Gặp khó về tiền mặt, Xây dựng Hòa Bình muốn cấn trừ nợ bằng BĐS
Ông Lê Viết Hải cho biết, Hòa Bình có một danh sách thiết bị xây dựng tồn kho, thuộc sở hữu của mình có thể dùng để đối trừ công nợ theo giá phù hợp.
Những ngày qua, thông tin về việc 7 doanh nghiệp nhà thầu gửi văn bản tới Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) và một số chủ đầu tư về việc tạm dừng thi công tại một số dự án do các nhà thầu phụ do bị HBC chậm thanh toán công nợ tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo đó, văn bản cho biết, Tổng thầu Hòa Bình hiện chưa thanh toán công nợ, trong đó có dự án từ tháng 7/2022 đến nay. Việc không thanh toán đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của công nhân, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp thầu phụ nói trên.
Các doanh nghiệp trên đã phải cầm cố tài sản, vay lãi, thế chấp để có tiền chi trả một phần sinh hoạt phí cho công nhân, đồng thời để duy trì hoạt động của công ty. Tuy nhiên, đến nay, các doanh nghiệp thầu phụ của Hòa Bình nói trên đã hết năng lực chi trả khiến công nhân đình công, nghỉ việc gây áp lực lớn cho công tác quản lý và điều hành sản xuất.
Văn bản tiết lộ dù đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị nhưng đến ngày 3/3/2023, tại Văn phòng của Hòa Bình tại Hà Nội đại diện tập đoàn Hòa Bình cũng chưa đưa ra được kế hoạch cụ thể thanh toán công nợ cho các doanh nghiệp thầu phụ.
Trước tình hình trên, các doanh nghiệp nhà thầu phụ thông báo sẽ tạm dừng toàn bộ dịch vụ bảo hành, bảo trì đối với các dự án đã bàn giao từ ngày 3/3/2023 và tạm dừng thi công các dự án từ ngày 15/3/2023 nếu không nhận được thanh toán từ Tổng thầu Hòa Bình.
Phản hồi về những lùm xùm trên, chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT của Xây dựng Hòa Bình cho biết, trong bối cảnh khó khăn này, doanh nghiệp rất khó để có thể thanh toán nợ bằng tiền mặt nên có một số khách hàng đã tiến hành thanh toán cho Hòa Bình bằng sản phẩm bất động sản của họ.
Dù biết việc này sẽ gây ra nhiều bất lợi nhưng Hòa Bình vẫn chấp thuận nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, do đó vị lãnh đạo của Hòa Bình bày tỏ mong muốn cũng sẽ nhận được sự chia sẻ tương tự từ các nhà thầu phụ đối với Hòa Bình.
“Chúng tôi đề nghị các nhà thầu phụ xem xét thay thế việc thanh toán bằng bất động sản do Hòa Bình đã nhận để cấn trừ nợ với khách hàng. Hòa Bình có một danh sách thiết bị xây dựng tồn kho, thuộc sở hữu của mình, nếu quý công ty nhận thấy phù hợp với nhu cầu, có thể thỏa thuận với Hòa Bình để đối trừ công nợ theo giá phù hợp được hai bên thống nhất.
Ngoài ra, Hòa Bình sẵn sàng xác nhận công nợ đối với các nhà thầu phụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc các nhà thầu phụ vay vốn ngân hàng. Bằng tất cả thiện chí và với những nỗ lực cao nhất, chúng tôi hy vọng có thể giải quyết mọi vấn đề theo hướng tốt nhất cho các nhà thầu phụ”, ông Lê Viết Hải khẳng định.
Về tình hình tài chính của doanh nghiệp hiện nay, vị lãnh đạo của Hòa Bình cũng cho biết đây là lần đầu tiên công ty xây dựng này để xảy ra việc trễ hạn thanh toán nợ và lãi đến hạn cho các ngân hàng trong suốt 35 năm hoạt động vừa qua.
Ông Hải cho biết công ty đang tiếp tục khẩn trương thu hồi nợ và cơ cấu lại nguồn vốn của Công ty, qua đó tìm cách bù đắp các thiếu hụt về tài chính khi nguồn vay từ ngân hàng chưa kịp đáp ứng đủ cho dòng tiền.