Gặp gỡ Kobi Lê Ngọc Tú - 'kỷ lục gia' bóng rổ cận thị và ăn chay
Nếu không có bóng rổ, có lẽ bây giờ Tú Kobi đang là nhân viên ngân hàng Lê Ngọc Tú.
Lê Ngọc Tú
Nickname Tú Kobi
Sinh năm 1990
Chiều cao: 1m82
Tốt nghiệp ngành Tiếng Anh thương mại của ĐH Ngân hàng TP.HCM
Đang thi đấu cho HCM City Wings
Danh hiệu Nội binh xuất sắc nhất VBA 2016 và 2020
Á quân VBA cùng Ho Chi Minh City Wings (2016) và Hanoi Buffaloes (2018)
Kỷ lục ghi điểm trong một trận của nội binh VBA - 34 điểm
Chân dung chàng cầu thủ vừa cận thị vừa loạn thị và ăn chay
Một cầu thủ bóng rổ vừa cận thị vừa loạn thị sẽ thi đấu thế nào đây? Liệu anh ta có ổn không? Người khác thì không rõ nhưng với Tú Kobi, mọi chuyện đều ổn, thậm chí hơn cả ổn. Xem Tú thi đấu, có lẽ không ai nghĩ rằng anh đeo kính từ năm lớp 6, hiện tại đang cận thị khoảng 2 - 3 độ và loạn thị khoảng 1 - 2 độ.
Ở ngoài đời, Tú vẫn đeo kính bình thường nhưng trên sân thì không, kể cả kính áp tròng. "Mình vẫn thấy sân, rổ và đồng đội còn nhìn lên khán đài thì không. Tất nhiên nhìn rõ nét mọi thứ khi thi đấu là tốt nhưng mình đã chơi bóng mà không đeo kính mười mấy năm rồi thành ra quen. Bây giờ đeo kính vô có khi lại không chơi tốt vì nhìn quá... rõ" - Tú tiết lộ.
Một điểm gây bất ngờ nữa ở Tú Kobi là chàng cầu thủ bóng rổ này ăn chay. Nghe hơi vô lý đúng không? Vì ai cũng biết các VĐV thường phải nạp nhiều protein và đây là giải thích từ Tú Kobi:
"Lượng protein này không nhất thiết phải từ động vật mà có thể từ thực vật. Việc ăn chay chỉ làm khuyết vitamin B12 nhưng mình có thể uống thực phẩm bổ sung được. Xu hướng bây giờ có nhiều VĐV ăn chay, nhất là ở nước ngoài, họ ăn chay trường luôn. Bởi thịt mỡ khiến cho dạ dày phải làm việc nhiều hơn, cần nhiều thời gian mà dạ dày phải hoạt động ở trạng thái tốt mới giúp cho mình thi đấu tốt hơn. Bản thân mình nhận thấy ăn ít thịt trong ngày thi đấu thì cơ thể nhẹ nhàng".
Ở VBA (Vietnam Basketball Association - Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam), Tú Kobi còn đặc biệt theo một cách khác - sở hữu những danh hiệu, kỷ lục và phong cách thi đấu khiến nhiều người phải thán phục.
Ngay mùa VBA đầu tiên - VBA 2016, trong màu áo "Anh Hai đại bàng" - HCM City Wings, Tú Kobi đã có danh hiệu Nội binh xuất sắc nhất năm (Local Player of the Year). Năm 2017, khi thi đấu cho Saigon Heat, Tú lập kỷ lục ghi điểm của nội binh trong một trận đấu với 30 điểm. Sau đó liên tiếp là những lần tự phá kỷ lục của chính mình ở con số 33 và 34 điểm. Năm 2020, Tú Kobi một lần nữa giành được danh hiệu Nội binh xuất sắc nhất năm.
