Tình người trên chiến hào Điện Biên Phủ

Cụ Đỗ Ca Sơn - chiến sĩ Điện Biên, nhà giáo ưu tú, ở tuổi 92 vẫn minh mẫn, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện chiến đấu, hy sinh gian khổ của bộ đôi và cả những khoảnh khắc không tiếng súng trên chiến hào Điện Biên Phủ.

Cụ Đỗ Ca Sơn sinh năm 1932 ở Hà Nội, là chiến sĩ Trung đoàn 174 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Cụ Đỗ Ca Sơn sinh năm 1932 ở Hà Nội, là chiến sĩ Trung đoàn 174 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Chúng tôi được biết cuốn sách Người lính Điện Biên kể chuyện xuất bản năm 2014 đã thuật lại nhiều chuyện hay về chiến dịch Điên Biên Phủ, trong đó có cả việc chiến sĩ Đỗ Ca Sơn đọc tiểu thuyết Chào nỗi buồn trong hầm.

Nhưng hôm nay, cụ Ca Sơn dành nhiều thời gian cho những câu chuyện về tâm tư, tình cảm của tuổi trẻ hai phía trên chiến hào, đặc biệt là của những người lính Pháp.

Đọn tóc nâu và cuốn tiểu thuyết tình yêu

Trong chiến đấu, Ca Sơn được giao thêm nhiệm vụ đọc và giải mã những tài liệu của địch. Có lần, dù tiếp tế Pháp rơi vào trận địa mình, anh lính trẻ thấy cả thư từ của gia đình lính lê dương và sách báo Pháp.

Trong đó có cuốn tiểu thuyết Chào nỗi buồn (Bonjour Tristesse) của Francoise Sagan mới xuất bản. Anh lính tú tài bị hấp dẫn bởi cái tên sách, rồi lướt qua vài trang, biết đây là chuyện tình lãng mạn, coi như “chiến lợi phẩm” nên đã “đút túi”.

Trong số thư, có một phong bì phồng lên, Ca Sơn tò mò mở ra và thấy một đọn tóc màu nâu đặt cùng lá thư, những dòng chữ nồng nàn nỗi nhớ, nỗi lo, nỗi thương xót của một cô gái Pháp gửi cho một người lính Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ…

Anh lính liền báo cáo Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi: “Anh ơi, có người viết thư gửi chồng hay người yêu. Nó gửi cả đọn tóc, lời lẽ tình cảm lắm”. Tiểu đoàn trưởng bảo: “Lấy bộ đàm để tao gọi lính Pháp đến đem thư về”. Hóa ra, thủ tưởng của Ca Sơn cũng biết tiếng Pháp.

Ca Sơn vẫn nhớ lời Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi gọi cho đối phương, dõng dạc như ra lệnh: “Cầm cờ trắng, không mang vũ khí, tiến về phía đường hào nhận thùng thư”. Giọng ông trầm ấm, văn phạm chuẩn xác khiến Ca Sơn càng cảm phục.

Biết phía Việt Minh thiện chí, không sợ bị lừa đánh úp, đúng giờ hẹn, lính Pháp đến góc đồi nhận hòm dù thư từ, sách báo.

Chuyện đã trôi xa 70 năm, cụ Ca Sơn vẫn không quên: “Riêng việc gọi lính Pháp đến nhận thư từ, sách báo, tôi đã học được ở người thủ trưởng thân yêu của mình lối văn hóa ứng xử đầy tình người bao dung. Chỉ bộ đội cụ Hồ mới có tinh thần thượng võ như vậy. Tôi rất tự hào là một người lính trong đội quân ấy”.

Còn cuốn tiểu thuyết, anh lính trẻ đợi lúc im tiếng súng, tựa lưng vào vách hầm mải miết đọc. “Tôi đọc say sưa lắm. Cuốn sách kể về chuyện của hai bố con một nữ sinh Paris trong kỳ nghỉ Hè ở biển Địa Trung Hải miền Nam nước Pháp. Ông bố là một người đàn ông góa vợ sống gấp, vài tháng lại thay đổi người tình. Nhưng những cuộc tình chóng vánh ấy vẫn không khỏa lấp được nỗi cô đơn. Ông muốn có một gia đình ổn định.

