'Gặp lại chị bầu' - Nhất Trung gãi chưa đúng chỗ
Bộ phim phù hợp với những ai thích giải trí nhẹ nhàng, song khó chiều lòng khán giả khó tính vì kịch bản còn nhiều hạn chế.
Genre: Tâm lý, tình cảm, hài
Director: Nhất Trung
Cast: Anh Tú, Diệu Nhi, Lê Giang, Ngọc Phước, Quốc Khánh…
Rating: 6/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Gặp lại chị bầu - bộ phim mới nhất của Nhất Trung - gây chú ý khi tham gia đường đua phòng vé dịp Tết 2024. Tác phẩm đánh dấu sự trở lại của đạo diễn sau 3 năm, với tựa phim gợi nhớ một dự án khác của anh từng thành công là Cua lại vợ bầu (với doanh thu gần 200 tỷ).
Phim ấn định lịch khởi chiếu vào mùng 1 Tết Giáp Thìn, song bất ngờ tung suất chiếu sneak-show trước đó 1 tuần. Sau 3 ngày chiếu sớm, Gặp lại chị bầu thu về gần 9 tỷ đồng - thành tích không tệ nhưng chưa thể gọi là bùng nổ tại giai đoạn thị trường thấp điểm.
Hài mồi chài còn bị lạm dụng
Gặp lại chị bầu theo chân Phúc (Anh Tú), một chàng trai mồ côi rơi vào cảnh nợ nần. Trong một lần bị truy đuổi, anh vô tình rơi xuống sông và... xuyên không về năm 1997. Tại đây, Phúc được bà chủ trọ tên Lê (Lê Giang) cưu mang và làm quen với những người bạn mới gồm Huyền (Diệu Nhi), Ngọc (Ngọc Phước) và Tuấn (Quốc Khánh).
Họ những tưởng sẽ cùng nhau trải qua ngày tháng thanh xuân đáng nhớ nhất cuộc đời, cho tới khi Huyền bất ngờ có bầu. Biến cố xảy ra đẩy cả nhóm bạn vào tình thế khó xử.
Chủ đề "xuyên không" đó nay luôn là nguyên liệu béo bở với các nhà làm phim, khi có thể chế biến dưới đa dạng hình thức, góc độ, tạo nên những câu chuyện hấp dẫn. Gần đây nhất, loạt phim truyền hình Hàn Quốc Cô đi mà lấy chồng tôi gây sốt toàn cầu cũng nhờ khai thác tốt chủ đề này, khiến người xem cuốn theo nội dung của từng tập phát sóng.
Trở lại với phim Tết của Nhất Trung, anh tiếp tục vận dụng sở trường làm phim rom-com (hài lãng mạng) với loạt tình tiết hài cài cắm dọc thời lượng phim. Đây là nước đi khôn khéo trong bối cảnh phòng vé dịp Tết, giúp phim dễ xem, dễ tiếp cận nhiều đối tượng khán giả. Chưa kể, dàn diễn viên gồm Anh Tú - Diệu Nhi cùng các cái tên quen thuộc như Quốc Khánh, Ngọc Phước, Lê Giang giúp phim dễ dàng gây chú ý.
Tuy nhiên, những yếu tố kể trên chỉ góp phần giúp Gặp lại chị bầu có thêm lợi thế truyền thông. Bởi sau cùng, điều khán giả quan tâm khi soi chiếu vào một tác phẩm điện ảnh phải là nội dung và chất lượng. Xét trên phương diện này, đứa con tinh thần của Nhất Trung chưa hoàn thiện tốt, dù ít nhiều có cố gắng.
Ngay từ những thước phim đầu tiên, nam đạo diễn đã tạo cảm giác bê nguyên một web-drama lên màn ảnh rộng với không ít khoảnh khắc nặng tính phô diễn. Đập vào mắt người xem là sự ồn ào, thiếu tiết chế, từ cuộc hội thoại giữa Phúc với cô người yêu, cho tới cảnh rượt đuổi, đòi nợ cò cưa sặc mùi dàn dựng.
Chọc cười người xem không sai, nhưng tiếng cười dễ dãi khó để lại ấn tượng. Việc Nhất Trung tô hồng tình tiết vô tình biến hồi đầu phim trở nên thiếu nghiêm túc. Bước sang hồi sau, biên kịch chủ đích đào sâu câu chuyện quá khứ, khi để nhân vật trải nghiệm và khám phá cuộc sống lạ lẫm cùng những người bạn mới. Đây cũng là thời điểm tạo dựng mạch truyện chính, chuẩn bị cho cú plot-twist ở cuối phim. Người xem ban đầu dễ tưởng nội dung xoay quanh chuyện tình giữa Phúc và Huyền. Song, câu chuyện không diễn biến như vậy.
Lúc này, những cảnh chọc cười vô tội vạ đã ít nhiều vơi giảm, nhưng chưa đáng kể. Nhất Trung vẫn quen dùng kiểu hài “vô tri” chọc cười khán giả dễ tính, song thực chất không mấy ý nghĩa, giá trị. Yếu tố này lặp lại khiến người xem có cảm giác bị mồi chài cảm xúc, khó thưởng thức tác phẩm một cách tự nhiên.
“Gãi chưa đúng chỗ ngứa”
Kể từ thời điểm Phúc xuyên không, lăng kính đạo diễn tập trung soi chiếu mối quan hệ giữa cậu và những người bạn trong gia đình mới. Trọng tâm câu chuyện cũng có sự dịch chuyển, thay đổi từ việc Phúc đối mặt với hiện thực cho tới khi khám phá sự thật về quá khứ. Yếu tố lãng mạn chỉ xuất hiện mờ nhạt, nhường chỗ cho câu chuyện đời sống thường ngày. Phúc trải qua nhiều phép thử cảm xúc, từ đó tìm thấy động lực chữa lành cho tổn thương quá khứ.
Ý tưởng không tồi, nhưng thực tế, Nhất Trung rơi vào cái bẫy tham tình tiết mà bỏ quên sự trưởng thành trong tính cách nhân vật. Câu chuyện anh mang đến vì thế mà dễ xem nhưng cũng dễ trôi qua. Những điểm thắt nút quan trọng xuất hiện mờ nhạt, việc gỡ nút cũng chưa thuyết phục, chưa “gãi đúng chỗ ngứa” trong lòng khán giả.
Anh Tú, trong vai chính, không thể hiện rõ nét một phiên bản Phúc với chiều sâu xúc cảm nội tâm dù có thừa thời lượng lên hình. Điều này đến từ hai phía: nhân vật anh hóa thân và chính diễn xuất của nam diễn viên Hà thành.
Một mặt, nhân vật Phúc chưa có câu chuyện đủ hấp dẫn, lôi cuốn khán giả. Hành trình của anh tại quá khứ khá mờ nhạt, chỉ xoay quanh việc làm quen môi trường mới, lại bị pha loãng bởi nhiều tình tiết phụ đan xen.
Ở một phương diện khác, chuyển biến tâm lý nhân vật trước mỗi bước ngoặt chưa thể hiện hiệu quả. Anh Tú có sự chủ động trong cách bộc lộ cảm xúc, song biểu cảm nội tâm kém sắc nét, tinh tế. So với nhiều bộ phim trước đó, anh ít nhiều cho thấy sự chịu khó trong việc đào xới tâm lý vai diễn. Chỉ là những gì anh thể hiện vẫn còn nhạt nhòa, chưa đủ tạo ấn tượng mạnh mẽ với khán giả.
Khi diễn xuất không tạo ra đồng cảm, đạo diễn để nhân vật trần thuật hòng che đạy lỗ hổng cảm xúc. “Tại sao tôi lại cảm thấy ấm áp lạ thường với những con người mới này”, “Phải chăng số phận đang muốn nói điều gì với tôi” - nhiều lời tự sự mùi mẫn, mang nặng tính diễn giải được bày biện kém duyên trong tác phẩm.
Diệu Nhi, trong vai “chị mẹ” Ngọc Huyền, cho thấy sự thay đổi tích cực về kỹ năng diễn xuất. Rũ bỏ vỏ bọc diễn viên hài, cô vào vai một nhân vật có chiều sâu, nhiều tâm tư hơn trong lần đầu đóng chung với chồng trên màn ảnh rộng. Lê Giang, Ngọc Phước hay Quốc Khánh cũng có sự tiết chế trong diễn xuất, đôi lúc vẫn ồn ào, hơi kịch nhưng nhìn chung không tạo cảm giác ức chế.
Bên cạnh hạn chế về đường dây câu chuyện, bối cảnh phim cũng chưa được tái hiện chính xác. Trở về thời điểm 1997, song một số dàn cảnh còn cho thấy sự sai lệch, thiếu thực tế. Cũng vì sợ để lộ sạn, đạo diễn hạn chế khoe các cú máy toàn, hầu như chỉ dùng góc máy cận/cận trung. Phim cũng do đó mà chưa cho thấy ấn tượng về mặt thẩm mỹ.
Ngoài ra, Gặp lại chị bầu bị cắt giảm một số cảnh khi ra rạp nên nội dung mang lại cảm giác kém trọn vẹn. Mâu thuẫn hồi cuối được hóa giải quá dễ dàng, trong khi các câu hỏi đặt ra từ đầu phim chưa được giải thích thỏa đáng khiến kết phim hụt hẫng.
Nhìn chung, tác phẩm của Nhất Trung đã cho thấy sự đầu tư của ê-kíp, cố gắng thoát mác “phim nhảm” song vẫn tồn đọng nhiều hạn chế. Phim phù hợp với những khán giả yêu thích hài, cần những giờ phút giải trí nhẹ nhàng, ấm áp vào dịp Tết Nguyên đán.
Nguồn Znews: https://znews.vn/gap-lai-chi-bau-nhat-trung-gai-chua-dung-cho-post1459538.html