Gặp gỡ những con người Điện Biên làm nên lịch sử

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Trải qua 56 ngày đêm 'gan không núng, chí không mòn', cùng với quân dân cả nước, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã góp sức làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử.

Cựu chiến binh Phạm Bá Miều, phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ – người từng tham gia đánh chiếm đồi A1 lịch sử.

Với niềm mong mỏi được tận mắt thấy đồi A1, đồi Him Lam, hầm Đờ-cát, Bộ chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng... chúng tôi – những phóng viên của Báo Thanh Hóa đã có mặt tại tỉnh Điện Biên những ngày đầu tháng 3 lịch sử. Sau 70 năm chiến thắng, trên nền chiến trường xưa, TP Điện Biên Phủ của ngày mới vẫn “ôm trọn” truyền thống và ký ức hùng hào. Trước lúc cất bước đến các địa danh ghi dấu chiến thắng hào hùng của quân, dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đoàn chúng tôi đã về với Nghĩa trang liệt sĩ A1 để thắp hương viếng anh linh các anh hùng liệt sĩ, thả hồn theo từng hồi chuông trầm mặc, bỗng trái tim mỗi người lại trào dâng niềm xúc động khó diễn tả hết bằng lời.

Để cảm nhận rõ hơn về cuộc chiến, về những trận đấu ác liệt giành giật nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào, ngoài thăm các chứng tích hào hùng còn lưu dấu, chúng tôi đã tới gặp cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ. Hơn 90 tuổi, mắt mờ, chân tay cũng đau yếu hơn nhưng trí nhớ của ông vẫn còn rất tốt. Khi nói về những ngày tháng chinh chiến đã qua của cuộc đời mình, giọng ông vẫn hào sảng, rành rọt và đầy tự hào. Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp kể: Đầu năm 1954, đơn vị tôi nhận được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, Khẩu đội cối 82 ly thuộc Đại đoàn 312 do tôi làm Khẩu đội trưởng được giao nhiệm vụ hết sức quan trọng là tiến công tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Nếu Điện Biên Phủ là một “pháo đài bất khả xâm phạm” thì trung tâm đề kháng Him Lam là “cánh cửa thép” được Pháp xây dựng với hệ thống phòng ngự hết sức kiên cố và vững chắc. Muốn tiếp cận được Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì bắt buộc phải vượt qua được “cánh cửa thép” này.

Để tạo thế bất ngờ, Khẩu đội cối 82 ly được lệnh ngày đêm đào đường hầm ngầm từ Tà Lèng vào gần đồi Him Lam. Khi đường hầm hoàn thành cũng là lúc Khẩu đội cối 82 ly nhận được mệnh lệnh chiến đấu vào ngày 13/3/1954. Lệnh cấp trên yêu cầu phải thật bất ngờ nhằm vô hiệu hóa kẻ địch, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam. Với quyết tâm đánh trận đầu chỉ được thắng, không thể thua và không để kéo dài sang ngày hôm sau, cả khẩu đội của tôi đã viết tâm thư sẵn sàng xung phong hoàn thành nhiệm vụ. Ai cũng mong chờ giờ nổ súng, mở màn chiến dịch, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp hào hứng kể.

