Gặp lại 'Thời xa vắng' và 'Sóng ở đáy sông'

u tháng 6 này, người hâm mộ nhà văn Lê Lựu gặp lại hai tác phẩm 'Sóng ở đáy sông' và 'Thời xa vắng' qua lần tái bản mới đầy ấn tượng.

Tác phẩm của nhà văn Lê Lựu được họa sĩ Kim Duẩn vẽ bìa và phần minh họa ruột sách do Linh Giang thực hiện. Không chỉ nằm ở hình thức, hai tác phẩm kinh điển này được thực hiện nhằm đánh vào thế hệ độc giả trẻ, khơi nguồn cảm hứng để lan tỏa văn hóa đọc cho thế hệ người trẻ mới với các tác phẩm đã định danh từ muôn năm trước.

Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942 ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Là cây bút chuyên về tiểu thuyết và truyện ngắn nổi tiếng với các tác phẩm đã xuất bản như: Người cầm súng (năm 1970), Mở rừng (năm 1976), Thời xa vắng (năm 1986), Chuyện làng Cuội (năm 1991), Sóng ở đáy sông (năm 1994)…

Với tiểu thuyết “Thời xa vắng”, nhà văn Lê Lựu đã vinh dự nhận được Giải A của Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng năm 1990.

“Thời xa vắng” diễn ra trong bối cảnh chuyển giao quan trọng của xã hội; song lại khác ở một điểm, ấy là ngay từ lúc vào truyện, tác giả đã đẩy ra một bầu không khí tù túng, u ám, xam xám, ít ánh sáng và dường như chỉ là một bức tranh nhòe màu đã cũ.

Bầu không khí nặng nề này bao trùm lấy toàn bộ làng Hạ Vị vào thời điểm đó, dẫn độc giả đi theo bước chân nhân vật bằng hình ảnh cả một dòng họ nháo nhào với biết bao nhiêu giáo điều tới từ người cha thuộc về xã hội cũ - cái xã hội thực dân nửa phong kiến.

Bóng ma thuộc về cuộc hôn nhân ép buộc từ khi còn bé ám ảnh theo Sài tới mãi về sau, ngay cả khi nhường suất học cho Hương, vào bộ đội, thuyên chuyển khắp nơi rồi tới tận lúc hòa bình, Sài vẫn không thực sự có được hạnh phúc của riêng mình. Bản chất của Sài là một nghệ sỹ, khi không thể thỏa mình vùng vẫy trong hiện thực, Sài lại dầm mình vào những cơn tưởng tượng: trong chính nhật ký của mình. Bi kịch lại tới khi cuốn nhật ký đó bị tịch thu, bị đọc trộm, bị lôi ra để lấy làm bằng chứng bêu riếu kỷ luật Sài. Bị ràng buộc cả thân xác và tâm hồn, cuối cùng Sài lại sống như cái ý định mà anh cho là dũng cảm: “Hãy im lặng chịu đựng!”…

Nói về “Thời xa vắng”, Nhà Lý luận phê bình Phạm Xuân Nguyên đã đánh giá: “Công cuộc Đổi Mới đất nước vừa được mở ra thì ngay lập tức văn học đã ghi được dấu ấn bất ngờ bằng tác phẩm “Thời xa vắng” của Lê Lựu. Ông viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời. Cái thời đó tác giả gọi là “thời xa vắng” nhưng thật ra vẫn chưa qua.

Đó là cái thời nhân vật Giang Minh Sài sống không phải là mình, nửa đời trước sống cho cái mình không có, nửa đời sau sống chạy theo cái không phải của mình. Nhân vật văn chương này đã được nhớ tên, được coi như một định ngữ chỉ một kiểu người, một kiểu sống, điều này rất ít có trong văn chương nhiều năm trước đó vốn chỉ có hình tượng nhân vật tập thể mà không thể gọi tên một nhân vật cụ thể nào. Thời xa vắng đã được đón đọc nồng nhiệt, ai đọc cũng thấy mình trong đó, và được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới - xu hướng nhận thức lại thực tại”.

Cũng trong đợt tái bản này, Sbooks - đơn vị thực hiện tái bản còn mang đến cho độc giả yêu thích văn học kinh điển tác phẩm “Sóng ở đáy sông”, một tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc giữa thập niên 90 cho đến nay.

Tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” kể về một chuỗi những sai lầm liên tiếp của một cuộc đời: Núi - người được sinh ra bởi sai lầm của người cha, sau những lần “không thể kìm hãm trước con ở”, “đang thời bừng dậy rừng rực”. Một số phận không mong muốn. Một khoảng cách không thể kết nối lại gần với những gì được gọi là chính thống, được sự thừa nhận hợp pháp.

Cuộc đời Núi trượt dài trong tăm tối. Bất hạnh đeo đẳng. Chiến tranh và một thời kỳ bao cấp có thể khiến con người ta trở nên vĩ đại hoặc thấp hèn. Tiếc cho một cậu học sinh học giỏi, mà số phận đưa đẩy trượt dài để trở thành một tên trộm cắp. Tiếc cho một nếp sống tưởng như gia giáo nghiêm ngắn, lại là cái nôi đẩy con người ta vào tội lỗi, hận thù. Mà người chủ trương lối sống nghiêm ngắn đến khắc nghiệt trong gia đình lại chính là người cha đa đoan, tưởng mình tử tế, lại cố tình gây ra bao điều không tử tế cho đám con “không chính thức” và cả “chính thức”. Tiếc cho một mối tình đẹp, lại trớ trêu đứt gãy đến khôn lường. Để suốt quãng cuộc đời quan trọng nhất, những con người như Núi, như Hiền mãi chạy vòng quanh trốn nhau tìm nhau như đèn cù…

Một mảng màu tối, nhưng có thể nhìn thấy cuối đường hầm bừng lên vệt sáng. Và người đọc được quyền bước ra vùng sáng rỡ, nơi con người trở về với nguyên bản thiện lương của mình.

Với lối viết mộc, hiện thực; với những triết lý, ẩn dụ, phúng dụ được nhà văn Lê Lựu sử dụng khá tinh tế và thuần Việt, chắc chắn lớp bạn đọc hôm nay sẽ được bước vào một thời khắc riêng khác, và hình dung về một giai đoạn đầy biến động đã lùi xa...

Có thể với góc nhìn mới, với những tầng tri thức hiện đại, độc giả ngày nay sẽ nhìn ra những vấn đề khác biệt với lớp độc giả những thập niên trước, sẽ có được tâm thức mới để khai mở lại văn bản câu chữ.

Đã khá lâu, những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu chỉ được nhắc đến trong các bản tham luận, các bình luận văn chương, mà không còn trên giá sách của các nhà sách. Vậy nên, với lần tái bản đặc biệt này, các tác phẩm kinh điển của nhà văn Lê Lựu một lần nữa ghi dấu trong lòng độc giả thế hệ mới.

Đồng Bằng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gap-lai-thoi-xa-vang-va-song-o-day-song-post138154.html