Gặp lại 'chợ tình' Khau Vai
BHG - Theo truyền thuyết vào thời Lê, nhà vua cử vị tướng họ Ðinh lên dẹp giặc ở vùng biên ải Hà Giang. Dẹp giặc xong, trên đường về xuôi qua Khau Vai thấy phong cảnh hữu tình, đất đai trù phú chưa được khai phá, cư dân còn nghèo. Vị tướng động lòng trắc ẩn, đã xin với vua Lê cho được ở lại nơi này, cùng đồng bào khai hoang lập nên thôn bản, rồi hướng dẫn đồng bào trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, trồng lanh dệt vải, trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, làm nghề thủ công. Những việc làm của tướng quân họ Ðinh rất phù hợp với chính sách của nhà vua là thực hiện chính sách yên dân, mở rộng ảnh hưởng của triều đình tới các vùng sâu, xa, nên được đồng bào các dân tộc đồng lòng hưởng ứng. Vì thế mà Hà Giang tuy xa xôi, cách trở về địa lý, nhưng lại gần gũi về tình người.
Còn với Khau Vai, truyền thuyết kể rằng, một chàng trai người Nùng và một cô gái dân tộc Giáy yêu nhau, thắm thiết và nồng nàn. Cứ ngỡ họ sẽ nên vợ thành chồng, sinh con đẻ cái, giai lão bách niên. Ðâu ngờ họ hàng hai bên đều ngăn cấm, vì thời đó, tình yêu của họ đã đi ngược lại với quan niệm, chỉ trai gái cùng một dân tộc mới được lấy nhau. Bi kịch của tình yêu kéo theo nỗi bi thương, có xung đột và đổ máu giữa hai tộc người, đôi trai gái đã phải chia tay nhau để giữ gìn sự bình yên của cộng đồng. Nhưng dẫu thế, họ vẫn ước hẹn hằng năm sẽ có một ngày gặp nhau để trò chuyện, tâm sự, giãi bày, đó chính là ngày 27-3 Âm lịch và chợ tình Khau Vai, còn gọi là chợ Phong Lưu, cũng từ đó mà hình thành.
Ý nghĩa nhân văn của ngày họp chợ mỗi năm một lần đã đưa lại cho chợ tình Khau Vai sự hấp dẫn và sinh động. Chợ tình Khau Vai còn là chợ cầu may, cầu tài, xuất phát từ hai ngôi miếu nhỏ phía chân núi mà đồng bào vẫn gọi là miếu Ông, miếu Bà, hai vị được tôn vinh như Thành hoàng linh thiêng. Hằng năm, trước khi mở lễ hội, đồng bào các dân tộc ở Khau Vai vẫn duy trì nghi thức dâng hương thành kính lên miếu Ông, miếu Bà, để tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân là những người đã có công khai sơn, phá thạch...
Năm 2004, tỉnh Hà Giang tổ chức lễ hội chợ tình Khau Vai lần thứ Nhất. Mặc dù hôm đó thời tiết không thuận lợi, mưa lớn kéo dài, giao thông trắc trở, nhưng đã có tới hai vạn người từ Bắc tới Nam, cùng rất nhiều khách nước ngoài tới dự. Qua người phiên dịch, tôi có dịp trò chuyện với ông Mar Kus Madeya đến từ Thụy Sĩ, ông Steve Chris Tensen quốc tịch Hoa Kỳ. Hai vị đều xuất phát từ Hà Nội, đi xe máy phân khối lớn. Băng qua hơn 200 cây số trên cao nguyên trập trùng đá núi, với Cổng trời Quản Bạ, Thẩm Mã, dốc Chín Khoanh, Cổng trời Sà Phìn, đỉnh Mã Pì Lèng... thì khác gì là cuộc thám hiểm đầy thú vị. Các vị khách đều chung một nhận xét: Rất tuyệt, rất hấp dẫn, không dễ gì quên trong đời.