Với niềm tự hào sâu sắc, cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp kể tiếp: Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh “chiến dịch lịch sử bắt đầu”, Khẩu đội cối 82 ly cùng pháo binh của quân đội ta tập trung tấn công cứ điểm Him Lam. Bị tấn công bất ngờ nên quân Pháp hoang mang và hoảng sợ. Lợi dụng lúc địch đang choáng váng, chưa kịp phản ứng, các đơn vị bộ binh của ta tiếp tục tấn công. Chỉ sau hơn 5 giờ chiến đấu, đại đoàn chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ trung tâm đề kháng Him Lam, tạo thời cơ thuận lợi để bộ đội ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm vòng ngoài của địch là Độc Lập và Bản Kéo, kết thúc đợt tấn công thứ nhất. Sau trận Him Lam, Khẩu đội cối 82 ly chúng tôi tiến hành đào hào, củng cố công sự, vây chặt trận địa địch, rồi tiếp tục nhận nhiệm vụ cùng với các đơn vị khác chiến đấu đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Trận đánh tại đồi A1 là trận đánh ác liệt nhất, kéo dài nhất và hy sinh nhiều nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Để có thể cảm nhận được khí thế hào hùng của một thời “bão lửa” nơi “cửa tử” ở cao điểm cuối cùng, cựu chiến binh Phạm Bá Miều, phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ đã dành khoảng thời gian dài chia sẻ với chúng tôi. Tiểu đội trưởng Phạm Bá Miều năm xưa bồi hồi nhớ lại: Cuối năm 1953, đơn vị tôi là Đại đội 315, Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 được lệnh rút quân từ Lào về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc đó, tôi là Tiểu đội trưởng. Về Điện Biên, nhiệm vụ của chúng tôi là đào hào từ nơi trú ẩn ra trận địa. Việc đào hào, xây dựng trận địa cũng là một cuộc chiến đấu. Bộ đội phải vùi mình trong bùn đất ẩm ướt, thiếu khí thở, ngột ngạt, ở phía trên quân địch lại thường xuyên trinh sát bắn phá. Nhưng với lòng quyết tâm và chí căm thù cao độ, quân ta đã đào và nối các nhánh hào đến trận địa của địch.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ - người tham gia đánh trận Him Lam, trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hoàn thành nhiệm vụ đào hào, cuối tháng 3/1954, đơn vị ông Miều được giao nhiệm vụ nổ súng tấn công đồi A1. Do vị trí đặc biệt quan trọng, quân Pháp đã xây dựng nơi đây thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật kiên cố và bố trí hỏa lực rất mạnh. Nhớ lại những ngày tháng gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng, ông Miều kể tiếp: Trận chiến tiêu diệt địch ở đồi A1 là trận chiến ác liệt nhất và hy sinh nhiều nhất. Lúc phòng ngự, khi tấn công, cứ người này ngã xuống, người khác xông lên. Để giải quyết dứt điểm đồi A1, ta xây dựng kế hoạch “lấy hầm trị hầm”. Sau 15 ngày đêm đổ biết bao mồ hôi, nước mắt, đơn vị tôi cùng đơn vị công binh đã hoàn thành đường hầm ngầm dài 47m và đặt khối bộc phá nặng 960kg sát hầm ngầm quân địch. Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, khối bộc phá được lệnh điểm hỏa. Sức nổ mạnh của khối bộc phá đã phá hủy những lô cốt chiến hào xung quanh và tiêu diệt một phần Đại đội dù số 2 của Pháp. Lúc này số quân địch còn lại chống cự rất yếu ớt, thừa thắng, Trung đoàn 174 đồng loạt xung phong, chia thành hai cánh tiến lên đồi hình thành thế bao vây quân Pháp. Quân ta từ các hướng lần lượt đánh chiếm các mục tiêu còn lại, bẻ gãy những cuộc phản kích của địch, tạo bàn đạp cho các chiến sĩ tấn công sang hầm Đờ-cát. Ngày 7/5/1954, bộ đội ta tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, phất cao cờ chiến thắng. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Miều vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Chiếc huy hiệu đến nay đã cũ và bạc màu nhưng là kỷ vật mà ông lưu giữ cẩn thận suốt 70 năm qua.

Trong chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên lần này, chúng tôi may mắn được dự lễ tri ân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ do UBND tỉnh Điện Biên tổ chức. Tại buổi lễ tri ân, đông đảo cán bộ, chiến sĩ Điện Biên và cựu thanh niên xung phong đã giao lưu, chia sẻ những ký ức, những kỷ niệm đặc biệt khi tham gia chiến dịch. Trong cuộc chiến ác liệt năm đó, biết bao đồng đội của họ đã ngã xuống, dâng hiến tuổi thanh xuân và sinh mệnh của mình để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Máu của các anh đã thấm đẫm từng tấc đất, từng mét chiến hào, hòa vào lòng đất mẹ Điện Biên yêu thương. May mắn hơn các đồng đội, những người cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong năm ấy trở về sau cuộc chiến, trong tâm trí họ mãi mãi không thể nào quên chiến trường Điện Biên Phủ “đỏ lửa” năm nào.

Bài và ảnh: Tố Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/gap-go-nhung-con-nguoi-dien-bien-lam-nen-lich-su-211491.htm