Gắp lưỡi câu sắc nhọn cùng dây cước trong ruột nữ bệnh nhân
Một lưỡi câu dài 2cm cùng đoạn dây câu 0,4m nằm gọn trong lồng ruột của nữ bệnh nhân người Quảng Bình.
Sáng 2/7, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị này vừa phẫu thuật nội soi điều trị thành công một trường hợp lồng ruột mạn tính cho bệnh nhân nữ Nguyễn T Ng. (42 tuổi, trú thị xã Ba Đồn, Quảng Bình).
Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tham gia phẫu thuật
Trước đó, chị Ng. được người nhà đưa đến nhiều bệnh viện tại Quảng Bình và Hà Nội điều trị với chẩn đoán viêm ruột, được nội soi dạ dày, nội soi đại tràng và chụp CT scan bụng nhưng không phát hiện tổn thương.
Đến ngày 19/6, nữ bệnh nhân này nhập viện Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng bán tắc ruột, bụng mềm không chướng.
Bệnh nhân được làm các xét nghiệm huyết học, sinh hóa và xét nghiệm hình ảnh, trong đó siêu âm bụng ghi nhận tổn thương lồng ruột non lỏng lẻo kích thước 3 x 4 cm, hình ảnh CT scan bụng không phát hiện tổn thương.
Thăm khám và dõi lâm sàng hơn 1 tuần, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân xuất hiện những cơn đau quặn bụng tái diễn, có xuất hiện dấu hiệu khối di chuyển. Kết quả xét nghiệm bằng hình ảnh phát hiện búi lồng ruột non trong cơn đau.
Với việc theo dõi trực tiếp và chỉ định kịp thời của GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế và kíp phẫu thuật khoa Ngoại Nhi - Cấp Cứu Bụng, đội ngũ y, bác sĩ đơn vị này đã thực hiện thành công phẫu thuật nội soi xử trí triệt để thương tổn cho bệnh nhân.
Theo đó, sau khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã gắp bỏ thành công dị vật gồm lưỡi câu 2cm móc vào thành ruột non kèm dây cước dài 40cm cuộn với thức ăn tạo khối 3 x 3cm gây lồng ruột trong ổ bụng nữ bệnh nhân Ng.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, phẫu thuật nội soi là kỹ thuật xâm nhập tối thiểu được bệnh viện Trung ương Huế ứng dụng trong những năm gần đây cho nhiều bệnh lý với kết quả đáng khích lệ.
“Sau 2 ngày phẫu thuật, hiện bệnh nhân hết đau bụng, đã có lưu thông ruột trỡ lại và tinh thần ổn định. Qua trường hợp này, chúng tôi cảnh báo về dị vật đường tiêu hóa bỏ quên ở người lớn”, ông Hiệp khuyến cáo.