Những kết quả này có được một phần là nhờ phong cách thi đấu đơn giản nhưng hiệu quả của Tú Kobi. Ở trên sân, chàng cầu thủ toát ra một sự điềm tĩnh, lạnh lùng đặc trưng. Ngay cả khi ghi điểm xong Tú cũng không ăn mừng cuồng nhiệt mà quay trở lại nhịp thi đấu ngay lập tức.
"Từ khi mới chơi bóng rổ mình đã như vậy rồi. Ăn mừng, la hét không phải là phong cách của mình và sau khi ghi điểm mình thường về phòng thủ ngay. Nhiều lúc mình thực hiện được một cú ném quyết định, trong tình huống quan trọng hay sau 1 thời gian áp lực vì không thể hiện được bản thân thì cũng rất vui nhưng ăn mừng rất ít" - Tú nói.
Hiện tại ngoài thi đấu, Tú Kobi có lớp dạy bóng rổ. Không chỉ Tú mà hầu hết các cầu thủ bóng rổ đều có nghề "tay trái" như đi dạy hoặc kinh doanh. Chàng cầu thủ tiết lộ: "Mỗi cầu thủ ở mỗi CLB sẽ có mức lương khác nhau nhưng mình nghĩ con số trung bình rơi vào khoảng 15 triệu. Mà để một cầu thủ ăn uống - bồi bổ - tập luyện chỉn chu thì ngần đó sẽ không đủ, thậm chí phải cao hơn gấp đôi".
Không thể "cúp" làm để thi đấu, nên đã chọn bóng rổ thay vì ngân hàng
Trước khi có được như ngày hôm nay, Tú Kobi đã đi qua 1 chặng đường dài.
Trong suốt những năm cấp 2 Tú chỉ biết đến bóng đá hay đá cầu, quả bóng cam là thứ có phần xa lạ. Phải đến khi lên cấp 3, cậu học trò gầy gò và cận thị mới bắt đầu làm quen với bóng rổ với 1 lý do khá bị động, trường có sân bóng. "Lúc đó mình chơi cho vui, trong những giờ ra chơi hoặc nán lại lúc ra về chứ không ai chỉ bảo gì hết" - chàng cầu thủ kể lại.
Lớp 11, Tú được chọn vào đội bóng rổ của trường. Gần hết lớp 12 - năm 2008, nam sinh Lê Ngọc Tú được gọi lên tập trung đội TP.HCM, đại diện thành phố đi Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Hết giải, Tú chính thức được vào đội bóng rổ của TP.HCM, tập luyện và thi đấu ở giải vô địch quốc gia.
Năm 2011, chàng trai 21 tuổi lần đầu tiên được khoác áo tuyển quốc gia tham dự SEA Game 26 tại Indonesia. Ở thời điểm đó, cả Tú lẫn bóng rổ Việt Nam đều non trẻ. Dẫu vậy Tú và đồng đội cũng không khỏi hụt hẫng vì thua đậm trước Thái Lan và Philippines, xếp thứ 6 trong 8 đội tham gia.
Song song với lịch tập luyện và thi đấu, Tú Kobi vẫn theo học ngành Tiếng Anh thương mại của ĐH Ngân hàng TP.HCM. Tú còn đi thực tập ở ngân hàng ACB và dự định sẽ làm việc ở đây. "Nhưng lúc đó mình mê quá mà nếu đi làm ngân hàng thì chắc chắn phải bỏ bóng rổ. Mình không thể bỏ làm để thi đấu được nên cuối cùng đã chọn bóng rổ. Lúc đưa ra quyết định mình không nghĩ nhiều vì chơi bóng rổ ở CLB TP.HCM có lương nên không áp lực lắm" - Tú nhớ lại.
