Gặp gỡ Nhật Bản 2023 - Cơ hội kết nối và giao lưu dựa trên sự thấu hiểu và đồng cảm
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản 2023 thành công tốt đẹp với nhiều dấu ấn nổi bật.
Thành công của Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản ghi thêm một dấu ấn đặc sắc, nằm trong chuỗi gần 500 hoạt động trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tập trung phát triển kinh tế, nắm bắt, tận dụng cơ hội phát triển trong tình hình mới khi thế giới trong giai đoạn tái cấu trúc, Thứ trưởng bày tỏ ấn tượng với sự tham dự đông đảo, tích cực của gần 1.000 đại biểu tại Hội nghị.
Thay mặt Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cảm ơn và đánh giá cao sự tham gia nhiệt tình của các đại biểu, những chia sẻ, nhận định và khuyến nghị thẳng thần, tâm huyết và thiết thực của các diễn giả tại Hội nghị lần này.
Ba định hướng hợp tác giữa hai bên
Qua phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, của Đại sứ Yamada Takio và qua ba phiên thảo luận với nội dung hết sức thực chất và thiết thực, Thứ trưởng nhấn mạnh đến ba nhận định và định hướng hợp tác giữa hai bên.
Một là, chặng đường 50 năm vừa qua đã tạo dựng một nền tảng vững chắc để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới.
Thứ trưởng cho rằng, nền tảng, mối lương duyên đó đã được khơi nguồn từ nhiều thế kỷ trước và không ngừng được vun đắp qua nhiều thế hệ. Mối liên hệ lịch sử, sự giao thương hàng hóa, nét tương qua đồng văn hóa, tình cảm chân thành, sự tin tưởng, sẻ chia nhiều lợi ích chung giữa nhân dân hai nước là những yếu tố quan trọng đưa quan hệ hai nước ngày càng gắn bò, bền chặt.
“Đó là những tài sản quý giá trong quan hệ hai nước mà tất cả chúng ta ngồi đây đều trân trọng, gìn giữ và tiếp tục phát huy, là cơ sở để thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại, hướng đến phát triển thịnh vượng vì hạnh phúc của nhân dân hai nước”, Thứ trưởng nói.
Hai là, tiềm năng hợp tác kinh tế song phương là rất lớn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại đầu tư, giáo dục đào tạo, hợp tác nguồn nhân lực và văn hóa, du lịch.
Lãnh đạo các địa phương Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản đã nhấn mạnh các tiềm năng và cơ hội hợp tác hai bên như: thu hút FDI chất lượng cao, hợp tác giáo dục, đào tạo kỹ năng lao động, đào tạo chất lượng cao, phát triển du lịch xanh, giao lưu văn hóa, thúc đẩy tình hữu nghị hai bên...
Các xu thế, động lực tăng trường mới trên thế giới cũng mở ra nhiều triển vọng hợp tác trên các lĩnh vực mới, đặc biệt là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh... hướng tới phát triển bền vững và thông minh hơn.
Ba là, sự phát triển đi vào chiều sâu trong quan hệ Việt-Nhật mở ra tiềm năng thúc đẩy hợp tác ở nhiều cấp khác nhau, không chỉ sâu sắc ở cấp trung ương mà còn mạnh mẽ cấp địa phương.
Hiện có trên 40 cặp địa phương của Việt Nam và Nhật Bản ký kết các văn bản hợp tác với nhau. Đặc biệt, nhiều địa phương Nhật Bản đã thành lập nhóm liên minh nghị sỹ, tổ chức hữu nghị của từng địa phương với Việt Nam.
Thứ trưởng cho rằng dư địa hợp tác cấp địa phương còn rất lớn. Đây là định hướng hợp tác cần được ưu tiên đẩy mạnh, trở thành động lực sâu sắc thêm quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Thêm chất liệu và nguồn cảm hứng hợp tác hai bên
Thứ trưởng chia sẻ, trải qua chặng đường 50 năm, chúng ta vô cùng vui mừng và tự hào khi thấy rằng mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất. Nhật Bản trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động.
Hướng về chặng đường 50 năm tới, mỗi một chúng ta sẽ tiếp tục cùng Chính phủ và người dân hai nước tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trên các lĩnh vực và ở các cấp độ, góp phần tiếp tục vun đắp cho quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.
Vì vậy, Thứ trưởng kỳ vọng, Hội nghị Gặp gỡ Nhật Bản 2023 để lại nhiều hơn nữa những ấn tượng tốt đẹp, cung cấp thêm cho mỗi người chất liệu và nguồn cảm hứng cho những ý tưởng và kế hoạch hợp tác, các dự án đầu tư mới, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Nhật Bản tận dụng thật tốt cơ hội kết nối, giao lưu để có nhiều thành công trong hợp tác thời gian tới.
Trích dẫn nhận định của Đại sứ Yamaha Takio trong thông điệp về 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản “yếu tố quan trọng làm nền tảng cho sự phát triển của quan hệ Nhật Bản - Việt Nam là sự thấu hiểu và đồng cảm giữa con người với con người".
Thứ trưởng hy vọng và hết sức mong muốn, sự thấu hiểu và đồng cảm đó sẽ không ngừng được vun đắp, nhân lên, trở thành hành trang quý giá cho mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa hai nước chúng ta trên chặng đường sắp tới, bất chấp những biến chuyển và thăng trầm của thời đại, vì sự phát triển thịnh vượng của hai đất nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cảm ơn Đại sứ Yamada Takio, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã đồng chủ trì và phối hợp rất chặt chẽ tổ chức Hội nghị; cảm ơn lãnh đạo các địa phương, các đại biểu các Bộ, ngành Việt Nam, các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp và những người bạn thân thiết Nhật Bản và Việt Nam đã tham dự và đóng góp vào sự thành công chung của Hội nghị.
Thứ trưởng khẳng định, Bộ Ngoại giao trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế, lấy doanh nghiệp và địa phương làm trọng tâm phục vụ, đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành, làm cầu nối hợp tác giữa các địa phương, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Tham dự Hội nghị có khoảng gần 1.000 đại biểu trong và ngoài nước.
Về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng và đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của các bộ, ngành trung ương. Về địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh: Bắc Kạn, Điện Biên, Lào Cai, Ninh Bình; lãnh đạo UBND các tỉnh: Bắc Ninh, Bạc Liêu, Bắc Giang, Khánh Hòa, Tây Ninh, Bến Tre, Đắk Nông, Đồng Tháp, Hà Nam, Hòa Bình, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Vĩnh Long… lãnh đạo các sở ban ngành 63 tỉnh thành cả nước và nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Về phía Nhật Bản có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, đại diện Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh và Văn phòng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng; Ban Tổ chức Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam; Trưởng Đại diện các tổ chức Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO); Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA); Trưởng Đại diện Ngân hàng Hợp Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JBIC), Hiệp hội Doanh Nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (JCCH) và các đại biểu là đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng như các cơ quan chuyên môn của Nhật Bản tại Việt Nam và khu vực, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản…