địa phương trong nước. Cây cao lương có triển vọng thay thế cây lúa, mía tại những vùng đất kém hiệu quả. Người nông dân hoàn toàn yên tâm đầu ra khi được dự án bao tiêu toàn bộ.

Dù đã ở tuổi bát tuần, nhưng nhiệt huyết vẫn nguyên vẹn trong GS Võ Tòng Xuân như ngày nào. “Mình còn sức khỏe thì còn làm việc, toàn tâm, toàn lực cho sự nghiệp trồng người và ngành Nông nghiệp, mong người nông dân làm giàu trên mảnh đất quê mình. Cây cao lương và dự án điện sinh khối đang là đề tài mà tôi quan tâm, hy vọng cây này sẽ làm giàu cho nông dân và các địa phương”. GS Xuân bộc bạch.

GS.TS Võ Tòng Xuân sinh năm 1940, quê huyện Tri Tôn, An Giang. Ông được Nhà nước phong hàm Giáo sư nông học (1980), Anh hùng lao động (1985), Nhà giáo nhân dân (1999). Ông là đại biểu Quốc hội 3 khóa liền: II, III, IV. Hiện ông là Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ.

GS.TS Võ Tòng Xuân từng được bộ, ngành, chính phủ các nước: Pháp, Canada, Australia, Nhật Bản, Philippines và nhiều nước châu Phi vinh danh.

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/252222/gap-go-giao-su-nong-hoc-vo-tong-xuan.html