Triển vọng từ mô hình trồng cây mắc ca kết hợp nuôi ong mật

Mắc ca là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, hạt mắc ca được sử dụng rộng rãi trong ngành chế biến thực phẩm cao cấp. Nhận thấy giá trị mà cây trồng này mang lại, anh Nông Đức Lập, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và bước đầu thành công từ mô hình trồng cây mắc ca kết hợp với nuôi ong mật.

Cây mắc ca có nguồn gốc từ Úc, được du nhập vào Việt Nam và trồng nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên. Hạt mắc ca nổi tiếng với sự thơm ngon, nhiều dinh dưỡng, do đó, các loại thực phẩm, bánh kẹo được chế biến từ hạt mắc ca đều có giá thành cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau khi tham quan nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh và nhận thấy cây mắc ca có thể sinh trưởng, phát triển tốt và cho quả với năng suất tương đối cao, anh Nông Đức Lập, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng quyết định khởi nghiệp với loại cây trồng này.

Anh Nông Đức Lập, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng kiểm tra sự phát triển của đàn ong

Anh Nông Đức Lập, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng kiểm tra sự phát triển của đàn ong

Anh Lập cho biết: Cuối năm 2018, tôi khởi nghiệp với việc trồng cây mắc ca. Để thành công thì giống cây phải được cung cấp từ những nhà vườn uy tín, vì thế, tôi đã trực tiếp đến Công ty TNHH MTV mắc ca - sa chi huyện Cao Lộc để tham quan và mua cây giống về trồng. Công ty cũng cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi có thu hoạch. Ban đầu tôi chỉ trồng hơn 100 cây, sau 2 năm chăm sóc, thấy cây phát triển tốt, tôi tiếp tục nhập thêm cây giống về trồng. Đến nay, tôi đã có vườn mắc ca 200 cây, trong đó 100 cây đang cho thu hoạch, số còn lại bắt đầu bói quả.

Để cây mắc ca phát triển tốt và cho hạt đạt chất lượng cao, anh Lập đã chủ động nghiên cứu các tài liệu trồng, chăm sóc cây mắc ca, đồng thời thường xuyên học hỏi, trao đổi từ những người trồng có kinh nghiệm, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Cùng đó, khi trồng tuân thủ nghiêm ngặt khoảng cách giữa các cây, quy trình trình chăm sóc, giữ ẩm và phòng bệnh cho cây. Đặc biệt, mắc ca là cây lâu năm, có tán dày, cành tán phân bố không đồng đều, vì vậy, cần thường xuyên cắt tỉa cành, tạo tán, loại bỏ cành bị sâu bệnh, cụm cành mọc trong tán để cây thoáng và phát triển tốt.

Đặc trưng của khí hậu tỉnh Lạng Sơn là mưa nhiều vào mùa xuân, đây cũng là thời điểm cây mắc ca ra hoa. Nếu cây ra hoa đúng thời điểm mưa nhiều, hoa dễ bị thối và không thể đậu quả. Khắc phục tình trạng này, cần có biện pháp kích thích cây ra hoa trước thời điểm mưa xuân xuất hiện. Chính vì vậy, ngay từ tháng 11 hằng năm, anh Lập đã chủ động cắt tỉa cành nhánh, cành không có khả năng ra hoa, đậu quả để dinh dưỡng tập trung vào cành chính, bổ sung phân chuồng, phân vi lượng kết hợp thường xuyên cấp ẩm, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học để kích thích cây bật nụ sớm. Nhờ đó, cây ra hoa trước thời điểm mưa xuân, tỉ lệ đậu quả cao. Năm 2023, 100 cây mắc ca trong vườn nhà anh Lập đã cho quả, thu được hơn 100 kg hạt mắc ca tươi, giá bán 70.000 đồng/kg cho thu nhập hơn 7 triệu đồng. Trong năm nay, dự kiến 100 gốc còn lại sẽ cho thu hoạch.

Bên cạnh đó, quá trình trồng và chăm sóc cho thấy cây mắc ca ra rất nhiều hoa, vì vậy, anh đã tận dụng nguồn hoa này để nuôi ong nhằm tăng thêm nguồn thu. Mật ong hoa mắc ca có màu vàng chanh, vị thơm mát, dịu nhẹ, mùi hoa mắc ca đặc trưng chứ không ngọt sắc như các loại mật ong thông thường nên được nhiều người ưa chuộng. Từ 12 đàn ong của gia đình, năm 2023, anh đã thu được 40 lít mật, mỗi lít bán 250.000 đồng. Nhờ đó, anh có thu nhập10 triệu đồng từ mật ong.

Kinh phí đầu tư, chăm sóc cây mắc ca trong 4 năm đầu cho 200 cây khoảng 60 triệu đồng bao gồm cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công... Cây mắc ca trong tự nhiên mọc từ hạt có tuổi thọ hàng trăm năm, những cây trồng với mục đích kinh tế (trồng từ cành ghép) có tuổi thọ khoảng 40 – 60 năm. Cây trồng từ cành ghép, sau 7 năm có thể cho thu hoạch khoảng 30 kg hạt tươi/cây/năm. Như vậy, nguồn thu nhập từ cây trồng này trong thời gian tới là không nhỏ và tương đối bền vững.

Anh Đỗ Văn Thuần, Phó Bí thư Huyện đoàn Hữu Lũng cho biết: Sau gần 6 năm kiên trì trồng và chăm sóc, đến nay, mô hình trồng cây mắc ca kết hợp nuôi ong lấy mật hoa mắc ca của anh Nông Đức Lập, xã Đồng Tiến đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Trong thời gian qua, Huyện đoàn thường xuyên giới thiệu đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện đến tham quan, học hỏi cách khởi nghiệp với cây mắc ca từ anh Lập với mong muốn tiếp thêm động lực cho thanh niên tham gia phát triển kinh tế tại địa phương.

Tại Cuộc thi thanh niên khởi nghiệp huyện Hữu Lũng năm 2023, dự án trồng cây mắc ca kết hợp nuôi ong lấy mật hoa mắc ca của anh Nông Đức Lập, xã Đồng Tiến được Ban tổ chức đánh giá là mô hình có tính khả thi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế. Mô hình hiệu quả cũng là cơ sở để người dân trên địa bàn huyện đầu tư, phát triển cây trồng này, tạo vùng sản xuất nguyện liệu hạt mắc ca trên địa bàn huyện, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tại cuộc thi, dự án trồng cây mắc ca kết hợp nuôi ong lấy mật hoa mắc ca xuất sắc đạt giải nhì (không có giải nhất).

THỤC QUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/trien-vong-tu-mo-hinh-trong-cay-mac-ca-ket-hop-nuoi-ong-mat-5013854.html