Năm sau tôi lên với chợ tình. Xa em vừa đúng một năm/ Qua Giêng anh lại xăm xăm chợ tình. Tôi mang câu thơ của ai đó lên Khau Vai dự lễ hội, trong lòng cứ chộn rộn khấp khởi như thể có người năm xưa đang khẩn thiết chờ đợi mình. Mà biết tìm đâu đây giữa trăm hồng nghìn tía. Tôi nhận ra, hầu như trên gương mặt mỗi người đến chợ đều có một tâm trạng vui, buồn, và hơn thế nữa là những cung bậc bay bổng của tâm hồn, có cảm giác như mình đang sống lại thuở đang yêu...
Tôi lang thang trong chợ mà không có ý định cụ thể, chỉ để xem, để nghe mà cảm nhận. Tôi tạt vào cái quán nhỏ của bà Mùi ở góc chợ nghỉ chân. Hôm nay là ngày cuối phiên, có cảm giác thời gian trôi đi rất nhanh. Tôi vẫn gặp từng đôi, từng đôi đắm đuối tỏ tình mà không hề bận tâm bởi dòng người xuôi ngược. Họ trò chuyện với nhau kín đáo và trao kỷ niệm: Một chiếc vòng bạc, một vuông thổ cẩm rực rỡ, rồi mắt trong mắt, tay trong tay, dùng dằng không muốn dứt...
Bỗng một cụ ông khoảng 80 tuổi, rẽ đám đông đi ngược về phía cuối chợ. Cụ đội mũ nồi đen, áo quần Tà Pủ mầu chàm, đi đôi giày vải đã cũ sờn, đeo bên mình chiếc túi thổ cẩm trong có chai rượu nút bằng lõi ngô. Bước chân xiêu vẹo mỏi mệt, nhưng dáng vẻ lại vội vàng.
Bà Mùi rót thêm nước cho tôi, rồi chậm rãi kể:
- Thật khổ cho ông cụ Lường từ Cao Mã Pờ - Quản Bạ, đi mấy ngày lên đây mà không gặp được bạn già. Cụ ấy hơn 80 tuổi và đã đi 50 phiên chợ Khau Vai để gặp bạn tình. Mở cái quán này mấy chục năm, năm nào tôi cũng gặp cụ đi chợ. Bạn tình của cụ ở tận Hồng Ngài gần Lũng Cú, vài năm trước vẫn thấy hai cụ gặp nhau, uống rượu bên phiến đá cạnh bìa rừng.
Bà Mùi thở dài: “Bạn của cụ đã mất năm trước, chắc cụ Lường biết rồi. Hôm nay phiên chợ cuối của cụ, thế nào cụ cũng uống rượu, đốt vàng mã để cúng người đã khuất”. Gió cuối chiều vi vút, lều quán đìu hiu lúc chợ tàn, bếp lửa của mấy hàng thắng cố vẫn còn âm ỉ khói. Tôi đi ngược dốc về phía bìa rừng theo lời bà Mùi. Trước mắt tôi là gốc cây Ba Xoi, tán lá xòe như chiếc ô xanh, dưới gốc có phiến đá nửa chiếc chiếu đơn.
Quả nhiên, như lời bà Mùi, chai rượu của cụ Lường vẫn còn một nửa, nằm nghiêng bên gốc cây, một ít tàn tro vàng hương, gió đã mang đi gần hết. Năm trước đi chợ tình, tôi gặp các bà già, ông lão lưng còng tóc bạc, lâu ngày không gặp nhau, đến chợ để ôn lại kỷ niệm của một thời tuổi trẻ. Giọng hát ngậm ngùi xa xót: Lâu lâu không gặp tưởng đã mất - May mà ta không để tang nhau... Càng nghĩ, càng thấy thương cho cụ Lường, và tôi biết chắc chắn cụ chẳng bao giờ trở lại Khau Vai nữa.
Vào độ này hoa Kim Ngân vàng rộ, mơ màng như những thảm nắng, như thấu hiểu hết mọi mùa tình ở Khau Vai. Không kể trẻ hay già, những người từng yêu nhau nay đã có gia đình khác, mỗi năm một lần gặp nhau chỉ để hỏi han, chia sẻ, để nhìn thấy mặt nhau, để uống với nhau chén rượu, rồi lại chia tay, ai về nhà nấy. Có lẽ xưa kia, nguyên tắc xây dựng gia đình trên cơ sở cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, đã ít nhiều cản trở những mối tình trong sáng, và phiên chợ hằng năm này chính là một cách giúp mỗi người được giải tỏa tâm tình?
