Gặp gỡ NATO: Dõi mắt cách 'ghế nóng' quân sự Mỹ 'đương đầu' với bờ vực xung đột
Chỉ mới có một ngày làm việc, tân quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đang đi tới châu Âu để 'du thuyết' các đồng minh NATO vốn đầy lo ngại.
Theo AP, ông Esper cần thuyết phục các đồng minh NATO -đang ngày càng cảnh giác với chính quyền Trump về các lệnh trừng phạt và vấn đề an ninh của Iran ở Trung Đông. Châu Âu cũng lo ngại rằng Hoa Kỳ và Cộng hòa Hồi giáo có thể đang trên con đường chiến tranh.
Khi rời khỏi máy bay tại Brussels vào thứ ba, ông Esper cũng sẽ phải đảm bảo với các đối tác quốc tế và các chỉ huy quân sự trong khu vực rằng quân đội Mỹ vẫn duy trì được năng lực và sự ổn định mặc dù Tổng thống Donald Trump đã có ba người đứng đầu Lầu Năm Góc trong vòng bảy tháng qua.
Đây là một nhiệm vụ nặng nề cho một nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc tạm thời vào thời điểm toàn cầu đang không chắc chắn về một loạt các chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ - không chỉ đối phó với Iran mà còn chống lại Trung Quốc và Nga, ngăn chặn sự hồi sinh của nhóm Nhà nước Hồi giáo IS và chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan.
Chỉ trong tuần trước, quân đội Hoa Kỳ đã sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công vào các địa điểm phòng không của Iran để đáp trả việc Iran bắn hạ một máy bay không người lái giám sát của quân đội Hoa Kỳ ở Eo biển Hormuz. Ông Trump đã ra lệnh ngừng tấn công vào phút cuối, với lý do nguy cơ thương vong cao cho phía Iran.
Esper đã tiếp quản tại Lầu năm góc vào thứ Hai thay cho Pat Shanahan, người đã ở vị trí này trong 6 tháng và bất ngờ từ chức khi ông chính thức được Trump đề cử. Đây là khoảng thời gian dài nhất mà Lầu Năm Góc không có nhà lãnh đạo chính thức được Thượng viện xác nhận.
Tới tham dự họp cùng NATO lần này, ông Esper sẽ góp mặt vào các cuộc hội đàm về nhiều chủ đề an ninh quốc tế đáng lo ngại: chiến tranh có thể xảy ra với Iran; cuộc xung đột đang diễn ra ở Afghanistan; cuộc chiến tiếp tục chống lại IS ở Syria và Iraq; và căng thẳng với Nga. Ông Esper có thể quen thuộc với nhiều vấn đề này nhưng với các bộ trưởng quốc phòng châu Âu thì ông là một gương mặt mới.
Đô đốc Hải quân đã nghỉ hưu James Stavridis, cựu chỉ huy hàng đầu của NATO, cho biết sự vắng mặt lâu của một nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc được Thượng viện xác nhận đã tác động lên khắp thế giới, "nơi mà bộ phận quan trọng nhất trong nội các của chúng tôi được coi là yếu và không có nhà lãnh đạo mạnh." Ông nói thêm rằng các sĩ quan quân đội cấp cao cũng cần phải thấy sự ổn định, bởi vì việc bổ nhiệm nhiều lần các quyền Bộ trưởng "làm xói mòn nguyên tắc kiểm soát dân sự của quân đội".