Gặp khó vì đào trồng trên đất nương 'chưa có sổ'

Chính quyền địa phương không xác nhận nguồn gốc nương đào của gia đình bà N. T. là đào trồng vì diện tích nương đó được khai hoang, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 Đào trồng của bà con vùng cao Sơn La (ảnh: MH)

Đào trồng của bà con vùng cao Sơn La (ảnh: MH)

Đào trồng nhưng không được xác nhận

Hiện thời điểm Tết Nguyên đán đã cận kề, người trồng đào miền núi đang mong ngóng thương lái đến mua để có tiền sắm Tết. Tuy nhiên, đến nay nhiều người trồng đào rất khó bán vì chính quyền địa phương cũng lúng túng trong việc xác nhận nguồn gốc, còn người mua cũng sợ bị phạt.

Bà N.T. (xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ, Sơn La) cho biết, gia đình có nương đào gần 400 gốc, trồng được gần 4 năm. Dự kiến, năm nay sẽ được thu hoạch.

Thời gian qua, bà mới bán được 3 gốc cho người dân địa phương còn thương lái dù đã đến tìm hiểu nhưng không dám mua. Bà cũng đã nhờ chính quyền địa phương xác nhận nguồn gốc đào. Tuy nhiên, do diện tích trồng đào của gia đình bà là khai hoang, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp nên chính quyền địa phương không xác nhận cho gia đình.

Bà T. mong muốn địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện để người trồng đào như bà có thể bán được đào lấy tiền sắm Tết cho gia đình.

Thương lái không dám mua đào vùng cao

Còn ông Nguyễn Văn Nguyên (trú tại Hải Dương), một thương lái buôn đào cho biết, đã từng 20 năm "đánh đào" từ miền núi về xuôi mỗi dịp Tết. Nhóm của ông có 4-5 người, đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc để mua đào chở về xuôi.

Những năm trước, đào trồng của người dân những năm trước được cánh thương lái mua với giá từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng/cành. Nhờ tiền bán đào, đồng bào dân tộc ở các tỉnh miền núi những năm qua đã có cái tết đầm ấm, thậm chí còn vượt qua đói tháng ba ngày tám sau Tết.

Ông Nguyên cũng cho biết, thời điểm này mọi năm nhóm của ông đã "đánh" được vài chục xe chở đào từ miền núi về xuôi bán. Nhưng năm nay, ông chưa đánh được chuyến nào.

Hiện tại, nhóm của ông đã tập trung ở Sơn La từ 3-4 hôm nay nhưng cũng chưa dám "xuống tiền" mua đào. Bản thân người trồng đào cũng không dám bán bởi sợ bị phạt.

"Nếu để đào ra hoa kết trái để bán quả cũng được nhưng giá trị kinh tế rất thấp. Thông thường, một cành đào chỉ được 4-5kg quả, nến bán với giá 10.000 đồng/kg thì cũng chỉ được khoảng 50.000 đồng/cành. Trong khi đó, nếu bán cành thì bà con thu được vài trăm ngàn đồng"7, ông Nguyên nói.

Gỡ khó cho người dân

Về vấn đề này, trao đổi với PNVN, đại diện UBND huyện Vân Hồ cho biết, thời gian qua, một số hộ trồng đào ở địa phương khó bán hơn sau chỉ đạo của Thủ tướng. Hiện UBND huyện cũng đang tập hợp phản ánh những khó khăn của người trồng đào từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. "Trong vài ngày tới, UBND huyện sẽ có buổi làm việc với Chủ tịch UBND các xã có đào trồng để lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân và đưa ra hướng xử lý", vị đại diện này nói.

Trước đó, ngày 18/1, Bộ NN&PTNT đã có công văn số 365-BNN/TCLN gửi các địa phương về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Theo Bộ NN&PTNT, việc khai thác cây Đào, cây Mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật.

Bộ NN&PTNT đề nghị UNBD cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng; tùy theo điều kiện cụ thể địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ánh tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đảm bảo khả thi đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn để áp dụng thống nhất trong cả nước.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 21/1, Văn phòng chính Phủ cho biết đã nhận được đề nghị của UBND tỉnh Sơn La tại văn bản 14/BC-UBND ngày 13/1/2021 báo cáo tình hình trồng, khai thác và thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào trên địa bàn tỉnh Sơn La. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến như sau:

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng về tổ chức phong trào "Tết trồng cây" và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021; chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 273/VPCP-NN ngày 12/1/2021 của Văn phòng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ rừng dịp Tết Nguyên đán 2021.

Nghiêm cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng trái pháp luật cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Trừ cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tự do khai thác, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng cây và cành đào, mai. Tuyệt đối không được gây khó khăn, không làm phát sinh thủ tục hành chính và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Sơn La và các địa phương có nhu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng phương án truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai, đảm bảo các yêu cầu: thiết thực, phù hợp với thực tế, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật hiện hành, không làm phát sinh thủ tục hành chính và chi phí, không gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Linh Trần

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gap-kho-vi-dao-trong-tren-dat-nuong-chua-co-so-20210120155005344.htm