Không chỉ bó hẹp ở trên thẻo đất có hình Kim Quy (rùa vàng), không gian của Khau Vai thật rộng, kéo từ Đông sang Tây, mở từ Bắc về xuôi. Nắng tháng Ba ong óng, ngọn gió lồng lộng dọc cao nguyên mát rượi, cảnh sắc núi non tuyệt vời. Rồi Khau Vai trở nên vắng vẻ, chợ tình đã tan, nhưng trong ngôi nhà sàn rộng thênh thang như một con tàu vượt biển do huyện mới làm để đón khách, phía trong bố trí một số phòng nhỏ cho những ai có nhu cầu nghỉ qua đêm, bếp lửa đặt giữa nhà thơm phức mùi canh thịt mà đồng bào gọi là “thắng cố”, một số người vẫn còn nán lại uống rượu, nói cười rôm rả.
Tôi gặp anh Hào là người dân tộc Sán Chỉ và chị Liên người dân tộc Tày ở Bảo Lạc - Cao Bằng sang. Nghe mọi người giới thiệu thì chị Liên đang hát điệu Pụt Lằn (gần như điệu Sli, Lượn của đồng bào Tày - Nùng). Tôi không rõ nội dung, nhưng cảm được giai điệu xa xăm vời vợi lắm. Bỗng chị Liên dừng lại đột ngột, cười và nói rằng: “Chưa quen hát ở chỗ đông, thẹn lắm. Bài hát về tình yêu mà”. Hỏi han một lúc thì biết, họ nên vợ thành chồng chính từ chợ tình Khau Vai này.
Là tụ điểm sinh hoạt, đồng thời cũng là nơi dừng chân của cộng đồng các dân tộc Mèo Vạc, của bà con bên Bảo Lạc (Cao Bằng), kể cả từ huyện Nà Pô, Quảng Tây - Trung Quốc, người Khau Vai tự hào về những nét văn hóa truyền thống quý giá của quê hương mình. Từ đó bà con có ý thức tiếp thu, chọn lọc các yếu tố văn hóa mới để làm giàu đời sống tinh thần dân tộc mình.
Hiện giờ Khau Vai vẫn duy trì 5 ngày một phiên chợ, không phải là chợ tình, nhưng phiên nào cũng thật đông vui náo nức, nhiều đặc sản được mua bán, trao đổi. Từ sắc thái nhân văn độc đáo của chợ Khau Vai, chính quyền và các cơ quan hữu quan ở địa phương đã nâng tầm quy mô lên thành lễ hội hằng năm, với nhiều sinh hoạt văn hóa - văn nghệ đặc sắc. Bởi Khau Vai còn là điểm nhấn thu hút khách du lịch lên với Công viên Địa chất toàn cầu.
Con đường từ Mèo Vạc qua Cán Chu Phìn, Lũng Pù vào Khau Vai dài 24 cây số, băng qua rừng đá, nương đá, nhấp nhô như những kim tự tháp Ai Cập, lượn dưới chân dãy núi Sán Séo Tỉ ngất trời (còn gọi là Núi Ðá trắng) đã được nâng cấp. Cơ sở hạ tầng của xã như trụ sở làm việc, điểm trường chính, trạm y tế,... được xây dựng khang trang kiên cố. Ðời sống của đồng bào Khau Vai với các dân tộc Mông, Giáy, Tày, Nùng,... đã từng bước được nâng cao. Chắc chắn trong tương lai không xa, Khau Vai sẽ trở thành vùng đất giàu đẹp.
Tôi ngang qua đồn binh cũ của thực dân Pháp, vẫn còn dòng chữ số 1926 rêu phong lở lói, cô độc. Lại nhìn trạm Parabôn thu hình hướng lên trời xanh mà thêm hiểu Khau Vai đã mở rộng lòng đến bốn phương và nhận về những tin yêu chờ đợi. Và câu hát về Khau Vai thì không nguôi quên trong lòng:
Người ơi xuống núi cùng em
Hãy mang theo ngựa và đi một mình
Em đây tuy chẳng còn xinh
Có ô che nắng chợ tình Phong Lưu...
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202304/gap-lai-cho-tinh-khau-vai-2a211f4/