Năm 2016, VBA ra đời, Lê Ngọc Tú khoác áo HCM City Wings. Năm 2017, anh chuyển sang Saigon Heat nhưng sau VBA Draft 2018, Tú Kobi và "Ông Ba Mươi" không tìm được tiếng nói chung. Chàng cầu thủ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không thể ở lại mà cũng chẳng thể về đội bóng cũ. Lúc đó, Tú đã có bài đăng khá dài và cho biết mình "đã thấm mệt và đến lúc cần nghỉ ngơi". Chia sẻ này khiến cả làng bóng rổ bất ngờ và tiếc nuối. May thay, một thỏa thuận giữa Hanoi Buffaloes, Saigon Heat và Danang Dragons được thiết lập, Tú Kobi chuyển về thi đấu cho "Trâu Thủ đô".
Bây giờ, khi nghĩ lại câu chuyện năm đó, Tú chỉ cười: "Trong lúc mình cảm thấy mọi chuyện không được như ý thì mình nghĩ tiêu cực như vậy. Bây giờ nhìn lại, nếu lúc đó dừng thật thì có lẽ mình sẽ rất hối tiếc".
Bạn gái cũng là fan và cũng là đồng nghiệp
Gần đây bóng rổ đã được nhiều người chú ý hơn nhưng so với bóng đá vẫn có sự cách biệt không hề nhỏ. Chia sẻ cảm giác của một VĐV ở môn thể thao không-phải-bóng-đá, Tú cho biết:
"Khi chưa có VBA, bóng rổ giống như nhiều bộ môn khác, VĐV có thể hơi chạnh lòng vì ít có cơ hội thể hiện, ít được mọi người biết đến như các cầu thủ bóng đá. Sau này VBA làm truyền thông rất tốt, đưa các cầu thủ đến gần công chúng hơn. Nên mình nghĩ chỉ 1 thời gian nữa, nếu các cầu thủ thể hiện được mình sẽ có hình ảnh tốt hơn nhiều so với trước đây".
Và trong số những lý do khiến bóng rổ nhận được sự quan tâm của dân tình, nhất là các fan nữ, đến từ các VĐV. Vẻ ngoài nam tính, điển trai, chiều cao vượt trội, vóc dáng cân đối và sự tập trung khi thi đấu,... tất cả tạo nên sự thu hút khó cưỡng. "Chơi thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh. Với các VĐV bóng rổ, khi tập luyện tốt sẽ có thể hình đẹp và đem lại sự tự tin khi ra đường" - Tú Kobi giải thích từ góc nhìn từ người trong cuộc.
Bản thân Tú Kobi cũng có một "fan" nữ kiêm đồng nghiệp đặc biệt. Đó là Diễm Trân (SN 1999) bạn gái anh, đồng thời là VĐV trong CLB bóng rổ TP.HCM. Cặp đôi đã hẹn hò được khoảng 2 năm.
"Mọi chuyện diễn ra với tụi mình khá bình thường và tự nhiên chứ không có gì đặc biệt gay cấn. Ở cùng CLB nhưng khi tập luyện, tụi mình cũng chỉ gặp nhau 1 - 2 lần trên sân. Lúc đó ấn tượng đầu tiên của mình với Trân là hiền, dễ thương mà có phẩm chất riêng khi thi đấu mà mình khá thích. Sau đó thì 2 đứa từ từ làm quen, tìm hiểu rồi quen (tức là hẹn hò) nhau thôi" - Tú ngại ngùng kể về người ấy.
Với Tú, có người yêu cũng chơi bóng rổ giúp anh dễ chia sẻ hơn, cùng nhau nói về ưu điểm, khuyết điểm sau mỗi trận đấu: "Khi gặp khó khăn trong tập luyện và thi đấu, tụi mình cũng cũng dễ dàng thấu hiểu nhau hơn. Hết tập thì còn có thể giúp đối phương phục hồi bằng những động tác cơ bản như căng cơ,... Tụi mình chỉ đơn giản vậy". Tú Kobi cứ bảo đơn giản nhưng có lẽ bao người đang mong có được tình yêu, tình đồng nghiệp và tình bạn vạn người mê như của cặp đôi này đây nhỉ?