Trong chuyến đi này có thêm Anne, một phụ nữ xinh đẹp, nề nếp, bạn cũ mẹ cô gái, đã ly dị, sắp trở thành mẹ kế của cô. Cô gái vừa nể trọng Anne nền nã, chân chỉ, vừa khó chịu với lối sống khắt khe và lời dạy bảo mực thước của người phụ nữ này.

Cô đã cùng người yêu mới gặp trong dịp nghỉ Hè dựng cảnh “tình tứ” của người cha với một phụ nữ khác để chọc tức Anne. Không ngờ chuyên đó làm Anne phát điên bèn lấy ô tô chạy bạt tử khỏi nơi nghỉ.

Tai nạn giao thông xảy ra, Anne thiệt mạng. Hai cha con về Paris, để lại sau lưng những con sóng uể oải, một cái chết và một mối tình chớm nở… Cô ta buồn, nhưng dửng dưng, lạnh lùng…

Đó là tâm trạng cô độc, chán trường sống gấp của chủ nghĩa hiện sinh ở Pháp và Tây Âu sau Thế chiến II. Nó ích kỷ tàn nhẫn, khác thường và hấp dẫn nhiều độc giả phương Tây. Vì thế mà máy bay Pháp đã thả cuốn sách xuống Điện Biên để quân lính đọc cho quên sợ hãi chết chóc”.

Khi cụ Ca Sơn kể cho khách du lịch người Pháp nghe về chuyện cụ đến với văn học Pháp không phải ở thư viện, mà ở hầm chiến đấu chống Pháp với cuốn sách Chào nỗi buồn, thì họ ngạc nhiên và thích thú.

Cụ chia sẻ: “Tôi phải thú thực với họ, ngay tại chiến hào, tôi không thích cách hành xử “nổi loạn” của cô gái trong chuyện, chỉ vì lối sống buông thả của mình, cô đã phá vỡ hạnh phúc gia đình mình. Nhưng đấy lại là sự thật bế tắc của những người Pháp giàu có, nó thật đến ghê người, và có lẽ vì thế, nó cũng ám ảnh tôi mãi”...

Tù binh Pháp bị thương bắt tay bộ đội Việt Nam trước khi được trao trả. (Nguồn: Getty Images)

Tù binh Pháp bị thương bắt tay bộ đội Việt Nam trước khi được trao trả. (Nguồn: Getty Images)

Cái bắt tay người lính Pháp

Có một câu chuyện khác mà cụ Ca Sơn nhớ mãi, đó là vào chiều muộn ngày 7/5/1954, tướng De Castries ra hàng, toàn Điên Biên Phủ im bặt tiếng súng. Lúc ấy đơn vị Ca Sơn đang chốt trên Đồi A1.

Được tin chiến thắng, sướng quá, anh lính Ca Sơn nhảy phắt ra khỏi cửa hầm, nhìn thấy một thanh niên Pháp cầm chiếc que quấn cờ trắng. Người lính này hốt hoảng kêu: “Đừng bắn!”. Ca Sơn nói bằng tiếng Pháp: “Hãy yên tâm, không ai bắn anh nữa!”. Và rồi, người lính chìa tay ra bắt tay. Không chần chừ, Ca Sơn cũng chìa tay ra, nắm lấy bàn tay run rẩy của anh ta và bảo: “Các anh đừng sợ, đi theo hướng tôi chỉ, quân đội chúng tôi sẽ tiếp nhận các anh…”.

Tối hôm đó, Ca Sơn bị đơn vị kiểm thảo, vì mắc ba tội, Đại đội trưởng nói: “Một là vô kỷ luật! Ai ra lệnh cho cậu nhảy lên khỏi chiến hào, rồi chạy ra phía địch? Chưa có lệnh cấp trên cậu chưa được tiếp nhận địch. Tội thứ hai: Chủ quan khinh địch. Nếu nó chỉ giả vờ hàng, nó làm một băng thì chết hết, cậu và cả những thằng đi theo. Tội thứ ba: Là mất lập trường. Ai cho phép cậu bắt tay kẻ thù, đúng không?”.

Bối rối quá, Ca Sơn nhận hai tội đầu vì đã không thể kiềm chế được niềm vui chiến thắng, còn tội thứ ba thì... chối.

Cụ kể: “Tôi không nhận và lý sự: Khi chúng nó cầm súng bắn mình, thì chúng là kẻ thù. Khi chúng hạ súng cầm cờ trắng thì không còn là kẻ thù nữa. Tôi bắt tay mừng chiến thắng, để trấn an họ, chứ không nghĩ lập trường gì ở đây. Nếu các anh muốn thì hãy ghi đúng sự thật: Đỗ Ca Sơn bắt tay kẻ thù đã đầu hàng, nó đã đầu hàng thì mình có chính sách khoan hồng chứ.

Thấy tôi có lý, Đại đội trưởng nói át đi: “Thôi không lý luận dài dòng, cậu cứ viết kiểm điểm!”. Tôi chưa kịp viết thì hôm sau mừng chiến thắng vui quá, không ai còn nhớ đến chuyện kiểm điểm nữa. Tôi thoát kỷ luật. Tuy nhiên, Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi đã được nghe báo cáo, ông cười, vỗ vai tôi: “Mày lý sự được đấy, Rút kinh nghiệm, lần sau!”

Bao giờ có Điện Biên Phủ lần sau? Tôi thở phào, nhớ đời! Ôi cái ông Dũng Chi này mới độ lượng làm sao!

Cũng nhờ biết tiếng Pháp, Ca Sơn được giao nhiệm vụ dẫn giải tù binh Pháp từ Điện Biên đến Thanh Hóa với chặng đường 500km, suốt hai tháng trời.

Đoạn từ Điên Biên Phủ xuống Sơn La đi trên quốc lộ 6, đường nhẵn dễ đi, còn từ Sơn La sang Thanh Hóa là đường tắt, dốc đèo, suối khe gập gềnh, khó đi lắm.

Dẫn giải tù binh Pháp. (Ảnh: Triệu Đại)

Dẫn giải tù binh Pháp. (Ảnh: Triệu Đại)

Lính Pháp không quen kiểu hành quân này, người thì kêu đau chân, kẻ thì kêu mệt mỏi, đòi nghỉ liên tục. Ca Sơn phải động viên họ: “Đi thôi các bạn ơi! Sắp tới Paris rồi, cố lên!”

Cụ Ca Sơn nhớ lại kỷ niệm: “40 năm sau, trong lần hướng dẫn du lịch, tôi thấy mấy người Pháp hồ hởi lao đến tôi, ôm vai tôi lắc mạnh: “Ôi! ông cai tù đẹp trai hiền lành! Còn sống à!”.

Tôi nhận ra họ ngay và nói: “Chào những người bạn cũ Điện Biên Phủ. Trái đất tròn, chúng ta lai gặp nhau!”. Họ đáp lại: “Điện Biên Phủ đã ghê, nhưng không kinh khủng bắng những ngày đi bộ về cửa biển Thanh Hóa. Chúa ơi! Đấy là ngục hình! Đấy là địa ngục!”.

Tôi cười: “Đấy là con đường cũ của chiến tranh, còn bây giờ xe cứ bon bon tới Điện Biên. Nếu các bạn thích, tôi sẽ dẫn các bạn đi bộ từ Điện Biên về Thanh Hóa theo con đường năm xưa. Họ đồng loạt kêu: Lạy Chúa! Không bao giờ! Không bao giờ!”.

Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, cụ vui vẻ nói: “Người Pháp, văn hóa Pháp thật cũng lạ và dễ thương. Có lẽ Pháp là quốc gia duy nhất trên thế giới kỷ niệm chiến bại. Họ kỷ niệm Điện Biên Phủ để rút ra bài học lịch sử, để hữu nghị với Việt Nam.

Năm nay họ cũng đã cử phái đoàn đến Điện Biên Phủ dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng của chúng ta. Tôi không ngờ cuộc đời mình lại gắn bó với người Pháp và văn hóa Pháp như vậy”.

PHẠM CHU QUANG VINH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-nguoi-tren-chien-hao-dien-bien-phu-273260.html